Nghị quyết của Ban Cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ đã đánh giá tổng quát những kết quả mà toàn ngành Thanh tra đã đạt được trong năm 2018, cũng như một số mặt tồn tại, hạn chế cần khắc phục, đồng thời đề ra những mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của ngành Thanh tra năm 2019.
Về mục tiêu chung trong năm 2019, Ban Cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ xác định năm 2019 là năm bức phá để hoàn thành kế hoạch 5 năm 2016 - 2020. Phát huy những ưu điểm, kết quả đã đạt được, đồng thời khắc phục tồn tại, hạn chế, toàn ngành Thanh tra bám sát sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, thực hiện phương châm hành động của Chính phủ năm 2019 là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả” để xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, phát triển kinh tế - xã hội; nhất là công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo phục vụ các kỳ họp của Trung ương, Quốc hội và các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Về các mục tiêu cụ thể, công tác thanh tra cần tăng cường thanh tra công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực quan trọng và thanh tra việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; tăng cường thanh tra đối với công tác bảo vệ người tố cáo. Hoạt động thanh tra chuyên ngành tập trung những nội dung, vấn đề gây bức xúc trong đời sống xã hội, các vi phạm pháp luật và chấn chỉnh hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành, thực thi pháp luật chuyên ngành. Hạn chế tối đa sự chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Tăng cường theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp. Khắc phục tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra. Quan tâm việc tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm từ các cuộc thanh tra đã tiến hành…
Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cần quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Triển khai thi hành Luật Tố cáo 2018. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan quản lý nhà nước trong công tác tiếp dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Giải quyết kịp thời, có hiệu quả theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với thực tế các khiếu nại, tố cáo ngay tại cơ sở, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 85%; thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật đạt tỷ lệ trên 90%. Tập trung triển khai có hiệu quả công tác kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài, nổi cộm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch của Thanh tra Chính phủ. Chú trọng và nâng cao chất lượng thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo…
Công tác phòng, chống tham nhũng cần triển khai đồng bộ các chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, nhất là Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 03/01/2014 của Bộ Chính trị về sự tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản, các quy định về công khai, minh bạch theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng; Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí; Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 28/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Tập trung triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác kê khai, xác minh tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; thực hiện việc công khai, minh bạch trên các lĩnh vực; phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc tham nhũng; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng và chuyển cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng. Tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc cung cấp thông tin cho báo chí để góp phần thực hiện có hiệu quả hơn công tác phòng, chống tham nhũng …
Công tác xây dựng ngành cần tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động, giữ vững kỷ luật, kỷ cương theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 6, Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII; trong đó chú trọng xây dựng tổ chức bộ máy để thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước và các hoạt động nghiệp vụ…
Để triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu nêu trên, Ban Cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Tập trung xây dựng cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”…; gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh và học tập theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nghiêm túc thực hiện Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 và Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp nhằm nâng cao chất lượng thực thi công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thanh tra kỷ cương, trách nhiệm, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Chiến lược phát triển ngành Thanh tra đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; đổi mới công tác tổ chức, cán bộ ngành Thanh tra và cơ quan Thanh tra Chính phủ bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo Luật Thanh tra, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân và Luật PCTN. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động thanh tra; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác đánh giá cán bộ, công tác thi đua, khen thưởng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thanh tra theo quy định. Quan tâm giáo dục cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật, kỷ luật, kỷ cương, đấu tranh chống những biểu hiện sai trái, tư tưởng cá nhân, đặc biệt là hành vi gây mất đoàn kết nội bộ, phát ngôn không đúng chuẩn mực, tố cáo bịa đặt, vu khống...
Ban Cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ yêu cầu các đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ và Thanh tra các bộ, ngành, Thanh tra các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phổ biến, quán triệt Nghị quyết này đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị; xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để thực hiện; chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị trong ngành với các cơ quan, tổ chức hữu quan để tạo sự thống nhất, đồng bộ trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị; cấp ủy các đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ và Thanh tra bộ, ngành, địa phương cụ thể hóa bằng Nghị quyết để lãnh đạo đảng viên thực hiện, thường xuyên trao đổi, phối hợp với Thủ trưởng đơn vị kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết./.
Tác giả bài viết: Đào Văn Thi (Thanh tra tỉnh)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn