TÌNH HÌNH THỰC HIỆN DÂN CHỦ TẠI CẤP CƠ SỞ TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN AN LÃO, TỈNH BÌNH ĐỊNH TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
Thứ ba - 10/06/2025 09:17
Thực hiện dân chủ ở cơ sở là một nội dung then chốt, xuyên suốt trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây không chỉ là yêu cầu chính trị, pháp lý mang tính bắt buộc, mà còn là giải pháp căn bản để hiện thực hóa quyền làm chủ của nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, đồng thời phát huy sức mạnh đoàn kết, huy động nguồn lực của toàn dân vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh. Trên địa bàn huyện An Lão, tỉnh Bình Định – một huyện miền núi còn nhiều khó khăn, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở đã đạt được những kết quả tích cực bước đầu, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng Đảng, chính quyền và phát triển địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, thực tiễn cũng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, đặt ra yêu cầu cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ hơn nữa trong thời gian tới để bảo đảm dân chủ thực chất, phát huy hiệu quả vai trò, quyền làm chủ của nhân dân tại cộng đồng
Kết quả đạt được: Dân chủ đi vào thực chất hơn
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) các cấp, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn huyện An Lão đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Trước hết, công tác lãnh đạo, chỉ đạo được tăng cường rõ rệt. Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành các văn bản chỉ đạo quan trọng; trên cơ sở đó, UBND huyện ban hành nhiều văn bản triển khai nhiệm vụ, Ban Chỉ đạo QCDC huyện cũng ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể. Sự chủ động này đã góp phần kiện toàn tổ chức bộ máy thực hiện QCDC, phân công nhiệm vụ rõ ràng, đồng bộ từ huyện đến cơ sở.
Cùng với đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được đẩy mạnh, nhất là sau khi Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 và Nghị định 59/2023/NĐ-CP có hiệu lực. Toàn huyện đã tổ chức 03 lớp tập huấn với 251 lượt cán bộ, công chức, viên chức tham dự; các xã, thị trấn tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, hội nghị dân cư, phát trên loa truyền thanh cơ sở, niêm yết tại trụ sở UBND xã, thôn, tổ dân phố… Nhờ đó, nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân về dân chủ ở cơ sở từng bước được nâng lên.
Thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 và các văn bản pháp lý có liên quan, Đảng ủy các xã, thị trấn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Ban chỉ đạo thực hiện QCDC xã, thị trấn tiếp tục duy trì tốt Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo; thực hiện tốt việc công khai 11 nội dung để dân biết, trong đó: 4 nội dung công khai bằng hình thức niêm yết; 7 nội dung công khai trên hệ thống truyền thanh của địa phương và thông qua trưởng thôn, trưởng khu phố để thông báo đến nhân dân.
UBND các xã, thị trấn thực hiện tốt việc công khai bằng hình thức niêm yết: Công khai phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết; nhiệm vụ quyền hạn của cán bộ, công chức; đối tượng, mức thu các loại phí, lệ phí; các quy định của pháp luật về thủ tục hành chính, giải quyết công việc liên quan đến nhân dân; kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, phương án chuyển dịch cơ cấu kinh tế và dự toán, quyết toán ngân sách hàng năm; việc quản lý và sử dụng các loại quỹ, các khoản huy động nhân dân đóng góp; chủ trương, kế hoạch vay vốn cho nhân dân để phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo; kết quả bình xét hộ nghèo; kết quả thanh tra, kiểm tra; việc tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ; thực hiện các chính sách hỗ trợ khác về nhà ở, vốn, giống vậy nuôi và cây trồng cho nhân dân; thực hiện các chương trình dự án có hỗ trợ kinh phí, đều được công khai trên hệ thống phát thanh của địa phương, thông qua họp dân về đối tượng thụ hưởng, mức hỗ trợ; việc đóng góp để xây dựng xã nông thôn mới, như đóng góp tiền, đất, sức lao động để xây nhà văn hóa thôn, đường giao thông nông thôn, nội đồng…
UBND các xã, thị trấn đã chỉ đạo các thôn, khu phố tiếp tục duy trì việc triển khai thực hiện các quy ước, hương ước hoạt động khu dân cư. Đến nay, 100% các thôn, khu phố trên địa bàn huyện đều xây dựng được quy ước, hương ước khu dân cư. Những quy ước, hương ước này sau khi được nhân dân tham gia, sẽ tổng hợp về xã và trình Ủy ban Nhân dân huyện xem xét, phê duyệt. Đối với những địa phương có đặc thù riêng thì huyện xem xét, đề nghị xã bổ sung lại quy ước cho phù hợp. Qua thực hiện, nhiều địa phương kịp thời sửa đổi, bổ sung phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra, được nhân dân đồng tình ủng hộ và thực hiện tốt.
Cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân thực hiện có hiệu quả việc tham gia đóng góp xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, cũng như tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Thực hiện chức năng giám sát, Mặt trận và các hội đoàn thể chính trị - xã hội cùng với các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia giám sát việc triển khai, thực hiện các dự án, công trình ở địa phương, nhất là giám sát công tác đền ơn đáp nghĩa, công tác nhận và cấp phát hàng cứu trợ, chế độ chính sách người có công, chế độ hỗ trợ cho hộ nghèo… qua đó góp phần hạn chế sai sót trong quá trình triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, chế độ liên quan đến đời sống nhân dân.
Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính Ủy ban nhân dân các xã đã có nhiều chuyển biến, 10/10 xã, thị trấn đã có bộ phận “Một cửa”, việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông từ huyện đến các xã, thị trấn đã dần đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả, thực hiện việc niêm yết công khai các thủ tục hành chính, quy trình giải quyết thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, công dân đến tra cứu, làm việc, hạn chế được việc đi lại nhiều lần của tổ chức và công dân giảm sự phiền hà, sách nhiễu. Công tác tiếp nhận và giải quyết đơn thư được thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật, công tác tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại, tranh chấp được thực hiện tốt. UBND các xã, thị trấn đã tiếp 247 lượt, với 247 công dân đến phản ánh, kiến nghị. Tiếp nhận và giải quyết 33 vụ việc/ 33 vụ việc.
Thường xuyên chỉ đạo chỉnh đốn tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, xây dựng tác phong, đạo đức công vụ, thái độ ứng xử nơi công sở; đội ngũ cán bộ các xã, thị trấn nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền thường xuyên tham gia hội hợp cùng với Nhân dân các thôn, địa bàn được phân công phụ trách để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân qua đó đối thoại và giải đáp những thắc mắc của Nhân dân trong các lĩnh vực như: việc bình xét hộ nghèo, cấp phát hàng cứu trợ, việc giải quyết các chế độ chính sách người có công, đền bù và giải phóng mặt bằng...
Mặt trận và các hội đoàn thể xã, thị trấn đã tập trung tuyên truyền, vận động thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, UBMTTQVN phối hợp với các hội đoàn thể tiếp tục xây dựng quy chế giám sát và phản biện xã hội theo Quyết định 217-QĐ/TW và quyết định 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ chính trị, đồng thời triển khai sâu rộng đến các ngành và các bà con nhân dân nhằm phát huy tính dân chủ; tại các kỳ họp HĐND các xã, thị trấn, UBMTTQVN đều có báo cáo tham gia xây dựng chính quyền và ý kiến kiến nghị của cử tri đối với kỳ họp. Phối hợp với chi bộ, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho hội viên, đoàn viên và bà con nhân dân nhận thức rõ quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ công dân; phát huy tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, nhất là vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của nhân dân. Vận động nhân dân phát huy dân chủ, tích cực tham gia hội họp, bàn bạc thảo luận và kiểm tra, giám sát các công việc theo quy định của QCDC và hương ước, quy ước khu dân cư, đồng thời hướng dẫn ban thanh tra nhân dân thực hiện tốt vai trò thanh tra, trong đó chú trọng thanh tra việc bình xét hộ nghèo, việc cấp con giống, cây trồng theo chương trình 30a của Chính phủ, việc bình xét gia đình văn hóa, làng văn hóa, việc thực hiện hương ước, quy ước khu dân cư, rà soát và chốt danh sách các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ bảo trợ xã hội...
Hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng, tổ hòa giải, tổ nhân dân tự quản đã được các cấp ủy đảng quan tâm chỉ đạo thực hiện ngày càng đi vào nền nếp. Đã bám sát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật, nhiệm vụ chính trị của cơ sở và sự hướng dẫn của Ban Thường trực MTTQVN xã, Thị trấn, lắng nghe ý kiến phản ánh của nhân dân, kiến nghị đến cấp có thẩm quyền giải quyết kịp thời những vướng mắc trong nội bộ nhân dân; triển khai thực hiện tốt các chương trình kế hoạch đề ra và đã đạt được những kết quả quan trọng, giúp chính quyền cơ sở khắc phục những mặt còn hạn chế, thiếu sót trong công tác quản lý và điều hành, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng ở địa phương.
Nhân dân dần có ý thức hơn trong việc thực hiện QCDC ở cơ sở, thông qua việc tham gia hội họp, mạnh dạn tham gia phát biểu ý kiến đóng góp xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, cũng như việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng cộng đồng dân cư.
Những vấn đề đặt ra: Vẫn còn khoảng cách giữa chủ trương và thực tiễn
Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn huyện An Lão vẫn bộc lộ một số hạn chế. Trước hết, ở một số nơi, nhận thức của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên về ý nghĩa, vai trò của dân chủ ở cơ sở còn chưa thực sự đầy đủ, sâu sắc. Tinh thần chủ động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện chưa đồng đều; việc đối thoại với nhân dân ở một số địa phương còn hình thức, chưa đi vào thực chất.
Công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận và các đoàn thể ở cơ sở vẫn còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng hoạt động còn mang tính hình thức, phụ thuộc nhiều vào chính quyền cả về điều kiện hoạt động lẫn kinh phí; chưa thực sự phát huy vai trò là "tai mắt" của nhân dân. Ngoài ra, ở một số nơi, người dân vẫn chưa nhận thức đầy đủ về quyền làm chủ của mình, dẫn đến tâm lý e dè, ngại phản ánh, kiến nghị với chính quyền.
Đáng chú ý, vấn đề chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để tăng cường tính minh bạch, công khai trong thực hiện dân chủ ở cơ sở còn chậm, chưa đồng đều giữa các địa phương.
Định hướng, giải pháp: Để dân chủ ở cơ sở thực sự đi vào đời sống
Để phát huy hiệu quả dân chủ ở cơ sở, huyện An Lão cần tiếp tục tập trung vào một số giải pháp trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục quán triệt, triển khai đồng bộ Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022, Nghị định 59/2023/NĐ-CP và các quy định của Đảng về thực hiện dân chủ, nhất là gắn với Kết luận 120-KL/TW và Chỉ thị 30-CT/TW. Việc quán triệt các văn bản pháp luật và chỉ đạo của Đảng là yêu cầu tiên quyết để tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động. Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 và Nghị định 59/2023/NĐ-CP đã quy định cụ thể các nguyên tắc, nội dung, hình thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, trong đó nhấn mạnh quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân. Tuy nhiên, để các quy định này thực sự đi vào cuộc sống, cần tổ chức tuyên truyền, học tập chuyên đề, lồng ghép vào các cuộc họp, sinh hoạt chi bộ, hội nghị, tập huấn cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Bên cạnh đó, cần gắn việc thực hiện dân chủ ở cơ sở với Kết luận 120-KL/TW và Chỉ thị 30-CT/TW, nhằm thống nhất chủ trương, giải pháp từ Trung ương đến địa phương, đảm bảo tính đồng bộ, liên thông trong hệ thống chính trị.
Hai là, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền về vai trò, ý nghĩa của dân chủ ở cơ sở. Cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, giữ vai trò quyết định trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Thực tế cho thấy, ở đâu người đứng đầu quan tâm, sâu sát, gương mẫu, ở đó việc thực hiện dân chủ có hiệu quả. Vì vậy, cần tăng cường bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao nhận thức, kỹ năng lắng nghe, đối thoại, giải quyết vấn đề cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là ở cấp xã, thôn, nơi trực tiếp gần dân, sát dân nhất. Đồng thời, cần quy định rõ trách nhiệm giải trình của người đứng đầu khi xảy ra vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, đảm bảo dân chủ gắn liền với kỷ cương, kỷ luật
Ba là, đổi mới hình thức tuyên truyền, tập huấn, đa dạng hóa phương thức tiếp cận, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, mạng xã hội trong công khai thông tin, lấy ý kiến nhân dân. Trong bối cảnh chuyển đổi số và phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, việc tuyên truyền, tập huấn về dân chủ ở cơ sở cần được đổi mới mạnh mẽ. Bên cạnh các hình thức truyền thống như họp dân, phát thanh, cần tận dụng nền tảng mạng xã hội (Facebook, Zalo, Fanpage chính quyền địa phương), hệ thống cổng thông tin điện tử, áp dụng phần mềm quản lý hành chính để công khai, minh bạch thông tin, lấy ý kiến người dân. Đồng thời, các tài liệu, video hướng dẫn, infographics cần được biên soạn đơn giản, dễ hiểu, phù hợp với từng đối tượng, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, người dân ở vùng sâu, vùng xa
Bốn là, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, củng cố hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng; đảm bảo điều kiện hoạt động độc lập, khách quan, minh bạch. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội là cầu nối giữa nhân dân và chính quyền, có vai trò quan trọng trong vận động, tập hợp, phản ánh ý kiến nhân dân, đồng thời giám sát, phản biện xã hội. Do đó, cần phát huy vai trò, nâng cao năng lực của Mặt trận, đoàn thể trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng – những thiết chế giám sát của dân – cần được củng cố về tổ chức, quy chế hoạt động, đảm bảo độc lập, không phụ thuộc vào chính quyền, đồng thời có cơ chế hỗ trợ kinh phí, điều kiện làm việc phù hợp để hoạt động hiệu quả, thực chất, tránh hình thức.
Năm là, thường xuyên tổ chức đối thoại định kỳ và đột xuất giữa chính quyền và nhân dân, kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh ngay từ cơ sở, không để hình thành điểm nóng. Đối thoại là hình thức dân chủ trực tiếp, tạo không gian để chính quyền lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh ngay từ cơ sở, không để trở thành điểm nóng. Do đó, cần quy định cụ thể về thời gian, hình thức, nội dung đối thoại; lựa chọn những vấn đề “nóng”, bức xúc liên quan đến đời sống nhân dân để đối thoại thực chất, hiệu quả. Quan trọng hơn, sau đối thoại, chính quyền phải có trách nhiệm giải quyết các ý kiến, kiến nghị, thông báo công khai kết quả, tạo niềm tin và sự đồng thuận trong nhân dân.
Dân chủ ở cơ sở không chỉ là một quyền chính trị cơ bản của nhân dân, mà còn là một giá trị cốt lõi, một động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước. Thực tiễn thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn huyện An Lão trong thời gian qua đã ghi nhận những chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong toàn hệ thống chính trị cũng như trong các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, để dân chủ thực sự thấm sâu vào đời sống, trở thành nền nếp sinh hoạt, nếp nghĩ của cộng đồng, cần có sự vào cuộc đồng bộ, kiên trì, với quyết tâm cao từ cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, đồng thời cần khơi dậy tinh thần trách nhiệm, chủ động, tích cực của mỗi người dân – chủ thể trung tâm của quyền làm chủ. Chỉ khi đó, dân chủ ở cơ sở mới thực sự trở thành động lực quan trọng góp phần xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh và xã hội phát triển phồn vinh, tiến bộ.
Tài liệu tham khảo
- Quốc hội (2022), Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật số 10/2022/QH15, ngày 10/11/2022.
- Chính phủ (2023), Nghị định số 59/2023/NĐ-CP ngày 12/8/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
- Ban Chỉ đạo Quy chế dân chủ huyện An Lão (2024), Báo cáo tổng kết tình hình thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn huyện An Lão, tỉnh Bình Định năm 2024.
- Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Kết luận số 120-KL/TW ngày 07/01/2016 về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.
Tác giả bài viết: Vũ Thị Thanh Thảo - Trường Chính trị tỉnh