Huyện miền núi An Lão thuộc tỉnh Bình Định là một trong những điểm đến thú vị, hấp dẫn được nhiều du khách đến khám phá và chiêm ngưỡng. Đã có cơ hội đến với Bình Định để tham quan thì đừng bỏ qua địa điểm núi rừng An Lão nhé.
Huyện An Lão, tỉnh Bình Định là một huyện miền núi cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 100 km về hướng tây bắc. Muốn dịch chuyển tới địa điểm này, bạn xuất phát từ quốc lộ 1A (đoạn qua huyện Hoài Nhơn) chạy dọc lên phía tây khoảng 25 km nữa là tới. Huyện An Lão hiện nay có 10 xã, thị trấn có tên lần lượt là: thị trấn An Lão, An Dũng, An Hòa, An Hưng, An Nghĩa, An Quang, An Tân, An Toàn, An Trung, An Vinh. Thời tiết ở huyện chịu ảnh hưởng của khí hậu Tây Nguyên.
Địa hình An Lão hiểm trở, hùng vĩ chinh phục nhiều dân phượt thủ
Chính vì địa hình miền núi cheo leo hiểm trở, không biết từ đâu đã xuất hiện câu nói về An Lão “Đường lên An Lão cheo leo. Thương em anh mới băng đèo tới đây”.
Phong cảnh An Lão mang nét đặc trưng của vùng miền núi non, sơn cước của miền đất hứa. Nói đến vùng miền núi, nhiều du khách sẽ liên tưởng tới những cánh rừng xanh bạt ngàn, trải dài hay những triền ruộng bậc thang chín vàng mùa gặt lúa, những con người đồng bào dân tộc thiểu số… Tất cả đã tạo nên những màu sắc đa dạng cho miền cao.
Những triền ruộng thang bắt mắt ở miền núi cao huyện An Lão
Nhắc tới du lịch An Lão, bạn sẽ ngỡ ngàng với những triền ruộng bậc thang bát ngát, những cung đường, dốc núi ngoằn ngoèo dựng đứng là tâm điểm nổi bật ở vùng đất này. Đây thực sự là những thử thách đặc biệt cho những phượt thủ, cho những ai đam mê tìm hiểu khám phá những vùng đất mới. Để chinh phục được thì du khách cần phải có tay lái thật cứng, trang bị đầy đủ những vật dụng cần thiết khi đi rừng mới có thể đảm bảo an toàn.
Những cung đường đẹp của đường lên “cổng trời” đã thôi thúc nhiều bước chân của những giới trẻ mê chinh phục núi trời. Khung cảnh vẻ đẹp giữa một bên là ruộng, suối và một bên là những ngọn đồi cao tạo nên cảm giác bình yên, thanh bình khi đến đây. Sự nép mình dưới những rặng cau xanh của những ngôi nhà nhỏ của đồng bào dân tộc tạo nên bức tranh phong cảnh hữu tình đẹp chỉ có những miền núi sơn cước.
Cổng trời huyện An Lão tạo cảm giác thanh bình, bình yên cho bạn
Không khí càng lạnh khi dịch chuyển càng lên cao. Sự đa dạng của những loại âm thanh của núi rừng âm u, tiếng chảy róc rách của suối lẫn trong tiếng chim rừng gọi bạn như huyền hoặc của thế giới thiên đường. Những con dốc nối đuôi nhau chảy lượn điểm tô trên nền người và xe chồm lên, chúi xuống theo những cung đường khiến rừng núi trở nên đẹp một cách hùng vĩ.
Để chinh phục được thác K50, phượt thủ phải trải qua một hành trình đầy biết bao khó khăn, nguy hiểm và đầy thử thách đối với bản thân. K50 rất được những phượt thủ yêu thích thiên nhiên chinh phục và khám phá nó. Nhiều lúc, bạn cảm thấy chùn bước, mệt mỏi nhưng khi đứng trước vẻ đẹp mà tạo hóa đã ban tặng cho thác K50 thì dường như cảm giác ấy đã chợt tan biến và biến mất.
Thác nước K50 đẹp tựa như bức lụa
Một dải lụa bạc, lấp lánh và lung linh của thác nước giữa chốn núi rừng đã tạo nên không gian kỳ vĩ, huyền ảo và nên thơ. Tất cả những vẻ tinh túy của đất trời, của thiên nhiên hầu như đã hội tụ ở chốn này tựa như chốn thiên đường giữa trần thế. Đây thực sự là tác phẩm nghệ thuật của tạo hóa ban tặng, là món quà mà mẹ thiên nhiên đã ưu ái trao cho vùng đất đại ngàn hoang sơ.
Theo thời gian, các tảng đá xếp chồng lên nhau cùng với dòng nước chảy qua tạo nên những hình thù lạ mắt. Ở đoạn này, các lớp đá gắn kết với nhau như những bậc thang khổng lồ, dòng nước cứ thế chảy xuống tạo những thác nhỏ hiền hòa. Những con đường mòn trên đỉnh đồi, hàng cau bên mạn sườn đung đưa trước gió, lác đác sắc hoa rừng, âm thanh ríu rít của các chú chim non văng vẳng bên tai, tiếng róc rách pha lẫn tiếng thác đổ… đã tạo độ lung linh, tạm xa chốn ồn ào nơi phố thị.
Suối đá với nhiều hình dạng khá lạ, kỳ thú
Cá niên hầu như vùng nào ở miền Trung đều có nhưng ở vùng núi An Lão (Bình Định) cá có vị béo vừa và ăn ngon hơn so với những nơi khác. Sở dĩ vì chúng được sống trong các ghềnh đá, bơi ngược dòng nước nên xương rất cứng, cá ngon và béo. Cá được chế biến thành nhiều cách khác nhau như nướng, kho nghệ hay hấp, làm gỏi đều ngon, nhưng cách thích hợp nhất được nhiều người ưa chuộng vẫn là nướng.
Cá để nguyên con, rửa sạch, mổ ruột rồi xuyên qua những cật tre rừng được vót mỏng theo chiều dọc. Đặt cá trên bếp than hồng nướng, đến khi cá chín vàng, có mùi thơm lừng. Lúc này thì dùng tay gỡ cá chấm với muối ớt, ăn kèm với rau dớn quả là tuyệt vời không gì sánh bằng khi vừa ăn vừa thưởng thức cảnh đẹp nơi núi rừng.
Cá niên đặc sản núi rừng huyện An Lão, Bình Định
Vùng rừng núi huyện An Lão mọc nhiều rau dớn, hình dạng lá tương tự như ngọn cây dương xỉ. Ngọn rau xanh rì, không mùi nhưng ngon, giòn đến lạ. Đĩa rau dớn cùng với nồi cá niên nấu canh trong bữa ăn được xem là món “đắt cơm”. Rau dớn mua về chỉ lấy những ngọn rau còn tươi, ngon và non, rửa sạch, để ráo rồi chế biến.
Rau dớn rừng có hình dạng tương tự như cây dương xỉ
Rau dớn được nhiều người chế biến với những cách khác nhau như luộc, xào tỏi hay làm gỏi, nộm thịt bò, tôm… Độ giòn, ngon của rau dớn hòa cùng hương vị ngọt dai của thịt bò, của tôm đã mang đến cảm giác lạ miệng.
Rau dớn được người dân nơi đây chế biến thành nhiều món khác nhau
Những con đường mòn trên đỉnh đồi, những cung đường ngoằn nghèo hiểm trở, hai bên đường rừng cây bao trùm, tiếng muôn loài động vật… đã tạo nên khung cảnh tuyệt hảo cho vùng đồi núi huyện An Lão. Còn chần chừ gì nữa mà không thử đặt chân một lần đến đây để được chiêm ngưỡng vẻ đẹp lung linh, huyền ảo khiến người ta có cảm giác bình yên và thanh thoát đến kỳ lạ đồng thời cũng nên ghé thăm du lịch Quy Nhơn – thành phố biển mộng mơ.
Tác giả bài viết: Theo binhdinh.dulichvietnam.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn