An Lão là huyện vùng cao, nằm phía Tây Bắc của tỉnh Bình Định. An Lão nhiều cảnh đẹp tự nhiên và hoang sơ của núi rừng như thung lũng An Toàn bởi độ cao trên 1000m, nhiệt độ thấp rất lý tưởng cho du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng. An Toàn còn được ví von là “Cổng trời” của tỉnh Bình Định, nơi đáng để trải nghiệm cho những du khách yêu thích khám phá thiên nhiên với những cung đường quanh co uốn lượn đi giữa đại ngàn dài hơn 30km, những cánh rừng nguyên sinh, cùng với những đồi sim ngập trong sắc tím (đồi sim Mâm Lang, khu vực sân bay Gió Vụt) những dòng suối len lỏi giữa rừng sâu, những thửa ruộng bậc thang xen kẽ với những bản làng, những ngôi nhà sàn thấp thoáng sau rặng cây của người dân tộc Bana, Hrê đậm nét văn hóa dân tộc.... Có người gọi An Toàn là: “ Đà Lạt thứ hai”.
Ngoài ra, An Lão còn có hệ thống sông, suối, ao, hồ đẹp tự nhiên như: hồ thủy điện Sông Vố, suối Nước Théc, thác Đá Ghe, Thác Long Vo, hồ Hưng Long... Trong tương lai, nói đến An Lão sẽ phải nhắc thêm đến một địa danh mới: hồ “ Đồng Mít”, đây là một dự án thủy lợi trọng điểm của tỉnh đang được đầu tư xây dựng với diện tích lòng hồ rộng 503,36 ha. Mỗi dân tộc đang sinh sống trên địa bàn huyện có một kho tàng văn hóa rất phong phú và đa dạng như: Lễ hội VH-TT; các nghi lễ cưới, cúng làng, cúng con nước; hát Ta lêu, Ca choi, hát ru; Nhạc cụ cồng chiêng, sáo. Có thể nói An Lão là nơi văn hóa dân tộc Hre, Bana còn gìn giữ khá đậm nét, không gian thôn bản với kiến trúc nhà sàn truyền thống dân tộc ở xã An Toàn, An Dũng, An Vinh, An Nghiã, An Trung, An Quang, An Hưng. Qua kiểm kê ở 36 thôn của 7 xã đã kiểm kê được 244 nội dung di sản văn hóa phi vật thể như: Hát Mon, Ta lêu, Ka choi, Ca Lối, Hát ru, Dân ca Bana, Goong Bana, Chinh tốc, bài cúng , xói, Phong tục tập quán... Toàn huyện có 3 câu lạc bộ dân ca và nhạc cụ dân tộc truyền thống đang hoạt động. An Lão là cái nôi của cách mạng và được giải phóng từ khá sớm (7/12/1964), toàn huyện có ba dân tộc chính đó là: Kinh, Bana, Hre. Hiện nay trên địa bàn huyện có 01 di tích lịch sử cấp quốc gia, 07 di tích lịch sử cấp tỉnh.
Với lợi thế về tự nhiên thiên, An Lão là nơi có những sản vật địa phương đặc trưng, khác biệt như: Rau Dớn, cá Niên, sim An Lão, mật ong rừng .... Hiện tại, huyện An Lão đang triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, kết hợp chương trình mỗi xã một sản phẩm, trong đó tập trung phát triển hàng loạt sản phẩm nông nghiệp đặc trưng như: Bưởi, Cam xoàn, Bơ ( An Toàn), Mây tự nhiên, chè Tiến vua ( đồi chè với hơn 600 gốc chè cổ thụ), Sim An Quang ( 300 ha), rượu cần Hre ( An Hưng), rượu cần Bana (An Toàn), các sản phẩm mỹ nghệ, sản phẩm heo đen, gà thả đồi An Lão, Dự án bò cỏ chất lượng.... Các dự án này bên cạnh việc phát triển kinh tế nông nghiệp sẽ còn tạo ra các sản phẩm ẩm thực đặc trưng khác biệt mang tới khách du lịch khi tới An Lão, tạo nên sức hút riêng cho du lịch An Lão trong tương lai.