Ứng dụng thiết bị kỹ thuật hiện đại trong nghề thủ công truyền thống
Vợ chồng anh Lê Minh Thoại và Nguyễn Thị Sương theo nghề làm đồ gỗ mỹ nghệ trang trí gần chục năm nay. Cơ sở gỗ mỹ nghệ Tuyết Sương của anh chị chủ yếu cung cấp cho các hộ gia đình và hàng quán ở xã An Hòa và trong huyện An Lão. Sau bao năm dùi đẽo gỗ thủ công, anh chị đã quyết định đầu tư mua máy tiện gỗ công nghiệp để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Chiếc máy tiện gỗ hiện đại có giá hơn 470 triệu, bằng cả một gia tài đối với mức thu nhập chung của người dân huyện miền núi này, nhưng hai vợ chồng vẫn quyết định dùng hết vốn liếng và vay mượn thêm để mua.
Nhớ lại những ngày đầu làm nghề, anh Thoại cho biết thực ra anh vốn làm nông, sau này tự học nghề mộc, rồi vì quá đam mê và có năng khiếu nên chuyên làm đồ gỗ mỹ nghệ. An Lão vốn có rất nhiều rừng núi nên nguồn cung cấp gỗ rất dồi dào, tuy vậy người làm gỗ mỹ nghệ thì lại không có nhiều, nên anh quyết tâm phát triển nghề này. Để làm được những bức tượng, phù điêu, câu đối gỗ cần sự tỉ mỉ, chính xác rất cao nên mất rất nhiều thời gian. Hai vợ chồng vẫn thường xuyên lên mạng để xem và học hỏi những cách làm, mẫu mã mới. Tình cờ xem được video về cách hoạt động của chiếc máy cắt này, anh đã tìm hiểu để mua bằng được.
Nhưng đối với hai vợ chồng xuất thân từ nông dân thì việc vận hành một chiếc máy hiện đại, tự động hóa hòan toàn như thế là một điều không đơn giản. Chị Nguyễn Thị Sương đã phải chia tay chồng con để đi thành phố Hồ Chí Minh học cách sử dụng máy trong vòng 2 tháng. Để sử dụng máy này, phải thiết kế trước trên phần mềm vẽ kỹ thuật AutoCad, sau khi đủ các bản vẽ, kích thước thì chỉ cần nhập gỗ vào là máy sẽ tự động cắt gọt, tiện gỗ.
Chị Sương nhớ lại: “Phần mềm vẽ kỹ thuật rất khó, toàn bộ ngôn ngữ là tiếng Anh mà tôi thì chưa biết dùng máy vi tính, nên phải mất rất nhiều thời gian và công sức để học thiết kế. Học xong thì về cũng phải mất cả tháng trời thực hành trên máy, nhiều người cùng học với tôi đã bỏ nghề vì không đủ đam mê.”
Nhưng với quyết tâm của mình, chị Sương đã dần làm chủ được công nghệ, giờ chị là người trực tiếp thiết kế mẫu và vận hành máy. Sau khi máy đã cắt gọn thành sản phẩm thô thì anh Thoại sẽ tiếp tục chỉnh sửa tinh tế và hoàn thiện sản phẩm. Nhờ đầu tư chiếc máy này mà năng suất lao động của 2 vợ chồng tăng lên nhiều, có thể tự tin nhận những đơn hàng số lượng lớn trong khoảng thời gian ngắn. Hiện giờ hai vợ chồng đang chủ động làm thật nhiều hàng để trưng bày cho đa dạng mẫu mã, sản phẩm, nhắm tới các thị trường rộng lớn hơn.
Chủ động đổi mới để tăng năng suất, sản lượng
Nghề trồng dâu, nuôi tằm cũng là một nghề có truyền thống lâu đời ở huyện An Lão. Hộ gia đình anh Nguyễn Ngọc Tuấn (xã An Hòa, huyện An Lão) đã theo nghề này được gần 20 năm. Theo anh Tuấn, trước đây nghề cho thu nhập rất bấp bênh, nhưng khoảng 5 năm trở lại đây dẫn ổn định và phát triển.
Để đạt được điều này, anh đã chủ động thay đổi cách thức sản xuất truyền thống. Anh Tuấn nói: Ngày xưa ông bà làm sao thì mình làm vậy, được mất do ông trời. Nhưng gần đây cán bộ huyện, xã đã tổ chức các buổi tập huấn, giới thiệu các cách thức giúp tăng năng suất cho cả dâu lẫn tằm. Tôi đã quyết định chuyển sang trồng giống dâu mới, cho hiệu quả rõ rệt, còn với tằm thì sử dụng một số loại thuốc phòng bệnh để con tằm luôn khỏe mạnh, cho nhiều tơ. Trước đây một kén tơ chỉ kéo được khoảng 400 mét, giờ đây tăng lên, đạt 500 mét. Hiện nay gia đình anh Tuấn có 15 sào trồng dâu, trung bình mỗi tháng thu được khoảng 2 hộp tằm, cho thu nhập trên dưới 10 triệu.
Theo ông Trần Nam Trung – Phó chủ tịch UBND xã An Hòa thì để nâng cao năng suất nghề trồng dâu, nuôi tằm, xã đã chủ động đi học tập kinh nghiệm tại thành phố Bảo Lộc, Lâm Đồng. Sau đó về tổ chức các lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng cho bà con nhân dân trong vòng 3 tháng. Hiện nay người dân đã chuyển đổi sang trồng giống dâu S7CB, ứng dụng các kiến thức mới nên cho hiệu quả kinh tế tốt và ổn định hơn.
Nói về tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, Chủ tịch UBND huyện An Lão Phạm Văn Nam cho biết: Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin trong sản xuất luôn được chúng tôi đẩy mạnh triển khai. Riêng với diện tích trồng giống dâu S7CB, hiện nay đang có khoảng 30 ha, sắp tới chúng tôi sẽ mở rộng thêm trên địa bàn xã An Tân 12 ha nữa. Sắp tới huyện sẽ thành lập các hợp tác xã kiểu mới, với nhiều ngành nghề nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp để hỗ trợ người dân tìm và ổn định đầu ra cho sản phẩm. Huyện cũng chủ động phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh tổ chức xây dựng định hướng phát triển kinh tế - xã hội huyện An Lão đến năm 2025, tầm nhìn 2035, hy vọng sẽ góp phần thu hút đầu tư, đẩy mạnh sản xuất, nâng cao đời sống cho bà con trong những năm tới./.
Tác giả bài viết: Quốc Dũng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn