Những năm qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi” gắn với xây dựng nông thôn mới được Hội Nông dân huyện An Lão chú trọng triển khai sâu rộng. Từ đó, đã phát huy tính năng động, sáng tạo trong lao động, sản xuất của hội viên nông dân, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao.
dieu1819
Ông Đinh Văn Hùng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện An Lão cho biết: Bám sát các nghị quyết, chương trình, đề án liên quan đến nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của cấp ủy, chính quyền địa phương..., những năm qua, Hội Nông dân An Lão luôn tích cực chỉ đạo cán bộ, hội viên đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG), đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững.
Thực hiện đề án xây dựng nông thôn mới, xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, Hội Nông dân huyện đã phát động mạnh mẽ phong trào thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau xoá đói giảm nghèo đến 10/10 cơ sở hội trên địa bàn, gắn với xây dựng NTM bằng nhiều nội dung phong phú, thiết thực.
Để phong trào thực sự lan toả và có chiều sâu, hàng năm các cấp Hội Nông dân trong huyện đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng mở các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân, tham quan học tập và xây dựng nhiều mô hình trình diễn cây, con giống mới, cải tiến kỹ thuật, hỗ trợ tư liệu sản xuất, tổ chức tốt các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân, tạo mọi điều kiện để nông dân đẩy mạnh phát triển sản xuất.
hd
                                                          Hiến đất, ngày công làm đường GTNT  
Từ năm 2012 đến nay, các cấp hội đã tổ chức 1.015 buổi tuyên truyền, vận động với trên 507.675 lượt hội viên nông dân tham gia phong trào nông dân SXKDG. Bám sát chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, hội đã vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp sang hướng công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp nhưng vẫn duy trì mức tăng về quy mô, giá trị; sản phẩm nông nghiệp có định hướng cụ thể nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển đổi phù hợp theo hướng chú trọng vào nhóm cây, con có thị trường tiêu thụ, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất tập trung thông qua các mô hình như: Mô hình trồng bưởi da xanh xã An Hòa, An Tân; Mô hình nuôi nhím tại xã An Hòa; Mô hình trồng thâm canh cây ngô lai, trồng nấm bào ngư xám tại xã An Tân; Mô hình nuôi heo rừng, nuôi gà trên đệm lót sinh học tại Thị trấn; Mô hình trồng bơ booth, nuôi heo đen tại xã An Toàn; Mô hình ươm keo giống, trồng cây đinh lăng tại Thị trấn An Lão; Mô hình trồng dâu nuôi tằm, trồng dưa hấu ở An Hòa; Mô hình trồng rau sạch ở An Tân;...
Cùng với đó, Hội nông dân các cấp đã tranh thủ các nguồn lực khác nhau, tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức được 19 lớp dạy nghề cho 665 lượt hội viên và 119 lớp tập huấn phổ biến kiến thức, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 5.319 lượt hội viên tham gia; đồng thời tổ chức cho 10.010 lượt hộ hội viên đăng ký hộ SXKDG, kết quả bình xét có 2.159 lượt hộ đạt danh hiệu SXKDG các cấp. Hàng năm phối hợp tạo thêm việc làm mới cho hơn 1.000 hội viên nông dân.
Hội Nông dân huyện còn làm tốt vai trò cầu nối giữa Ngân hàng Chính sách xã hội với hội viên, nông dân địa phương, tạo điều kiện để bà con tiếp cận được nguồn vốn vay đầu tư phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất, chăn nuôi. Tính đến nay, hội đã xây dựng được 47 tổ tiết kiệm vay vốn với 1.939 thành viên tham gia chương trình cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác do Ngân hàng Chính sách xã hội uỷ thác với dư nợ trên 63 tỷ đồng. Đồng thời, từ nguồn vốn QHTND đã giúp hơn 100 lượt hội viên vay vốn với tổng dư nợ hiện nay đạt 1,995 tỷ đồng ...
Thông qua các hoạt động trên, nhiều hội viên nông dân của huyện đã ứng dụng có hiệu quả việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các mô hình sản xuất, chăn nuôi trồng trọt và đã mang lại lợi nhuận cao điển hình như: Mô hình chăn nuôi, dịch vụ tổng  hợp của hộ ông Phan Hồng Sơn, Mô hình ươm keo giống của hộ bà Nguyễn Thị Vân, Mô hình VACR của hộ ông Nguyễn Thông ở Thị trấn An Lão; Mô hình trồng nấm bào ngư xám của hộ Lê Văn Ảnh, mô hình nuôi bò lai sinh sản hộ Nguyễn Văn Tốt ở An Tân; Mô hình trồng dâu nuôi tằm hộ ông Phạm Ngọc Trai ở An Hòa; mô hình trồng trọt, chăn nuôi của hộ ông Đinh Văn Trai ở An Toàn;...Đặc biệt, có những hộ thoát nghèo trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi như hộ: chị Nguyễn Thị Thiết, ông Võ Tư xã An Tân; ông Nguyễn Văn Thảo, bà Châu Thị Phương ở Thị trấn An Lão;....
Cùng với thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, tinh thần tương thân tương ái của hội viên, nông dân còn được phát huy tích cực. Hội đã vận động hội viên, nông dân và các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi đóng góp ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”, vận động tương trợ bằng tiền, ngày công lao động, cây, con giống, phân bón với số tiền gần 681 triệu đồng, 750 ngày công lao động, 3.609 cây giống, 240 con giống, 28 tấn gạo, 32 tấn phân bón các loại,...
Đặc biệt, xác định rõ vai trò chủ thể của cán bộ, hội viên Hội Nông dân trong xây dựng NTM, ngay từ khi có văn bản chỉ đạo của cấp trên, Hội Nông dân huyện An Lão đã chỉ đạo các cơ sở hội bám sát sự chỉ đạo của cấp uỷ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền; đồng thời đưa nội dung xây dựng NTM trở thành một trong ba phong trào thi đua trọng tâm của công tác hội.
Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới và hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, các cấp Hội đã tổ chức tuyên truyền về 19 tiêu chí nông thôn mới để hội viên, nông dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, vai trò của nông dân trong việc tham gia thực hiện.
Các cấp Hội đã tổ chức 337 buổi tuyên truyền cho 5.766 lượt hội viên, nông dân; vận động hội viên, nông dân tham gia hiến đất, đóng góp tiền, vật tư và ngày công lao động để làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng, kiên cố hóa kênh mương, xây dựng nhà văn hóa.
Kết quả, Hội đã vận động hội viên, nông dân đóng góp 962 triệu đồng, 850 công lao động, tham gia sửa chữa và làm mới 119 km đường giao thông nông thôn, sửa chữa và kiên cố hoá 77 km kênh mương nội đồng. Hội viên, nông dân hiến 720 m2 đất để làm đường liên thôn và các công trình phúc lợi.
Song song với việc hiến đất và đóng góp ngày công, các chi hội nông dân trên địa bàn còn thi đua hoàn thành các nội dung đăng ký thực hiện trong xây dựng NTM của địa phương như: làm các tuyến đường điện, gắn biển công trình đoạn đường tự quản, vệ sinh môi trường, an ninh lối xóm; tham gia sinh hoạt câu lạc bộ gia đình nông dân văn hoá; xây dựng các thiết chế văn hoá, hương ước “Làng văn hoá”, thực hiện nếp sống văn minh, tiết kiệm trong việc cưới, việc tang gắn với thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”...
Các cấp Hội còn tích cực vận động hội viên, nông dân thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”. Từ năm 2012 đến nay có 22.519 lượt hộ đăng ký và đạt danh hiệu gia đình văn hoá. Đến nay trên địa bàn huyện có 90% hộ nông dân được dùng nước sạch, hợp vệ sinh; 90% hộ hội viên thu gom rác thải sinh hoạt theo quy định; 85% hộ hội viên nông dân có công trình hố xí hợp vệ sinh; 85% hộ gia đình chăn nuôi lợn xây dựng bể biogas bảo vệ môi trường; xây dựng 54 hố rác tập trung ngay trên đồng ruộng để thu gom bao bì, chai lọ, thuốc BVTV; xây dựng mô hình chi Hội nhận tự quản 01 km đường giao thông nông thôn sáng - xanh - sạch, mô hình chi Hội đẹp nhà – sạch đường – xanh đồng ruộng; mô hình chi Hội 6 không, 9 có;....
Từ sự chung tay góp sức đó, đến nay, huyện An Lão có 2 xã đạt được 13 tiêu chí, 2 xã đạt 11, 01 xã đạt 10 tiêu chí NTM.
Phát huy những kết quả đã đạt được, phấn đấu đến năm 2020 có 02 xã đạt chuẩn NTM, có 35 - 40% hộ hội viên đạt hộ nông dân sản xuất giỏi các cấp. Hằng năm giảm tỷ lệ hộ nghèo trong Hội Nông dân xuống dưới mức bình quân chung của huyện. Hội Nông dân huyện An Lão tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng hoạt động của các chi hội cơ sở; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả phong trào nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau xoá đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng; vận động cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, đặc biệt là đường giao thông nông thôn, kênh mương thuỷ lợi và các công trình phúc lợi xã hội... Qua đó, góp phần cùng cấp uỷ, chính quyền địa phương thực hiện thắng lợi Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện.
 

Tác giả bài viết: D.D