An Lão: Triển vọng một vùng du lịch sinh thái
An Lão: Triển vọng một vùng du lịch sinh thái
An Lão: Triển vọng một vùng du lịch sinh thái

Với tiềm năng sẵn có, huyện An Lão đang có nhiều cơ hội phát triển một vùng du lịch (DL) sinh thái đa dạng và phong phú; xây dựng địa phương trở thành một trong những trung tâm du lịch sinh thái, văn hóa đa sắc thái ở tỉnh Bình Định trong tương lai.
Đường về An Toàn hôm nay. Ảnh: H.N.Q
 
Nhiều tiềm năng
Nằm cách TP Quy Nhơn khoảng 120 km về phía Tây Bắc, huyện An Lão là vùng đất có bề dày lịch sử cùng nền văn hóa đậm đà bản sắc của 3 dân tộc Kinh, Hrê và Ba Na. Trong đó “điểm nhấn” để phát triển DL địa phương là Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) xã An Toàn rộng hàng chục ngàn héc ta, với hơn 11.700 ha rừng giàu, rừng nguyên sinh đa dạng, phong phú, chưa qua khai thác.
Theo thống kê, KBTTN An Toàn có 300 loài động vật, 547 loài thực vật, trong đó có những loài động, thực vật quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam. Nằm trên độ cao hơn 1.000 m so với mặt biển, khí hậu ở An Toàn quanh năm ôn hòa, mát mẻ. Con đường từ tỉnh lộ 629 lên An Toàn dài hơn 40 km đã được bê tông hóa uốn lượn theo triền dốc như một con trăn khổng lồ vắt mình qua những ngọn núi xanh thẳm.
Về với An Lão du khách tha hồ trèo đèo, ngắm thác, các con sông Xang, sông Đinh, sông Côn, sông An Lão uốn khúc tạo nên cảnh đẹp sơn thủy hữu tình. Nhìn từ trên đỉnh núi quần thể danh thắng Cây Số 10 và làng An Hậu như một bức tranh thiên nhiên kỳ thú được thêu dệt từ chính sông núi, ruộng bậc thang và những ngôi nhà sàn của người Hrê, Ba Na nơi đây.
Theo ông Hoàng Ngọc Thành, Trưởng phòng VH-TT huyện An Lão: Hiện nay, trên địa bàn huyện có 5 di tích được Nhà nước xếp hạng, trong đó có 1 di tích lịch sử cấp Quốc gia và 4 di tích lịch sử cấp tỉnh. Một số khu di tích lịch sử nổi tiếng như Gộp đá lớn An Quang, Vụ thảm sát Đá Bàn, Địa điểm in bạc tín phiếu Liên khu V, nơi đặt Đài Phát thanh Nam Trung bộ, Chiến thắng An Lão… được kết nối với những bản làng của người Hrê, Ba Na có thể khai thác tour DL văn hóa-lịch sử hứa hẹn thu hút du khách.
Ngoài ra, người dân An Lão còn lưu giữ nhiều nhạc cụ, cồng chiêng độc đáo, những làn điệu ca lêu, ca choi mượt mà, đằm thắm của người Hrê, Ba Na và hàng chục trò chơi dân gian mang đậm bản sắc dân tộc miền núi. Về An Lão, du khách có dịp thưởng thức men rượu cần nồng nàn, được ăn món cơm lam đốt chín từ trong ống tre nứa với nhiều món ăn dân dã như cá niên, rau dớn, sùng, dế, ngóe…
An Lão đã có hệ thống giao thông thuận lợi với các tuyến đường được bê tông hóa đến tận bản làng, xe ô tô đến được trung tâm các xã. Đây cũng là điều kiện tốt để An Lão phát triển DL sinh thái.
Cần được đánh thức
Với tiềm năng khá phong phú, An Lão có thể khai thác DL sinh thái, văn hóa-lịch sử để góp phần phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, đến thời điểm này, địa phương vẫn “loay hoay” chưa tìm được lời giải cho phát triển DL.
Trong những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cũng đã có chủ trương, ý tưởng phát triển DL, coi đây là một trong những khâu đột phá để phát triển kinh tế. Huyện An Lão cũng đã tăng cường quản lý nhà nước, quản lý quy hoạch trong lĩnh vực DL; khuyến khích tổ chức, cá nhân xúc tiến đầu tư vào địa bàn… Song, việc thực hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Để “đánh thức” tiềm năng, tạo điều kiện phát triển kinh tế DL trên địa bàn, huyện An Lão cần đề ra những chính sách và giải pháp cụ thể để các đơn vị thực hiện. Trước mắt huyện cần quan tâm đầu tư hạ tầng tại những “điểm nhấn” để có thêm động lực phát triển DL tại địa phương.
Một tin vui đến với huyện An Lão là Dự án Quy hoạch, xây dựng khu bảo tồn thiên nhiên tại xã An Toàn đã được UBND tỉnh phê duyệt. Nhiệm vụ của Dự án là bảo vệ, phục hồi hệ sinh thái rừng, nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực, xây dựng cơ bản, phát triển kinh tế-xã hội, phát triển DL với tổng kinh phí thực hiện từ nay đến năm 2020 trên 50 tỉ đồng. Đây là cơ hội để huyện miền núi An Lão tạo bước đột phá trong việc đầu tư phát triển DL ở địa phương.
HOÀNG NAM QUỐC
 

Tác giả bài viết: Hoàng Nam Quốc