An Lão huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới
Thứ sáu - 26/07/2019 07:10
Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện An Lão đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), bước đầu đã mang lại kết quả thiết thực. Mặt trận, các đoàn thể và các địa phương đã huy động được nguồn lực đóng góp từ nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp cùng chung tay xây dựng NTM.
Đến An Lão vào những ngày giữa năm, chúng tôi ghi nhận được sự đổi mới về kết cấu hạ tầng giao thông và thủy lợi trên địa bàn huyện. Theo Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM huyện, trong ba năm qua (2016, 2017, 2018) bằng việc lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn, với tổng vốn đạt 177.221 tỷ đồng, trong đó vốn Ngân sách trung ương 41.580 tỷ đồng, ngân sách địa phương 36.136 tỷ đồng, vốn lồng ghép 96.529 tỷ đồng, huy động trong cộng đồng dân cư 2.976 tỷ đồng. An Lão đã đầu tư khởi công xây mới 16 công trình hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc các lĩnh vực: Giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế, môi trường và hạ tầng khác. Từ năm 2016 đến nay, thực hiện bê tông hóa 43,5 km đường giao thông trục xã, thôn, xóm, nội đòng; về thủy lợi đã kiên cố hóa 15,7 km kênh mương cấp 2,3. Nhiều địa phương trong huyện còn xuất hiện phong trào hiến đất, đóng góp tiền của, công sức xây dựng hạ tầng, thể hiện vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM. Anh Nguyễn Văn Dư, Bí thư Chi bộ thôn Hưng Nhơn (TT An Lão), chia sẻ: “Nhận thức rõ trách nhiệm của mình, vừa qua người dân tại thôn chúng tôi đã đóng góp ngày công, hiến trên 300m2 đất làm đường nội đồng; tham gia đóng góp trên 20 công và trên 15 triệu đồng làm đường vào cánh đồng Hóc Bà Đống”.
Bên cạnh xây dựng các công trình hạ tầng, An Lão chú trọng triển khai và nhân rộng các hình thức tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập cho nhân dân; hướng dẫn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện - cơ quan thường trực Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện An Lão, từ năm 2016 - 2018 đã nhân rộng thực hiện một số mô hình: nuôi heo đen tại An Dũng, An Trung; mô hình gà thả đồi tại An Trung; mô hình trồng khoai lang trên đất chuyển vụ, mô hình trồng rau sạch, mô hình trồng đậu xanh trên đất lúa chuyển vụ tại xã An Tân; mô hình trồng lạc trên đất lúa chuyển vụ, mô hình trồng bưởi da xanh tại xã An Hòa; mô hình trồng cây đinh lăng, nuôi chim bồ câu pháp tại thị trấn;.... Đặc biệt về tổ chức sản xuất (tiêu chí số 13), đã củng cố, kiện toàn hoạt động 3 HTX và 01 tổ dịch vụ nông nghiệp. Ngoài ra, huyện đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm để thúc đẩy sự phát triển nghề trong các nhóm hộ gia đình trên địa bàn.
Theo báo cáo sơ kết 03 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM của Ban Chỉ đạo huyện An Lão, cả huyện hiện bình quân đạt 10,25 tiêu chí/xã, tăng 1 tiêu chí so với năm 2015 (đạt bình quân 9,25 tiêu chí/xã). Cụ thể xã An Hòa, An Tân đạt 13 tiêu chí, xã An Trung, An Quang đạt 11 tiêu chí, An Hưng đạt 10 tiêu chí, còn lại các xã An Vinh, An Nghĩa, An Toàn đạt 10 tiêu chí. Tuy nhiên điều đáng chú ý là tất cả các xã đều không đạt tiêu chí về thu nhập (35 triệu đồng/người/năm) và tiêu chí hộ nghèo theo chuẩn đa chiều (dưới 5%) vì thu nhập bình quân năm 2018 huyện An Lão chỉ đạt 14,1 triệu đồng/người/năm.
Nhằm khắc phục khó khăn, hạn chế trên, tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện An Lão đã xây dựng kế hoạch thực hiện đến năm 2020, xác định mục tiêu chung là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Mục tiêu cụ thể là phấn đấu toàn huyện đạt bình quân 15,63 tiêu chí/xã, trong đó phấn đầu 02 xã đạt chuẩn NTM (An Hòa, An Tân), An Quang đạt 16/19 tiêu chí, An Trung và An Hưng đạt 15/19 tiêu chí, An Vinh đạt 14/19 tiêu chí, An Nghĩa đạt 13/19 tiêu chí, An Toàn và An Dũng đạt 12/19 tiêu chí.
Để thực hiện mục tiêu trên, An Lão đề ra giải pháp tiếp tục chỉ đạo việc triển khai lồng ghép các nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia; các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn để phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó tập trung huy động tối đa nguồn lực của địa phương, nguồn vốn đầu tư doanh nghiệp, vốn tín dụng đầu tư phát triển nhà nước cùng các khoản đóng góp của nhân dân và huy động từ cộng đồng. Trọng tâm là thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và giải quyết việc làm nhằm tăng thu nhập cho nông dân.