CƠ CHẾ MỞ – QUẢN LÝ CHẶT: ĐIỀU KIỆN ĐỂ DU LỊCH AN LÃO PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG TRONG TƯƠNG LAI

Thứ hai - 19/05/2025 07:30
Anh 1 VDV tham gia Giai chay An Lao Trail 2025 jpg
Anh 1 VDV tham gia Giai chay An Lao Trail 2025 jpg
Sau Giải chạy An Lão Trail 2025, trên các trang mạng xã hội, vận động viên và du khách đã chia sẻ nhiều ý kiến, cảm nhận khác nhau. Song tựu trung, tất cả đều là những lời khen chân thành dành cho đất và người An Lão. Đến nơi đây, du khách được trải nghiệm và hòa mình trọn vẹn vào thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ...
Để “hương vị ngọt ngào” ấy của núi rừng An Lão không chỉ dừng lại ở cảm xúc nhất thời mà còn lan tỏa và nhân lên trong lòng bạn bè, du khách trong tương lai, chúng ta tuyệt đối không được “ngủ quên trên chiến thắng”. Làm du lịch không thể theo kiểu “ăn xổi ở thì”. Làm du lịch là phải biết nhìn xa, trông rộng – và biết “níu chân” du khách bằng cả tấm lòng.
Không thể phát triển hệ sinh thái du lịch bền vững nếu thiếu một khung cơ chế “mở cửa đón chào” đi đôi với các tiêu chuẩn kiểm soát từ sớm và từ gốc.
p

Du lịch không thể là “cuộc dạo chơi”
Những năm gần đây, hình ảnh An Lão ngày càng xuất hiện nhiều hơn trên các nền tảng truyền thông – từ video trải nghiệm triệu “view”, các bài viết khám phá đại ngàn, đến những sự kiện văn hóa, thể thao gắn liền với thiên nhiên, như Giải chạy An Lão Trail 2025 vừa qua. Việc thu hút hàng ngàn vận động viên, du khách, người làm truyền thông đến với một vùng đất còn rất mới mẻ là tín hiệu tích cực, cho thấy sức hấp dẫn nguyên sơ của nơi đây.
Tuy nhiên, ánh hào quang từ truyền thông chỉ là chất xúc tác. Điều quan trọng hơn là giữ được những giá trị đặc trưng của địa phương và phát triển chúng một cách bền vững.
Xây dựng một “bộ lọc” đủ mạnh cả về pháp lý lẫn đạo đức cộng đồng là cách để kiểm soát các hoạt động du lịch trên địa bàn. Nếu không, An Lão sẽ dễ rơi vào tình trạng phát triển tự phát. Những nhà đầu tư chỉ vì lợi nhuận, những đơn vị tổ chức sự kiện xem thiên nhiên như một “phông nền”, hay những du khách thiếu ý thức đều có thể để lại hệ lụy lâu dài: xâm hại môi trường, xáo trộn đời sống người dân, tổn thương bản sắc.
Kinh nghiệm từ các địa phương từng phát triển “nóng” cho thấy: nếu chỉ tập trung “mở cửa” mà thiếu cơ chế kiểm soát, du lịch không những không mang lại lợi ích bền vững mà còn có thể trở thành gánh nặng cho chính cộng đồng.
Chúng ta có thể học hỏi nhiều mô hình:
+ Ở Pù Luông (Thanh Hóa), sau giai đoạn phát triển ồ ạt, chính quyền siết chặt việc cấp phép homestay, yêu cầu có phương án xử lý rác thải và giữ nguyên kiến trúc truyền thống.
+ Tại Bắc Hà (Lào Cai), các lễ hội văn hóa của người Mông phải được cộng đồng đồng thuận, tránh thương mại hóa các nghi lễ truyền thống.
+ Ở Măng Đen (Kon Tum), nhà đầu tư phải cam kết “tam trụ”: không phá rừng – không xâm phạm tín ngưỡng – không làm mất bản sắc.
Cần khung kiểm soát
An Lão đang chập chững những bước đầu tiên trong hành trình hình thành sản phẩm du lịch riêng. Sự mới mẻ là một lợi thế, nhưng cũng là một thách thức không nhỏ. Điều cần thiết không chỉ là mở cửa, mà là mở có điều kiện – có giám sát – có đánh giá lại sau mỗi can thiệp du lịch.
Một số đề xuất có thể được xem xét:
+ Tiền kiểm rõ ràng: Các đơn vị tổ chức sự kiện, truyền thông, nhà đầu tư khi tiếp cận không gian sinh thái cần có cam kết bảo vệ môi trường, kế hoạch ứng phó rủi ro, và chiến lược truyền thông trung thực, không “thần thánh hóa” trải nghiệm.
+ Cơ chế minh bạch: Cần phối hợp liên ngành để xây dựng bộ tiêu chí cụ thể cho việc cấp phép hoạt động du lịch. Mỗi hộ, mỗi khu rừng, mỗi điểm đến cần được phân vùng rủi ro, tránh tình trạng “ai muốn làm gì thì làm”.
+ Ký quỹ trách nhiệm: Đơn vị nào gây thiệt hại đến môi trường hoặc cộng đồng phải có cơ chế bồi hoàn. Đây là một cách để ràng buộc đạo đức nghề nghiệp trong lĩnh vực du lịch – truyền thông.
+ Hậu kiểm độc lập: Sau mỗi sự kiện hoặc can thiệp, cần có cơ chế đánh giá độc lập từ ba phía: chính quyền – cộng đồng – chuyên gia, nhằm đảm bảo không xảy ra tình trạng “xong rồi thôi”.
Hướng đến một chiến lược phát triển lâu dài
Bên cạnh kiểm soát, An Lão cần chủ động đầu tư vào chiều sâu:
+ Ứng dụng công nghệ: Xây dựng bản đồ số du lịch, tích hợp mã QR tại điểm đến và hệ thống phản ánh trực tuyến để người dân – du khách cùng tham gia giám sát.
+ Trao quyền cho cộng đồng: Tổ chức tập huấn du lịch cộng đồng, bảo tồn bản sắc, khuyến khích mở homestay chuẩn mực, kinh doanh đặc sản địa phương.
+ Phát triển sản phẩm gắn bản địa: Tập trung vào các trải nghiệm thiên nhiên, nghề truyền thống nhằm tạo nên một bản sắc riêng không thể thay thế.
+ Kết nối liên vùng: Hợp tác với các địa phương lân cận để hình thành hành trình xanh, thu hút dòng khách dài ngày và giảm áp lực lên từng điểm đến.
Giữ cho An Lão sự nguyên bản không phải là để khép mình, mà để mở ra cánh cửa đón khách một cách văn minh, có trách nhiệm. Bởi đôi khi, một dòng suối trong hay một điệu hát truyền thống còn quý giá hơn cả nghìn lượt “check-in” trên mạng xã hội.
Chỉ khi người dân là chủ thể, thiên nhiên được lắng nghevăn hóa được tôn trọng, An Lão mới có thể trở thành điểm đến “đáng quay lại”./.

 

Tác giả bài viết: Đức Phú - Tiến Huy

Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 4.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây