Một số điểm mới của Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ

Thứ ba - 27/09/2016 22:24
Ngày 22/6/2015, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII đã thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ( sau đay gọi là Luật năm 2015). Ngày 14/5/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ( sau đây gọi là Nghị định 34). Luật năm 2015 và Nghị định 34 đều có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2016.
Sở Tư pháp tổ chức tập huấn chuyên sâu Luật ban hành VBQPPL năm 2015
Sở Tư pháp tổ chức tập huấn chuyên sâu Luật ban hành VBQPPL năm 2015

Luật năm 2015 gồm 17 chương, 173 điều; Nghị định 34 gồm 11 chương 189 điều kèm theo là 05 phụ lục và 49 biểu mẫu. Nghị định 34 ngoài quy định chi tiết 07 nội dung được Luật giao còn quy định cụ thể các biện pháp thi hành luật.

Sau đây là một số điểm mới của Luật năm 2015 và Nghị định 34

1. Về hình thức văn bản QPPL:

- Ở cấp Trung ương bỏ Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội  hoặc giữa Chính phủ với các cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội ( trừ nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam); Thông tư liên tịch giữa các bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

- Ở địa phương bỏ Chỉ thị của UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện  và UBND cấp xã.

2. Về thẩm quyền và nội dung ban hành văn bản

Đối với thẩm quyền ban hành văn bản của HĐND, UBND cấp huyện so với Luật 2004 thì Luật năm 2015 giới hạn nội dung ban hành văn bản QPPL của cấp huyện và cấp xã. Theo đó, HĐND cấp huyện, cấp xã ban hành Nghị quyết, UBND cấp huyện, cấp xã ban hành Quyết định để quy định những vấn đề được luật giao ( Điều 30).

3. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức người có thẩm quyền trong xây dựng, ban hành văn bản QPPL.

Nhằm nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong việc ban hành văn bản QPPL, người đứng đầu  các cơ quan, tổ chức trong tham gia các hoạt động xây dựng, ban hành văn bản QPPL, Luật năm 2015 bổ sung một điều quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền tham gia vào quá trình xây dựng, ban hành văn bản QPPL từ khâu lập đề nghị xây dựng văn bản QPPL, chủ trì tham gia soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, chỉnh lý, trình dự án, dự thảo đến ban hành văn bản QPPL ( Điều 7).

4. Về các hành vi nghiêm cấm trong xây dựng, ban hành văn bản QPPL

Trong Luật năm 2015 bổ sung một quy định cấm rất mới đó là cấm quy định thủ tục hành chính trong các văn bản  QPPL từ Thông tư trở xuống, trong đó có Nghị quyết của HĐND, Quyết định của UBND các cấp, trừ trường hợp được giao trong luật.

5. Về chương trình xây dựng Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh

Theo Luật 2004 thì Thường trực HDND chủ trì, phối hợp với UBND lập dự kiến chương trình xây dựng Nghị quyết của HĐND trình HĐND quyết định tại kỳ họp cuối năm. Luật năm 2015 không quy định về lập và thông qua chương trình xây dựng nghị quyết của HĐND cấp tỉnh.

6. Đổi mới quy trình xây dựng, ban hành văn bản QPPL của một số cơ quan người có thẩm quyền khác.

Bổ sung quy định “ Phòng Tư pháp có trách nhiệm thẩm định dự thảo Nghị quyết của HĐND cấp huyện trước khi trình Ủy ban nhân dân cấp huyện” ( khoản 1 Điều 134)

7. Về xây dựng, ban hành văn bản QPPL theo trình tự thủ tục rút gọn

Về phạm vi các văn bản  được áp dụng trình tự thủ tục rút gọn, Luật năm 2015 cơ bản vẫn giữ nguyên phạm vi như như Luật năm 2008, Luật năm 2004. Tuy nhiên, Luật năm 2015 thu hẹp phạm vi áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn so với Luật năm 2004;  theo đó, đối với các văn bản QPPL của chính quyền địa phương, việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn chỉ đực thực hiện đối với Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh và Quyết định của UBND cấp tỉnh ( không áp dụng cho văn bản của cấp huyện và cấp xã)

8. Về hiệu lực và nguyên tắc áp dụng văn bản QPPL.

- Về hiệu lực trở về trước của văn bản QPPL: Luật năm 2015 quy định cụ thể hơn các trường hợp văn bản QPPL được quy định hiệu lực trở về trước. Theo đó, chỉ trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm chung của xã hội, thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân được quy định trong luật, nghị quyết của Quốc hội, văn bản QPPL của cơ quan trung ương mới được quy định hiệu lực trở về trước.

- Về trường hợp văn bản QPPL hết hiệu lực : Luật năm 2015 bổ sung 01 khoản quy định: “ văn bản QPPL hết hiệu lực thì văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực” khoản 4 Điều 154 và Điều 38 Nghị định 34.

             Một văn bản QPPL có thể được ban hành để đồng thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ nội dung trong nhiều văn bản QPPL do cùng cơ quan ban hành.  

Tác giả bài viết: A.T

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây