Hiệu quả mô hình trồng dưa lê ở xã An Tân

Thứ hai - 27/05/2019 02:12
Vài năm trở lại đây, nhiều hội viên nông dân trên địa bàn xã An Tân, huyện An Lão đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa nước, cây màu kém hiệu quả sang trồng dưa lê đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập, từng bước xóa đói giảm nghèo bền vững ở địa phương.
Hiệu quả mô hình trồng dưa lê ở xã An Tân
Trước đây, trên 04 sào ruộng, gia đình chị Nguyễn Thị Hội - thôn Tân Lập, xã An Tân chỉ quanh năm trồng lúa nước và cây màu ngắn ngày, mỗi vụ cũng chỉ thu về vài ba triệu đồng/sào, đủ ăn chứ không có của để dành. Vụ hè năm nay, chị quyết định chuyển đổi toàn bộ diện tích sang trồng dưa lê - đây là loại cây ngắn ngày, chỉ trong vòng từ 50 - 60 ngày trở đi là cho thu hoạch.

Nông dân xã An Tân phấn khởi vì dưa lê được mùa.

Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm, diện tích trồng dưa phát triển tốt chị Hội ước tính, thu hết vụ dưa cũng được khoảng hơn 1,5 tấn, với giá thị trường dao động từ 12.000 đến 14.000 đồng/kg, trừ chi phí gia đình chị lãi khoảng từ 12 đến 16 triệu đồng, so với trồng lúa và hoa màu thì trồng dưa lê lãi gấp nhiều lần.

Chị Hội chia sẻ: “Được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chuyển đổi cây trồng nên năm nay tôi quyết định chuyển đổi 04 sào lúa sang trồng dưa lê thấy hiệu quả hơn hẳn so với lúa và hoa màu khác. Chắc chắn trong vụ tới gia đình tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích cây trồng này”.

Với đặc thù chủ yếu trồng trên đất ruộng một vụ, chất đất pha cát, thời vụ trồng tháng Giêng âm lịch đến cuối tháng 4 là cho thu hoạch. Theo người dân đã trồng dưa lâu năm cho biết: “Trồng dưa lê khá vất vả, nhiều công chăm sóc, nhất là khi cây bắt đầu phát triển xuất hiện các loại sâu hại như sâu đen cắn gốc, sâu đục quả, sâu liếm lá... vì thế đòi hỏi phải chăm sóc, thăm vườn, thường xuyên. Tuy nhiên, do là cây ngắn ngày, lại cho hiệu quả kinh tế khá nên phong trào trồng dưa lê ở địa phương được mở rộng”.

Đến nay, Chi hội nông dân thôn Tân Lập có khoảng 15 hội viên tham gia trồng dưa lê, nhà ít trồng 1 sào, nhà nhiều trồng từ 5 - 6 sào, cho thu về từ 10 đến 40 triệu đồng/vụ.

Ông Trần Tấn Đức - Chi hội trưởng Chi hội nông dân thôn Tân Lập, xã An Tân cho biết: “Từ một vài mô hình của hội viên, chúng tôi cũng mạnh dạn tuyên truyền vận động hội viên nông dân cùng làm theo và được hưởng ứng nhiệt tình, nhiều gia đình đã có thu nhập cao và bước đầu ổn định đời sống từ cây trồng này”.

Nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trong phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trồng trọt, những năm qua Hội Nông dân xã An Tân thường xuyên tuyên truyền, vận động hội viên tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện địa phương và những năm gần đây cây dưa lê là một trong những cây trồng được lựa chọn chuyển đổi và mang lại hiệu quả.

Hiện toàn xã An Tân có khoảng 40 hội viên tham gia, tập trung chủ yếu ở các thôn Tân Lập, Tân An, Thanh Sơn… trung bình mỗi 1 sào thu đạt khoảng 5 - 7 triệu đồng, nhiều hội viên thu từ 20 đến 40 triệu đồng/vụ, so với các loại cây ngắn ngày khác, dưa lê đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho hội viên nông dân trên địa bàn xã. Từ đây, mô hình trồng dưa lê có cơ sở để nhân rộng ở nhiều địa phương khác trong huyện.

 

Tác giả bài viết: D.D

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây