Tiếp sức cho các hộ sản xuất kinh doanh ở vùng khó khăn
Thứ hai - 06/04/2020 10:40
Những năm qua, với nhiều chương trình thiết thực, Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) huyện An Lão đã tăng cường nâng cao chất lượng hoạt động uỷ thác, đưa nguồn vốn ưu đãi đến gần với người dân, kịp thời giúp hộ nghèo, khó khăn, đối tượng chính sách có vốn đầu tư phát triển sản xuất, cải thiện đời sống và giảm nghèo bền vững. Trong đó, phải kể đến chương trình cho vay hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn theo Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg thực sự là đòn bẩy giúp các hộ vươn lên thoát nghèo bền vững.
Nguồn vốn “gõ cửa” đúng lúc Trước đây, mặc dù không thuộc diện nghèo của địa phương, nhưng gia đình ông Nguyễn Văn Cư, ở thôn Hưng Nhơn, TT An Lão khá chật vật để trang trải sinh hoạt cho 7 thành viên trong gia đình. Bởi vì, hằng năm, nguồn thu nhập từ lao động chân tay không thể trang trải đầy đủ chi phí sinh hoạt, tiền con cái học hành. Năm 2015, theo Chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn, gia đình ông Cư may mắn được vay 50 triệu đồng từ NHCSXH huyện. Với kinh nghiệm sẵn có về nghề mộc, ông đầu tư mua máy móc mở xưởng mộc tại nhà và làm lưu động tại địa bàn các thôn của xã An Dũng. Siêng năng, cần cù, chịu khó, lấy công làm lời, cộng thêm nguồn vốn tín dụng, đã giúp gia đình ông Cư ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu và giúp các con được học hành đàng hoàng. Ông Cư chia sẻ: “Có được như ngày hôm nay, cùng với xuất phát từ sự nỗ lực của các thành viên trong gia đình thì quan trọng hơn là nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ đắc lực, kịp thời. Vay được nguồn vốn với lãi suất ưu đãi, thời hạn vay lại kéo dài đã giúp gia đình yên tâm trong quá trình sản xuất kinh doanh, cũng như có kế hoạch trong việc tích góp, trả nợ”. Chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn giúp nhiều gia đình trên địa bàn huyện An Lão thoát nghèo bền vững Tương tự, trước đây, gia đình bà Lê Thị Thúy, ở thôn Thanh Sơn, xã An Tân cũng gặp rất nhiều khó khăn. Đất đai sản xuất thì có, nhưng không có vốn để đầu tư làm ăn lớn, chỉ quanh quẩn trồng ít ngô, mì nên thu nhập chẳng đáng là bao. Cách đây gần 4 năm, gia đình bà được vay 50 triệu đồng từ Chương trình cho vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn để chăn nuôi 3 con bò sinh sản. Vừa nuôi bò, gia đình bà vừa tiếp tục cải tạo để trồng thêm ngô và trồng cỏ. Hiện giờ, gia đình bà đã sở hữu đàn bò 5 con. Mỗi năm bán 2 lứa bê với thu nhập gần 50 triệu đồng. “Nhờ được chăm sóc chu đáo, lại có nguồn phụ phẩm nông nghiệp sẵn nên chi phí đầu tư cho đàn bò không cao, trong khi mỗi năm đàn bò sinh sản thêm bê đã giúp gia đình có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống”, Bà Thúy chia sẻ. Chị Trần Thị Đông, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã An Hòa cho biết: hiện nay, toàn xã có 548 thành viên được vay vốn từ NHCSXH với dư nợ hơn 20.872 triệu đồng. Trong đó, riêng Chương trình cho vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn là hơn 3.781 triệu đồng, với hơn 94 thành viên được vay vốn. Nhờ vốn vay với lãi suất ưu đãi mà bà con có điều kiện phát triển kinh tế gia đình. Đáng mừng hơn, có nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững và kinh tế gia đình ngày càng khấm khá. Đẩy mạnh giải ngân kịp thời Được biết, nông dân huyện An Lão chủ yếu sản xuất nông nghiệp nên điều kiện để tăng thu nhập, ổn định đời sống còn hạn chế. Chính vì vậy, đồng vốn tín dụng ưu đãi để phát triển SXKD lúc khó khăn là nguồn lực quan trọng đối với người dân. NHCSXH huyện đã nỗ lực triển khai các giải pháp, tăng cường mở rộng mạng lưới, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS, đem đồng vốn ưu đãi đến với người dân. NHCSXH huyện đều đặt Điểm giao dịch tại các xã và tổ chức giao dịch trực tiếp vào ngày quy định hàng tháng. Cán bộ ngân hàng trực tiếp hướng dẫn các hộ vay xây dựng phương án sản xuất, lập hồ sơ theo quy định để đủ điều kiện vay vốn. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh thông qua các tổ chức hội, đoàn thể ngay từ cơ sở. Đối với những thôn, bản đặc biệt khó khăn, cán bộ ngân hàng trực tiếp xuống tuyên truyền, tư vấn tại hộ nhằm nâng cao nhận thức, xác định khả năng đầu tư phù hợp. Nhờ được hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi, nhiều người dân ở huyện An Lão đã mạnh dạn xây dựng các mô hình kinh tế như: trồng rừng, chăn nuôi, các ngành nghề truyền thống, dịch vụ buôn bán… Nguồn vốn này đã góp phần thay đổi cuộc sống của không ít hộ gia đình, nhiều hộ đã trở thành những điển hình làm kinh tế giỏi tại địa phương. Hiện nay, tổng dư nợ chương trình cho vay hộ gia đình SXKD tại vùng khó khăn ở huyện An Lão đạt 34.527 triệu đồng với 980 hộ vay. Trong đó, một số xã có dư nợ cao như: An Tân, An Hòa, Thị trấn… Có thể khẳng định, chương trình cho vay hộ gia đình SXKD tại vùng khó khăn do NHCSXH huyện An Lão thực hiện có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp người dân có điều kiện phát triển sản xuất và ổn định cuộc sống, góp phần to lớn đối với công cuộc xóa đói giảm nghèo tại địa phương.