Là một trong 74 huyện nghèo của cả nước giai đoạn 2021-2025, đồng thời là một trong 22 huyện nghèo được ưu tiên đầu tư, hỗ trợ để thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022-2025 theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Ngay sau khi có chủ trương, huyện đã xây dựng và ban hành nhiều nghị quyết, đề án, kế hoạch để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.
Ban Thường vụ Huyện ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án thoát nghèo, UBND huyện thành lập Ban chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, xây dựng quy chế hoạt động, phân công thành viên để theo dõi, lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác giảm nghèo bền vững ở từng địa phương; Hàng năm, chỉ đạo triển khai xây dựng các kế hoạch, giải pháp giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện.
Qua gần 05 năm thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX và Đề án thoát nghèo, huyện An Lão đã cơ bản hoàn thành và hoàn thành vượt mức một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Các Chương trình, dự án, chính sách được Huyện ủy, UBND huyện An Lão lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, lồng ghép hiệu quả tối đa nguồn lực từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia cho công tác giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, với quan điểm xuyên suốt là nhận diện đúng, đánh giá và xác định rõ nguyên nhân nghèo và có giải pháp hỗ trợ thoát nghèo theo từng nhóm nguyên nhân và địa chỉ cụ thể cho từng hộ. Trong đó, tập trung vào triển khai thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm: Đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; hỗ trợ các dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất; đẩy mạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động và hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo gắn với các chính sách giảm nghèo chung và chính sách an sinh xã hội cho hộ nghèo.
Để giảm nghèo bền vững, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, huyện đã bám sát thực trạng, nhất là các tiêu chí, tiêu chuẩn về giảm nghèo để triển khai thực hiện một cách đồng bộ và quyết liệt; xác định rõ nguyên nhân nghèo và có phương án hỗ trợ thoát nghèo cụ thể cho từng hộ nghèo. Chỉ đạo rà soát, phân tích cụ thể nguyên nhân: Do thiếu đất, thiếu vốn sản xuất; không có công cụ, phương tiện sản xuất; thiếu kiến thức, kỹ năng lao động sản xuất; ốm đau bệnh tật ... Trên cơ sở đó, xây dựng các giải pháp hỗ trợ phù hợp cho từng nhóm hộ để giúp hộ nghèo có điều kiện phát triển sản xuất vươn lên thoát nghèo bền vững.
Triển khai sâu rộng các phong trào thi đua sản xuất giỏi, thi đua xây dựng nông thôn mới, các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, các mô hình giảm nghèo được duy trì và nhân rộng; chính sách hỗ trợ xây nhà ở cho hộ nghèo, phong trào xóa nhà tạm được triển khai; ngoài triển khai hơn 150 dự án hỗ trợ cộng đồng, huyện đã xây dựng và triển khai 06 dự án liên kết chuỗi giá trị. Phối hợp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi; chỉ đạo hỗ trợ đo đạc cấp đất sản xuất cho hộ nghèo đồng bào DTTS thiếu đất .v.v. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi để người dân vùng đồng bào DTTS tích cực đầu tư phát triển kinh tế gia đình và vươn lên làm giàu.
Dự án liên kết nuôi cá lồng bè tại Hồ Đồng Mít cho 20 hộ tham gia dự án
Đã có 158 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất được triển khai thực hiện với hơn 2 ngàn hộ hưởng lợi, kinh phí từ nhà nước hỗ trợ gần 40 tỷ đồng (đã có 06 dự án liên kết gồm 02 dự án liên kết tiêu thụ bò vỗ béo, 01 dự án nuôi cá lồng bè, 03 dự án: Cây đương quy và cây địa hoàng, cây thìa canh) qua đó đã tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt, góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động giảm nghèo bền vững. Chú trọng tạo ra hàng hóa là các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của từng địa phương.
Dự án hỗ trợ bò cái lai sinh sản tại xã An Dũng
Đã hỗ trợ 785 nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu mỗi nhà là 30 m2, với phương châm “3 cứng” (nền - móng cứng, khung - tường cứng, mái cứng) và tuổi thọ từ 20 năm trở lên.
Ngoài tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trên, huyện An Lão đã quan tâm đến công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, theo đó đã đào tạo nghề nâng cao kiến thức, kỹ năng lao động sản xuất, tìm việc làm và tự tạo việc làm cho 2.907 lao động, giải quyết việc làm cho 2.859 lao động, xuất khẩu lao động 129 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến nay đạt 36,7%.
Nhờ nguồn lực đầu tư từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và các chương trình khác, cộng với sự nỗ lực vươn lên của người dân cơ sở hạ tầng huyện miền núi An Lão đã được cải thiện rõ rệt; đường giao thông liên xã được đầu tư; các công trình thủy lợi, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được xây dựng, nâng cấp, đáp ứng nhu cầu hưởng lợi của cộng đồng, diện mạo nông thôn miền núi thay đổi rõ nét; Nhiều dự án hỗ trợ phát triển sản xuất phù hợp với nhu cầu và đặc thù sản xuất của đồng bào DTTS đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, thay đổi phương thức sản xuất theo hướng hàng hóa, tạo việc làm, thu nhập ổn định. Từ năm 2021 đến nay, huyện An Lão đã có gần 2.500 hộ thoát nghèo; riêng năm 2024 có 1.270 hộ thoát nghèo. Cuối năm 2021 tỷ lệ hộ nghèo của huyện 36,13% (3.313 hộ nghèo ), cuối năm 2024 giảm xuống còn 8,42%. Phấn đấu đến cuối năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của huyện còn dưới 6%, huyện có 5 xã thoát khỏi đặc biệt khó khăn và huyện An Lão thoát khỏi tình trạng nghèo.
Với mục tiêu phấn đấu đưa huyện An Lão thoát nghèo vào cuối năm 2025, kết quả thưc hiện mục tiêu giảm nghèo trong thời gian qua là một kết quả đáng tự hào, thể hiện tinh thần quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị trong hành trình phát triển của huyện, đây là thành quả của những nỗ lực không ngừng của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân huyện An Lão.
Thời gian tới, để thực hiện tốt hơn công tác giảm nghèo huyện An Lão tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số giải pháp sau:
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, nhất là người dân nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong giảm nghèo bền vững. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Khơi dậy ý chí tự lực tự cường của người nghèo, chủ động vươn lên thoát nghèo nhằm thoát nghèo bền vững.
- Tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các giải pháp giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững. Huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng thuộc nguồn vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia đã được phê duyệt. Bên cạnh, đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển kinh tế, tạo việc làm, sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân; thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp. Tăng cường công tác đào tạo nghề, đẩy mạnh thực hiện công tác lao động, việc làm; tổ chức thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội; tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo các chính sách hỗ trợ của nhà nước.
- Đổi mới xây dựng phương án hỗ trợ thoát nghèo cho hộ nghèo theo nhóm nguyên nhân một cách phù hợp, thiết thực, hiệu quả. Triển khai hỗ trợ đầy đủ và kịp thời các chương trình, dự án, nguồn lực cho đồng bào DTTS để có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Hỗ trợ hộ nghèo tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản; hỗ trợ việc làm, tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào dân DTTS.
- Phát huy tối đa thế mạnh của vùng đồng bào DTTS nhất là các giá trị văn hóa truyền thống, các sản phẩm đặc trưng của địa phương để liên kết mở rộng sản xuất, tạo sinh kế và thu nhập cho bà con. Thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, giải quyết kịp thời những vấn đề nổi cộm, bức xúc, phát sinh liên quan đến phát triển kinh tế và đời sống của người dân, nhất là đồng bào DTTS, từ đó tạo đồng thuận cao trong các tầng lớp Nhân dân, tạo động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế miền núi, vùng đồng bào DTTS mạnh mẽ hơn, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa An Lão thoát nghèo vào cuối năm 2025 ./.