Trong một lần về xã vùng cao An Toàn, tôi may mắn gặp được bà Đinh Thị Chớ, 52 tuổi, người dân tộc Bana, ở thôn 2 đang miệt mài bên khung dệt tại góc nhà sàn của mình, tỉ mỉ dệt tấm thổ cẩm để kịp giao cho bà con trong làng. Vừa dệt, bà Chớ cho biết: Tôi sinh ra và lớn lên trong làng có nhiều gia đình làm nghề dệt thổ cẩm. Riêng gia đình tôi thì có mẹ, bà ngoại là tay nghề dệt giỏi, nên từ lúc 16 tuổi, nghe lời mẹ và những phụ nữ lớn tuổi khuyên bảo, tôi đã sớm được tiếp xúc với nghề dệt thổ cẩm. Tôi đã được mẹ, bà ngoại dạy từ cách se chỉ đến nhuộm màu. Để thành thạo với tay nghề dệt như ngày hôm nay, tôi đã phải học hỏi rất nhiều. Bà Đinh Thị Chớ, ở thôn 2, xã An Toàn bên khung dệt thổ cẩm Bana Như minh chứng cho lòng yêu nghề, bà Chớ vào trong nhà và mang chiếc gùi đựng thổ cẩm, rồi lấy ra từ trong đó các tấm thổ cẩm với đủ loại hoa văn khác nhau mà bà đã dệt để giới thiệu cho chúng tôi xem. Bà Chớ cho biết thêm: Trước đây, mỗi lần muốn dệt thổ cẩm, người dệt phải chuẩn bị nguyên vật liệu rất công phu. Giờ đây, nguyên liệu để dệt hầu hết đều mua sẵn ngoài chợ về. Dệt thổ cẩm phải trải qua nhiều công đoạn. Khó nhất, là công đoạn lắp ghép các bộ phận của khung dệt. Thứ hai là giăng sợi vào khung cho đúng trình tự các sợi màu. Từ đó, giúp cho quá trình dệt thổ cẩm không bị rối chỉ, mà bố cục các hoa văn đúng theo ý đồ của người dệt. Với niềm đam mê dệt thổ cẩm, ngoài công việc trên nương rẫy, nếu rảnh ngày nào là bà Chớ đem khung ra ngồi dệt. Ngày nào không ngồi bên khung dệt thì bà cảm thấy trống vắng. Hầu hết, những trang phục truyền thống này luôn được bà Chớ phối trên nền chủ đạo màu đen với các họa tiết kết hợp giữa màu đỏ, vàng, xanh và màu trắng. Sản phẩm bà làm ra luôn được bà con trong thôn mua hoặc trao đổi về sử dụng và mặc vào những lễ hội truyền thống, lễ ăn mừng được mùa, ăn mừng nhà mới, đám cưới. Dệt thổ cẩm với bà Đinh Thị Chớ giờ đây không chỉ là đam mê để phục vụ đời sống sinh hoạt gia đình, mà còn là cái nghề kiếm thêm tiền để mưu sinh. Trong làng, nhiều người đến đặt bà Chớ dệt những tấm thổ cẩm nhỏ, lớn khác nhau. Trung bình một tấm thổ cẩm để may thành một bộ đồ truyền thống Bana, bà Chớ dệt mất khoản 20 ngày, có giá 2 triệu đồng. Tuy nhiên, bà Đinh Thị Chớ luôn trăn trở rằng, hiện nay, trong cuộc sống hiện đại, có nhiều loại vải đa dạng về chất liệu nên thường được các thanh niên trẻ tuổi trong thôn làng sử dụng. Trong khi đó, sản phẩm dệt bị thu hẹp nguồn tiêu thụ nên nhiều phụ nữ trong thôn đã dần bỏ nghề để đi làm rẫy hoặc chọn nghề khác để mưu sinh. Vì vậy, theo thời gian, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc đang ngày càng bị mai một. Đó là lý do mà bà Chớ luôn suy nghĩ, phải làm sao để gìn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống Bana. Theo lãnh đạo địa phương, bà Đinh Thị Chớ là một trong những phụ nữ giữ gìn nghề dệt thổ cẩm Bana. Nhiều năm qua, bà Chớ vẫn luôn miệt mài duy trì nghề dệt, tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ đời sống sinh hoạt và bán ra thị trường. Bà nhiều lần đạt được nhiều thành tích cao khi đại diện cho huyện An Lão tham gia các cuộc thi dệt thổ cẩm do tỉnh tổ chức. Trong thời gian tới, xã An Toàn sẽ tiếp tục chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể vận động người dân tiếp tục duy trì nghề dệt; đồng thời truyền dạy lại nghề dệt thổ cẩm cho thế hệ con cháu tiếp tục giữ gìn và phát triển./.