Khám phá đại ngàn An Lão

Chủ nhật - 04/08/2019 07:49
Khám phá đại ngàn An Lão
Khám phá đại ngàn An Lão
Khám phá đại ngàn An Lão

Với tiềm năng rừng tự nhiên đa dạng, phong phú; bản sắc văn hóa độc đáo, huyện miền núi An Lão có nhiều lợi thế để phát triển các loại hình du lịch (DL) sinh thái, nghỉ dưỡng, khám phá. Nhưng, vì ở xa trung tâm tỉnh, lại thiếu nguồn lực, nên An Lão chưa có điều kiện để khai thác và đầu tư phát triển DL.
Khảo sát thắng cảnh suối Đá Ghe ở xã An Hưng.
Ấn tượng đêm vùng cao An Toàn
Cùng đoàn khảo sát DL của tỉnh, chúng tôi vượt đoạn đường đèo gần 50 km nối từ tuyến đường 629 xã An Hòa đến xã vùng cao An Toàn (huyện An Lão) ở độ cao hơn 1.000 m so với mặt nước biển. Trên hành trình khám phá An Toàn, đoàn đã ghé tham quan các thắng cảnh suối đá thuộc xã An Quang. Dù phải đi bộ một quãng đường khá xa mới đến được các điểm suối đá, nhưng các thành viên trong đoàn không ai thấy mệt mỏi vì phong cảnh thiên nhiên rất đẹp và hữu tình.
Anh Trần Nguyên Linh, một thành viên trong đoàn, tâm sự: “Tôi rất thích đi và khám phá những vùng đất hoang sơ, bạt ngàn cây rừng như ở xã vùng cao An Toàn. Thiên nhiên nơi đây tuyệt đẹp với những vách đá cheo leo xen lẫn những con suối trong veo, mát lạnh. Thích nhất là những con đường đèo quanh co, uốn lượn giữa lưng chừng núi, những cơn mưa phùn bất chợt trong làn khói sương mù lãng đãng như đường lên tiên cảnh. Đây quả là một địa điểm DL hấp dẫn cho những người thích khám phá thiên nhiên”. 
Đêm ở xã vùng cao An Toàn, mặc dù trời mưa phùn, nhưng mới 6 giờ tối, các trẻ em, trai làng, các mế, các chị đã nô nức kéo tới sân nhà rông để được giao lưu với các lữ khách đường xa. Đúng 7 giờ tối, chương trình giao lưu đốt lửa trại bắt đầu. Rừng đêm An Toàn như vỡ òa trong tiếng cồng chiêng. Cả chủ và khách cùng ca hát, nhảy múa, ngây ngất bên ché rượu cần. Dường như đất trời đã hòa làm một, lòng người miền xuôi và miền ngược cũng hòa làm một. Những điệu múa truyền thống của đồng bào Bana, những giai điệu trầm bổng của tiếng đàn tơ rưng, tiếng cồng chiêng, những điệu hát xoang, hơ moan, hát ru; những ché rượu cần đầy rồi lại vơi… như kéo mọi người xích lại gần nhau, không còn khoảng cách.
Vòng xoang thân thiết trong đêm lửa trại cùng bà con thôn 1, xã An Toàn.
Bên ché rượu cần, già làng Đinh Văn Trai, bộc bạch: “Đã lâu lắm rồi làng mới hân hạnh đón đoàn khách từ phương xa đến tham quan, giao lưu văn nghệ tại địa phương. Cả làng ai cũng vui, từ già tới trẻ đều háo hức được giao lưu với khách. Đêm nay, cả làng đều thức để uống rượu cần, múa hát cùng du khách”.
Chị Nguyễn Thị Xuân Lan, Giám đốc Công ty TNHH Lữ hành quốc tế Golden Life, chia sẻ: “Lần đầu tiên đến vùng cao An Toàn, với tôi cái gì ở đây cũng mới mẻ và đầy thú vị. Vui nhất là đêm lửa trại này. Một không khí cộng đồng tràn ngập. Người dân địa phương rất thân thiện, hiếu khách và tích cực quảng bá văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Qua chuyến đi này, chúng tôi đã được trải nghiệm nhiều nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Bana; cùng thưởng thức những món ăn đặc sản núi rừng mà chỉ ở đây mới có như rau ranh - ốc đá, cá niên - rau dớn, rượu sim rừng... Trong tương lai, tôi sẽ quảng bá và mở tour DL đến An Toàn”.
Nhiều tiềm năng DL
Nằm cách TP Quy Nhơn khoảng 120 km về phía Tây Bắc, huyện An Lão là vùng đất có bề dày lịch sử cùng nền văn hóa đậm đà bản sắc của 3 dân tộc Kinh, Hrê và Bana. Trong đó, “điểm nhấn” để phát triển DL là Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn rộng trên 22.000 ha, với hơn 11.700 ha rừng giàu, rừng nguyên sinh đa dạng, phong phú. Nơi đây hiện có 300 loài động vật, 547 loài thực vật, trong đó có những loài động vật quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam như vượn má hung, voọc chà vá chân xám...
An Lão với nhiều sông, suối, ao hồ đẹp tự nhiên như: thủy điện Sông Vố, thác Đá Ghe, suối đá Cây Số Bảy, hồ Hưng Long... Văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc Hrê, Bana với lễ hội mừng lúa mới, kiến trúc văn hóa nhà sàn, nghề đan lát, dệt thổ cẩm, những điệu xoan, hơ moan, hát ru, những nhạc cụ dân tộc độc đáo như cồng chiêng, tơ rưng… Về An Lão, du khách có dịp thưởng thức men rượu cần nồng nàn, được ăn cơm lam đốt chín trong ống tre nứa với nhiều món ăn dân dã như cá niên, rau dớn, sùng, dế, ngóe…
Thiếu nữ vùng cao An Toàn múa hát trong đêm lửa trại.
Theo ông Hoàng Ngọc Thành, Trưởng phòng VH-TT huyện An Lão: Hiện nay, trên địa bàn huyện có 7 di tích lịch sử được Nhà nước xếp hạng, trong đó có 1 di tích lịch sử cấp Quốc gia và 6 di tích lịch sử cấp tỉnh. Một số di tích như địa điểm in bạc tín phiếu Liên khu V, nơi đặt Đài Phát thanh Nam Trung bộ trong kháng chiến được kết nối với những bản làng của người Hrê, Bana có thể khai thác tour DL văn hóa- lịch sử hứa hẹn thu hút du khách.
An Lão đã có hệ thống giao thông thuận lợi với các tuyến đường được bê tông hóa đến tận bản làng, ô tô đến được trung tâm các xã. Đây cũng là điều kiện tốt để An Lão phát triển DL sinh thái.
Cần một cú hích
Tại buổi hội thảo góp ý phát triển DL với lãnh đạo huyện An Lão, ông Nguyễn Minh Đoan, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, nhận xét: Với tiềm năng thiên nhiên đa dạng, phong phú, bản sắc văn hóa độc đáo, người dân thân thiện, cởi mở, An Lão rất có triển vọng phát triển DL sinh thái. Vấn đề cần làm là phải có quy hoạch bài bản, cụ thể; có giải pháp đồng bộ, vừa hỗ trợ nguồn vốn vay, tập huấn hướng dẫn người dân đầu tư khai thác các dịch vụ như lưu trú nhà sàn, ẩm thực, cung cấp các sản phẩm truyền thống của địa phương... để phát triển DL theo hướng cộng đồng. “Nếu biết tận dụng ưu thế thiên nhiên kết hợp với phát huy bản sắc văn hóa độc đáo thì trong tương lai gần DL An Lão sẽ khởi sắc”- ông Đoan nhấn mạnh.   
Chủ và khách cùng ngất ngây bên ché rượu cần trong đêm lửa trại.
Ông Trần Văn Quang, Giám đốc Trung tâm lữ hành Hải Âu, góp ý: Huyện cần xác định rõ các loại hình DL cụ thể để đưa ra các sách lược đầu tư. Cần hoàn thiện công tác quy hoạch chi tiết các điểm DL trên địa bàn, hướng đến phát triển DL sinh thái cộng đồng, kết hợp phát huy các nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số. Cũng cần quan tâm đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông, các sản phẩm DL đặc trưng...
Ông Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, chia sẻ: Những ý kiến đóng góp quý báu của đoàn khảo sát là cơ sở để huyện xây dựng đề án chi tiết quy hoạch phát triển DL đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Để DL An Lão cất cánh, huyện rất mong sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh, từng bước xây dựng và phát triển các cơ sở dịch vụ cộng đồng nhằm khai thác tối đa nguồn lực địa phương cho phát triển DL.
 
Huyện An Lão kêu gọi đầu tư phát triển DL ở một số thắng cảnh tự nhiên: Khu vực suối đá tại Cây Số Bảy xã An Quang, diện tích 12 ha, độ cao 248,6 m so với mặt nước biển, cách trung tâm huyện 14 km. Thắng cảnh suối đá tại Cây Số Mười, xã An Quang, diện tích 7 ha, độ cao 432 m, cách trung tâm huyện 17km. Thắng cảnh Ðá Ghe, xã An Hưng, diện tích 17,56 ha, độ cao 100m, cách trung tâm huyện 3 km. Các điểm ở thôn 1, thôn 2, thôn 3 xã An Toàn, độ cao gần 1.000 m, cách trung tâm huyện 46km. Các địa điểm này rất phù hợp với loại hình DL mạo hiểm, khám phá, DL sinh thái.
Bài và ảnh: NGUYỄN HÂN
 

Tác giả bài viết: Nguồn Báo Bình Định

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây