Trong thời gian qua, BHXH huyện An Lão đã chú trọng công tác phát triển, mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện bằng những giải pháp thiết thực, cụ thể. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế chưa phát triển, người dân chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của loại hình bảo hiểm có nhiều ưu việt này, nên công tác vận động tham gia BHXH tự nguyện còn gặp nhiều khó khăn…
Phát triển đối tượng bảo hiểm xã hội tự nguyện ở huyện An Lão
Được biết, đến thời điểm này, BHXH huyện đã đạt cao được nhiều chỉ tiêu của ngành như số thu, số nợ, đồng bộ dữ liệu, cấp, trả sổ BHXH, quản lý quỹ BHYT… Tuy nhiên, việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện vẫn ở mức thấp. Tính đến ngày 25/9/2019 toàn huyện chỉ được 268 người tham gia BHXH tự nguyện, chỉ chiếm 15% tổng số người tham gia BHXH và 8% tổng dân số trên địa bàn huyện. Nguyên nhân là do huyện miền núi, ít doanh nghiệp đầu tư nên hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Thu nhập của nhiều hộ dân  không ổn định, trông chờ vào mùa vụ. Thiên tai lại thường xuyên xảy ra là nguyên nhân dẫn tới người lao động và người dân ở An Lão tham gia BHXH tự nguyện thấp so với các địa phương khác trong tỉnh. Thời gian qua, BHXH huyện đã chú trọng tuyên truyền các chính sách BHXH trên phương tiện thông tin đại chúng, lồng ghép với các chương trình khác, đối thoại trực tiếp bằng tiếng dân tộc thiểu số tuy nhiên, nhiều người dân chưa mặn mà tham gia BHXH tự nguyện để về già được hưởng lương hưu.
Do kinh tế khó khăn, hiện nay có lực lượng lớn lao động đi làm công nhân ở các thành phố lớn trở về địa phương. Đây là những lao động đã đóng BHXH bắt buộc ở các công ty. Nhiều người đã có thời gian đóng BHXH bắt buộc được trên dưới 10 năm. Khi thôi việc trở về địa phương, phần lớn những lao động này không tiếp tục đóng BHXH tự nguyện cho những năm còn lại để được hưởng lương hưu mà chọn hưởng chế độ BHXH một lần. Có những tháng BHXH huyện giải quyết cho vài chục người hưởng BHXH một lần. Cán bộ BHXH đã tuyên truyền, vận động, giải thích họ tiếp tục tham gia đóng BHXH để được hưởng lương hưu khi về già nhưng họ vẫn nhận một lần để giải quyết công việc trước mắt.
Qua tìm hiểu của chúng tôi nhiều người cho biết nguyên nhân khiến người lao động không mặn mà với đóng BHXH tự nguyện là do mức đóng cao. Mức đóng hàng tháng thấp nhất là 154.000 đồng, cao nhất là 5.722.000 đồng. Với mức đóng này, rất ít lao động tự do và người dân sinh sống trên địa bàn huyện có thể tham gia được. Một số khó khăn nữa là thời gian đóng BHXH tự nguyện tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí kéo dài đến 20 năm, đòi hỏi người tham gia phải kiên trì, tin tưởng, trong khi đó, nhiều người lao động chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của BHXH với tương lai của mình. Thêm vào đó, quyền lợi của người tham gia BHXH tự nguyện còn hạn chế, nên không tạo được sức hấp dẫn.Trong khi người tham gia BHXH bắt buộc được hưởng 5 chế độ (hưu trí, tử tuất, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động) thì người tham gia BHXH tự nguyện chỉ được hưởng hai chế độ là hưu trí và tử tuất nên nhiều người còn băn khoăn.
Lãnh đạo BHXH huyện cho biết, trong thời gian tới sẽ xác định các giải pháp như: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân về lợi ích việc tham gia đóng BHXH tự nguyện, nhất là đối với người lao động ở khu vực thị trấn, An Hòa, An Tân, những người làm tiểu thương, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi có trang trại, thu nhập ổn định... Phối hợp với các ngành, Hội đoàn thể huyện tổ chức hội nghị tuyên truyền chế độ, chính sách BHXH và BHYT nhằm nâng cao nhận thức cho người dân và các đối tượng tham gia trên địa bàn. Tham mưu UBND huyện giao chỉ tiêu phát triển đối tượng cho các xã hàng năm. Lấy đó là tiêu chí thi đua đánh giá xếp loại của các xã, thị trấn. BHXH huyện tiếp tục thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, giải quyết kịp thời, đầy đủ chế độ chính sách BHXH nói chung và BHXH tự nguyện nói riêng cho người tham gia...

 

Tác giả bài viết: DD