Đây là hoạt động văn hóa của huyện chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước; chào mừng kỷ niệm 129 năm ngày sinh Bác Hồ và hướng đến kỷ niệm 55 năm Chiến thắng An Lão. Lễ hội lần này có 16 đòan Văn hóa- thể thao của 10 xã, thị trấn và các đòan khối LLVT- nội chính; CNVCLĐ, ngành Giáo dục, ngành Y tế và 2 trường THPT tham gia với hơn 800 diễn viên, vận động viên. Đây là loại hình mà huyện vùng cao này đã duy trì tổ chức định kỳ trong suốt 30 năm qua. Năm nay, các vận động viên tham gia tranh tài 5 môn thi văn hóa (làng - trại đẹp, văn nghệ, cắm hoa, người đẹp, nấu cơm gia đình ) và các môn thể thao (bóng chuyền, phóng lao, đẩy gậy, kéo co, việt dã, diễn tấu cồng chiêng).
Tham quan 16 trại, làng của mỗi đoàn, đi giữa những dáng nét văn hóa kiến trúc Kinh, Bana, H’re được thể hiện mô phỏng, người xem có thể cảm nhận, hình dung phần nào về một không gian sống vừa đặc trưng vừa phong phú của các dân tộc. Nếu các đơn vị đồng bằng nổi bật với những kiểu trại mùa hè bằng vải rực rỡ sắc màu, cổng trại trang trí thẩm mỹ, gởi gắm nhiều biểu tượng thì làng của các xã miền núi tạo ấn tượng bởi sự hiền hòa, dáng vẻ riêng đặc thù. Mỗi làng là một không gian sống thu nhỏ với nhà sàn, kho thóc, nhà nhốt trâu bò, chuồng gà, vịt, tất cả đều làm bằng tranh lá, lồ ô. Ở mỗi trại đều có một cây nêu trong sân. Trong nhà sàn, có ảnh Bác, vài bộ cồng chiêng, ghè rượu cần, lúa rẫy, bếp lửa… Ai chưa từng đặt chân đến vùng cao, qua những “phác thảo” này cũng có thể mường tượng về nơi sinh sống của người dân giữa đại ngàn.
Phần thi văn nghệ là một trong những nội dung được các đoàn dày công chuẩn bị. Mỗi đơn vị đều có sự đầu tư dàn dựng, tập luyện, biểu diễn tiến bộ ở 3 thể loại múa, hát và nhạc cụ dân tộc. Các xã miền núi đã đưa những nghệ nhân, hạt nhân văn nghệ tốt nhất tham gia các tiết mục, làm nên chất lượng nghệ thuật cao. Đáng chú ý, lực lượng diễn viên hầu hết đều trẻ, cho thấy công tác phát huy vai trò của chủ thể văn hóa trong thế hệ trẻ được các địa phương chú trọng.
Hội thi người đẹp đã thu hút sự quan tâm, theo dõi của khán giả. Điều đáng ghi nhận là giữa thí sinh ở đồng bằng và thí sinh người dân tộc thiểu số đã không có khoảng cách lớn về khả năng trình diễn trên sân khấu và trả lời ứng xử trước hàng ngàn khán giả. Thật vui khi thấy những cô gái Bana, H’re tự hào và tự tin khoác lên mình những bộ trang phục truyền thống đẹp mắt duyên dáng sải bước trên sân khấu.
Lễ hội Văn hóa – Thể thao lần thứ VIII huyện An Lão đã thành công tốt đẹp, là thành tích mà chúng ta trân trọng hướng đến kỷ niệm 55 năm Chiến thắng An Lão. Tinh thần chung của Lễ hội là “ Thi đua – Đòan kết – Trung thực” đã được Ban Giám khảo, Ban Trọng tài tiếp nhận và làm việc hết mình để đánh giá đúng kết quả Lễ hội. Kết quả BGK đã trao giải cho 2 khối riêng.
+ Khối miền núi: Giải nhất văn nghệ xã An Dũng; giải nhất làng đẹp xã An Nghĩa. Giải toàn đoàn: Giải nhất xã An Dũng; giải nhì xã An Trung và giải ba xã An Nghĩa.
Khối đồng bằng: Giải nhất văn nghệ ngành Giáo giáo dục; giải nhất làng đẹp xã An Hòa và Trường THPT An Lão. Giải toàn đoàn: Giải nhất thị trấn An Lão; giải nhì Ngành Giáo dục và giải ba xã An Hòa.
Giải “Người đẹp Lễ hội”: Khối đồng bằng: giải nhất: Trần Thị Thu Oanh (thị trấn An Lão); giải nhì: Trần Thị Hà (An Hòa); giải ba: Trần Thị Lệ Quyên (Trường THPT An Lão); khối miền núi: Giải nhất Đinh Thị Qui xã An Vinh; giải nhì: Đinh Thị Krop xã An Dũng; giải ba: Đinh Thị Tuyết xã An Hưng ./.
Tác giả bài viết: Lệ Quyên
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn