Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng bộ tỉnh Bình Định được thành lập đã nhanh chóng phát triển tổ chức, lãnh đạo nhân dân trong tỉnh vượt qua bao khó khăn, thử thách, tích cực chuẩn bị về mọi mặt, tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền vào tháng Tám năm 1945, góp phần tạo nên thắng lợi của Cách mạng tháng Tám trên phạm vi cả nước.
Kỷ niệm 74 năm Cách mạng Tháng Tám: Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại Bình Định trong cách mạng Tháng Tám
Tại Bình Định, sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9.3.1945), phong trào cách mạng ở Bình Định có điều kiện phát triển. Tháng 4.1945, Ủy ban Vận động cứu quốc tỉnh thành lập tại làng Định Bình (Hoài Mỹ, Hoài Nhơn), được gọi là Việt Minh Tăng Bạt Hổ, chủ trương tập hợp mọi lực lượng trong tỉnh để đấu tranh theo chương trình cứu nước của Mặt trận Việt Minh. Tuy nhiên, lúc bấy giờ ở Bình Định còn có Ủy ban Vận động Việt Minh tỉnh, được gọi là Việt Minh Nguyễn Huệ, thành lập vào giữa tháng 5.1945 tại hãng Đề-li-nhông (Phú Phong, Tây Sơn), do đồng chí Võ Xán làm Thư kí. Nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khởi nghĩa giành chính quyền khi thời cơ đến, cuối tháng 7.1945, Ban cán sự Đảng tỉnh Bình Định được thành lập, do đồng chí Trần Lương làm Bí thư.
        Ngày 13/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào quyết định tổng khởi nghĩa trong cả nước, giành lấy chính quyền từ tay phát xít Nhật trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương. Trước tình thế ấy, Việt Minh Nguyễn Huệ và Việt Minh Tăng Bạt Hổ đều tổ chức họp và quyết định thành lập Ủy ban khởi nghĩa. Tối 13/8/1945, khi nhận được tin Nhật đầu hàng, Việt Minh Nguyễn Huệ họp khẩn cấp tại ga Quy Nhơn, quyết định lập Ủy ban khởi nghĩa do đồng chí Võ Xán lãnh đạo.
Tại An Sơn, Hoài Nhơn, ngày 18/8/1945, Ủy ban vận động cứu quốc tỉnh (Việt Minh Tăng Bạt Hổ) họp, lập Ủy ban khởi nghĩa tỉnh, do đồng chí Trần Quang Khanh làm Trưởng ban.
nhi
Thôn An Sơn, Hoài Nhơn, nơi Ủy ban vận động cứu quốc tỉnh họp bất thường ngày 18/8/1945.
Ngay tối 21/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa của Việt Minh Nguyễn Huệ họp, quyết định phát động quần chúng khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh lị tại thị xã Quy Nhơn vào ngày 23/8, nhằm vừa tạo thế, tạo đà cho các huyện nổi dậy, vừa tránh tình thế phải đối phó với mấy ngàn quân Nhật đang từ Tây Nguyên theo đường 19 kéo về tập kết tại Quy Nhơn.
Sáng ngày 23/8/1945, cả Quy Nhơn sôi sục khí thế cách mạng. Hàng ngàn công nhân, lao động và các tầng lớp khác cùng ngư dân xóm Tấn, thôn Hải Giang và nông dân Xuân Quang, Phú Vinh, Phú Hòa, Hưng Thạnh…cờ giong trống thúc rầm rập tiến về sân vận động Quy Nhơn. Công nhân Delignon và các ga Bình Định, Diêu Trì, Mục Thịnh (Vân Canh),…cùng thanh niên, học sinh nhiều làng của Tuy Phước, thanh niên và nhân dân thị trấn Bình Định,…mang theo vũ khí thô sơ và cờ đỏ sao vàng nô nức kéo về Quy Nhơn.
Tại sân vận động Quy Nhơn, trước hơn 10.000 người, đại biểu của Ủy ban khởi nghĩa Việt Minh Nguyễn Huệ đứng lên hiệu triệu quần chúng nhất tề đứng lên khởi nghĩa. Sau đó quần chúng có các đội tự vệ cứu quốc đi đầu, chia thành 2 đoàn sôi sục tiến chiếm 2 mục tiêu quan trọng: Đốc bộ đường (dinh Tỉnh trưởng), tòa Đốc lí thành phố (Tòa sứ cũ), rồi hợp điểm chiếm trại bao an tỉnh. Lực lượng cua Ủy ban khởi nghĩa Việt Minh Tăng Bạt Hổ tại Quy Nhơn tuy có đưa người phối hợp, nhưng chỉ dự mít tinh và tuần hành.
Ở đốc bộ đường, tỉnh trưởng Phạm Phú Tiết xin nạp ngay ấn tín, thanh kiếm lệnh cùng toàn bộ hồ sơ, tài sản và các công sở cho nhân dân. Ủy ban khởi ngĩa điện ra lệnh cho các tri phủ, tri huyện và chỉ huy các đồn bảo an trong tỉnh phải giao ngay chính quyền cho Việt Minh. Đoàn chiếm tòa đốc lý, khi đến ngã 3 Lê Hồng Phong- Nguyễn Huệ gặp một đoàn xe quân sự của Nhật, nhưng không xảy ra va chạm. Tại đồn bảo an, trước khí thế áp đảo của quần chúng, lại có cơ sở nội ứng hỗ trợ, viên đồn trưởng Huỳnh Ngọc Du phải giao đồn, nộp vũ khí, kho tàng cho Việt Minh. Quần chúng chia thành nhiều toán đi chiếm toàn bộ các công sở do quân Nhật giữ. Sau đó, tại khu đất đối diện với đốc bộ đường (nay là khu nhà dân và bệnh viện đa khoa thành phố Quy Nhơn), quần chúng tham gia cuộc mít tinh chào mừng việc thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Nguyễn Huệ, do đồng chí Võ Xán làm Chủ tịch.
Từ ngày 24/8- 26/8/1945, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Nguyễn Huệ xúc tiến các biện pháp, để thúc đẩy quá trình khởi nghĩa và củng cố chính quyền cách mạng. Một đoàn do đồng chí Lê Văn Nhiễu phụ trách, đi tước vũ khí các đồn bảo an Mục Thịnh, Định Quan (Vĩnh Thạnh), thành Bình Định. Đoàn đi Bình Khê để củng cố chính quyền cách mạng và liên hệ với Việt Minh An Khê, Pleiku. Đồng chí Giáp Văn Cương, ủy viên quân sự, tiếp xúc với Nhật, bàn quy chế đóng quân, tiếp tế…thu nhận được một số vũ khí đạn dược gần 500 khẩu súng.
Cuộc khởi nghĩa ở Quy Nhơn - tỉnh lị Bình Định đã diễn ra nhanh, gọn, không đổ máu. Quy Nhơn là dinh lũy của kẻ thù, là nơi có nhiều quân Nhật đóng giữ, lực lượng bảo an, cảnh sát đông nhưng nhờ sự lãnh đạo, vận động khôn khéo của Ủy ban khởi nghĩa (Việt Minh Nguyễn Huệ) đã được đông đảo quần chúng cách mạng tham gia, đặc biệt là sự nhạy bén, nắm thời cơ, tính năng động cách mạng của các đồng chí Võ Xán, Lê Văn Nhiễu, Giáp Văn Cương, Nguyễn Chơn… nên Quy Nhơn là nơi đầu tiên cướp chính quyền thắng lợi trong toàn tỉnh.
Tại huyện Bình Khê (Tây Sơn), sáng ngày 24-8-1945, hơn 3.000 quần chúng yêu nước sôi sục tiến về huyện lị. Quần chúng chiếm huyện đường, buộc tri huyện Bình Khê giao ngay chính quyền cho Việt Minh. Tại sân vận động Trinh Tường (Bình Tường), Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện Bình Khê được thành lập, gồm công nhân cứu quốc hãng Delignon và cán bộ Việt Minh các làng, do ông Phạm Lương làm chủ tịch.
Ở Phủ Phù Mỹ, chiều ngày 24 tháng 8, Ủy ban khởi nghĩa ở phía nam Phù Mỹ huy động gần 3000 quần chúng tuần hành thị uy tiến về phủ đường thu sổ sách, ấn tín và công sở. Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời phủ được thành lập do đồng chí Nguyễn Đăng Đệ làm chủ tịch.
Tại huyện Hoài Ân, Ngày 24 tháng 8, đại biểu Việt Minh Hoài Ân (thuộc Việt Minh Tăng Bạt Hổ) đột nhập huyện đường, buộc tri huyện giao chính quyền cho cách mạng, thu một số vũ khí cho đội tự vệ tập trung huyện. Đến ngày 26 tháng 8, một cuộc mít tinh lớn chính thức được tổ chức tại An Thường, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện Hoài Ân được thành lập, do đồng chí Huỳnh Đăng Thơ làm chủ tịch.
Ở phủ Tuy Phước, chiều ngày 22/8/1945, Việt Minh Nguyễn Huệ huy động quần chúng yêu nước các làng xung quanh phủ lỵ, thị trấn Bình Định (An Nhơn), ga Diêu Trì, do tự vệ cứu quốc quy Nhơn làm nòng cốt, biểu tình thị uy chiếm phủ lỵ Tuy Phước. Phước.
Tối ngày 26/8/1945, Ủy ban vận động cứu quốc phủ Tuy Phước quyết định lập Ủy ban khởi nghĩa, phát động quần chúng giành chính quyền tại làng xã. Chiều ngày 3/9/1945, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời phủ Tuy Phước được thành lập do đồng chí Đoàn Như Khương làm Chủ tịch.
Tại An Nhơn, sáng ngày 25/8, Việt Minh trại Canh Nông và Túc Mễ, cùng thanh niên Cẩm Tiên, Chánh Thành…chiếm phủ đường, buộc tri phủ giáo ấn tín, vũ khí. Ngày 25/8/1945, ủy ban khởi nghĩa của Ủy ban vận động cứu quốc phủ An Nhơn huy động quần chúng biểu tình thị uy, tịch thu bằng triện, tài sản va sổ sách của chính quyền tay sai làng xã. Ngày 3/9/1945 Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời được thành lập do đồng chí Nguyễn Thành Mẫn làm Chủ tịch.
Phủ Hoài Nhơn, tối ngày 26 tháng 8, hơn 15000 quần chúng có tự vệ sắt dẫn đầu biểu tình tuần hành thị uy trong toàn huyện, ngày 29-8, Ủy ban khởi nghĩa huyện huy động gần 8 nghìn quần chúng tiến vào phủ đường ở Bồng Sơn, tuần hành thị uy chiếm các công sở. Tri phủ đem giao nộp ấn tín và vũ khí, tài liệu cho cách mạng. Cùng ngày 29 tháng 8, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện do đồng chí Trịnh Hồng Hì làm chủ tịch làm lễ ra mắt nhân dân.
Ở Phù Cát, ngày 25 tháng 8, Ủy ban khởi nghĩa Phù Cát được thành lập. Hàng ngàn quần chúng được huy động tham gia cuộc biểu tình tuần hành thị uy từ sân vận động Phước Lộc đến chợ Phù Ly, đồng thời tước vũ khí bọn lính tuần sai trang bị cho đội tự vệ sắt của huyện vừa được thành lập. Ngày 31 tháng 8 năm 1945, Ủy ban khởi nghĩa buộc tên tri huyện Tôn Thất Quỳnh giao ấn tín, sổ sách. Ngày 3 tháng 9, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện do đồng chí Trương Chánh Hân làm chủ tịch tuyên thệ trước cuộc mít tinh tại sân vận động thị trấn trước hàng ngàn quần chúng tham dự.
Trong chín ngày, từ 23 đến 31 tháng 8 năm 1945, cuộc khởi nghĩa trong toàn tỉnh đã giành được thắng lợi rực rỡ. Với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, nhân dân Bình Định thoát khỏi cảnh sống của dân nô lệ, trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình, phấn khởi đem sức lực và trí tuệ góp phần cùng cả nước xây dựng và bảo vệ thành quả cách mạng.

 

Tác giả bài viết: Nhi