Cách đây chỉ hơn nửa năm, cau tươi vẫn là cây trồng đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân An Lão. Giờ đây, cau tươi ở An Lão chín rụng đỏ vườn, trong khi các lò sấy cau gần như đóng cửa.
Cau An Lão ế ẩm
Các xã An Dũng, An Vinh, An Trung, An Hòa... là những địa phương có diện tích cau trồng nhiều nhất. Hầu như hộ nào cũng trồng cau, nhiều thì trồng vài trăm, ít cũng dăm ba chục cây. Cau thuộc loại dễ trồng, không tốn công chăm bón, dễ thích nghi với môi trường, trồng ở đâu cũng sống và phát triển tốt. Bên cạnh đó, cây cau không chiếm nhiều diện tích đất. Dưới tán cau bà con nông dân có thể trồng thêm các loại rau quả, hoa màu mà không bị ảnh hưởng nhiều.
          Mấy năm trước đây, giá cau tươi dao động từ 10.000 - 15.000 đồng/kg, lúc đắt giá lên đến 20.000 đồng/kg. Năm 2018, giá cau tươi ở mức tăng vọt từ 22.000 - 25.000 đồng/kg. Thế nhưng, năm nay giá cau tươi bất ngờ “tụt” xuống mức thê thảm, chỉ còn 2.000 - 4.000 đồng/kg, bằng 1/10 giá cau năm ngoái. Ông Đặng Bê ở thôn Long Hòa, xã An Hòa cho biết: “Gia đình tôi trồng khoảng 300 cây cau, mỗi năm  thu hoạch được tiền chục triệu là chuyện bình thường. Tuy vậy, năm nay cau rớt giá, số tiền thu về không đủ trả công thuê mướn người hái nên đành chấp nhận để nó chín rụng. Những năm trước cau tươi có giá, các thương lái tại địa phương thi nhau mở lò sấy cau để xuất bán đi Trung Quốc. Họ vào tận nhà đặt tiền cọc trước để thu mua cau tươi. Năm nay, cau tươi rớt giá, các lò cau đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng đã khiến không ít bà con nông dân than ngắn thở dài.”
Được biết, từ năm 2015 cho đến mùa cau cuối năm ngoái, cây cau ở huyện An Lão đã “lên ngôi” đến bất ngờ. Mỗi ngày có đến vài chục người từ các xã vùng thấp của huyện lũ lượt kéo về xã vùng cao của đồng bào Hrê ở các xã An Dũng, An Vinh, An Hưng, An Quang, An Nghĩa… để thu mua cau trái. Nhiều người còn bỏ tiền ra mua cả những rẫy cau chưa ra trái những mong chờ thu hoạch ở vụ sau…
Thị trường cau trái ở An Lão một thời sôi động đã lôi cuốn sự tham gia không chỉ người trồng mà cả người mua, bán, chế biến xuất khẩu. Ở các xã An Hòa, An Tân đã hình thành các lò sấy cau thủ công có thể sơ chế vài tấn cau tươi/ngày.
Tuy nhiên, cây cau ở An Lão đã “chết” một cách tức tưởi từ đầu năm 2019 khi Trung Quốc không chịu nhập. Không còn thị trường, các lò sấy cau đều điêu đứng. Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ lò sấy cau tại thôn Long Hòa, xã An Hòa - một trong những lò sấy cau lớn nhất huyện cho hay: Tôi vẫn đang “khóc đứng, khóc ngồi”, liên tục gọi điện thoại đi khắp nơi tìm mối hàng tiêu thụ cau khô. Hầu như cả căn nhà 2 gian, rộng chừng hơn 150 m2 của gia đình tôi đã biến thành kho chứa cau.
Bà Cúc cho biết, trước đây vào mùa cau, cơ sở của bà phải thuê đến 15 - 20 nhân công sơ chế và sấy cau. Hiện tại thì chỉ có vài người làm, trong khi đó còn tồn đọng 15 tấn cau khô chưa xuất đi được. Không có người mua, cau để lâu rất dễ mốc, ẩm. Hàng ngày, ông Lan chồng bà phải mở từng bao cau xem xét, bao nào có dấu hiệu ẩm mốc phải đem ra phơi hoặc sấy lại. Vào lúc đỉnh điểm, cau tươi có giá 25.000 đồng/kg. Từ tháng 4.2019 cau bắt đầu có dấu hiệu sụt giá và chỉ 2 tháng sau, cau chỉ còn ở giá 2.000 đồng/kg và bây giờ là 3.000 đồng/kg nhưng… không có người mua. Vào lúc cau cao giá, bà Cúc đã phải mua vào đến 20.000 đồng/kg cau tươi (4 kg cau tươi mới sơ chế được 1 kg cau khô). Giờ đây, với 15 tấn cau khô tồn đọng, bà Cúc thua lỗ nặng.
Mất thị trường tiêu thụ, những lò sấy cau còn lại ở An Lão cũng cùng chung số phận như gia đình bà Cúc. Hộ chị Nguyễn Thị Hồng ở An Tân còn tồn đọng khoảng 5 tấn cau khô. Cách xử lý duy nhất của gia đình chị là tìm kiếm những bạn hàng nhỏ lẻ tại các chợ, mua cau để bán cho người ăn trầu. Cách này xem ra cũng chẳng giải quyết được gì, vì tiền bán cau chẳng bù được chi phí công vận chuyển…
         Những năm gần đây, người dân An Lão đã tăng diện tích trồng cau, vì cau là loại dễ trồng, quả chín rơi xuống tự mọc lên, không cần đầu tư, chăm bón nên nhiều hộ dân vẫn phát triển giống cây này. Năm 2018, theo thống kê của Phòng NN&PTNN huyện An Lão, cả huyện xuất bán khoảng 1.000 tấn cau, doanh thu hơn 7 tỷ đồng. Song năm nay, cây cau lại khiến nhiều hộ dân khốn đốn vì cau tươi bán chẳng ai mua nhưng vẫn phải bỏ công sức tiền của ra thu hoạch để dọn vườn, hy vọng mùa sau...

 

Tác giả bài viết: DD