Giới thiệu chung

Chiến thắng An lão

Năm 1964, trước những thất bại liên tiếp trên mọi chiến trường, Mỹ-ngụy ra sức tăng cường lực lượng chiếm giữ một số địa bàn miền núi trọng yếu nhằm khống chế những căn cứ cách mạng của ta. Thực hiện âm mưu đó, địch cho xây dựng chi khu quân sự An Lão (nay thuộc xã An Trung, huyện An Lão).
 
Là một huyện miền núi nằm ở phía bắc Bình Định, cư dân chủ yếu là người H're, trong thời kháng chiến chống Pháp, An Lão là một căn cứ quan trọng của Liên khu V. Tuy ở sâu trong vùng núi nhưng huyện lụy lại nằm lọt vào một thung lũng, án ngữ những đầu mối giao thông quan trọng.
 
Trục lộ 56 (tức tỉnh lộ 629) nối liền với Quốc lộ 1A ở Bồng Sơn về phía Nam. Tại phía bắc huyện lỵ, trục lộ chia làm hai nhánh, một nhánh song song với sông An Lão chạy thẳng lên huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi), một nhánh khác cắt ngang sông chạy dọc thung lũng là con đường huyết mạch của chi khu An Lão. 
 
Địch tăng số quân bố trí phòng thủ ở chi khu lên tới 884 tên, bao gồm hai đại đội và hai trung đội lính bảo an, 12 trung đội dân vệ, 1 trung đội pháo cối và một trung đội biệt kích. Ngoài lực lượng bảo vệ ban chỉ huy chi khu đặt tại huyện lỵ, chúng bố trí thành 3 cứ điểm: Núi Một (hay còn gọi là cao điểm 193) nằm ở phía bắc cầu An Lão, án ngữ con đường nối huyện lỵ với vùng phía tây bắc; Núi Mít (ở Long Thạnh) và suối Bà Nhỏ (ở Hội Long).
 
Nhân dân quanh vùng bị chúng gom lại xây dựng thành 8 ấp chiến lược, mỗi ấp có một trung đội dân vệ canh giữ. Trong hệ thống phòng thủ liên hoàn này, Núi Một là căn cứ chính. Tại đây, cùng với một đại đội bảo an tăng cường, lực lượng địch còn có một trung đội pháo cối 106mm, 1 trung đội biệt kích và một trung đội dân vệ.
 
Để mở rộng vùng giải phóng ra địa bàn có ý nghĩa quan trọng này, đầu tháng 12-1964 Đảng ủy và Bộ chỉ huy Quân khu V quyết định tấn công chi khu quận lỵ An Lão. Với quyết tâm tiêu diệt gọn, ta đã tập trung lực lượng áp đảo quân địch. Cùng với một đại đội của tỉnh, 8 trung đội của các huyện và lực lượng du kích các xã, Quân khu còn tăng cường thêm Trung đoàn 2 bộ đội chủ lực và Tiểu đoàn 409 bộ đội chủ lực và Tiểu đoàn 409 bộ đội đặc công.
 
Chiều 6-12 toàn bộ lực lượng của ta đã bố trí xong trận địa, hình thành thế trận bao vây huyện lỵ và áp sát các cứ điểm. Đúng 1 giờ sáng 7-12, tiếng súng tấn công căn cứ Núi Một nổ vang làm hiệu lệnh công kích trên toàn tuyến. Bị đánh bất ngờ, quân địch không kịp trở tay. Chỉ trong vòng chưa đầy 1 giờ đồng hồ, quân địch tại các cứ điểm bị tiêu diệt và bắt sống. Chúng hốt hoảng cho một tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 40 lên tiếp viện nhưng cũng bị đánh tan. Số quân còn lại cụm lại chống trả, nhưng chỉ cầm cự được đến ngày 23-12 thì phải rút chạy. Quân ta làm chủ hoàn toàn chi khu An Lão.
 
Chiến thắng An Lão đã gây cho địch những tổn thất hết sức nặng nề: 610 tên địch (trong đó có 5 cố vấn Mỹ) bị tiêu diệt và bắt sống, 5 xe M113 và một máy bay lên thẳng bị bắn cháy. Ta thu được 320 súng các loại, 400 thùng đạn, 14 máy liên lạc vô tuyến cùng nhiều quân trang, quân dụng khác. 11.000 dân bị kìm kẹp trong các ấp chiến lược được giải phóng. Toàn bộ thung lũng An Lão dài 22 km trở thành căn cứ của ta.

Năm 1994, nhân kỷ niệm 30 năm chiến thắng oanh liệt này, tượng đài chiến thắng An Lão đã được xây dựng tại Núi Một – di tích quan trọng đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của lực lượng vũ trang địa phương trong giai đoạn đánh thắng chiến lược chiến tranh đặc biệt của địch

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây