Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/7/2023 của Chính phủ về phát triển hợp tác xã nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Thứ ba - 04/06/2024 08:48
UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 108/KH-UBND về triển khai thực hiện Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/7/2023 của Chính phủ về phát triển hợp tác xã nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Mục đích nhằm cụ thể hóa, triển khai thực hiện có hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp tại Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/7/2023 của Chính phủ về phát triển hợp tác xã nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; khuyến khích, tạo điều kiện đẩy mạnh phát triển HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, tạo sự chuyển biến rõ nét, thực chất về phát triển HTX nông nghiệp, tác động tích cực đến quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành phổ biến, quán triệt Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/7/2023 của Chính phủ về phát triển hợp tác xã nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới tới toàn thể người dân, các tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị - xã hội; ưu tiên các nguồn lực, tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển hợp tác xã nông nghiệp tại kế hoạch này.
Kế hoạch xác định mục tiêu chung là: Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) theo định hướng phát triển bền vững; ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; ưu tiên phát triển HTXNN gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; mở rộng quy mô, thu hút nông dân, người sản xuất, kinh doanh nông nghiệp tham gia, đưa HTXNN trở thành mô hình kinh tế - xã hội quan trọng ở khu vực nông thôn; góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng; tăng thu nhập cho người nông dân; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo điều kiện, động lực thu hút đầu tư, đẩy mạnh tái cơ cấu 2 ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Các mục tiêu cụ thể đến năm 2025, gồm: (1) Số lượng HTXNN đạt loại tốt, khá, chiếm từ 60% trở lên trong tổng số HTX NN trên địa bàn tỉnh; (2) Xây dựng ít nhất 05 mô hình HTXNN điển hình hoạt động hiệu quả, có nhiều thành viên tham gia; doanh thu bình quân/HTXNN đạt từ 05 tỷ đồng/năm trở lên; (3) Mở rộng số lượng thành viên, quy mô kinh doanh, thông qua các hình thức liên kết, hợp tác giữa các HTXNN; vận động thêm khoảng 200 hộ nông, lâm, nghiệp trên địa bàn tham gia là thành viên HTXNN; (4) Giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích sản xuất nông nghiệp tăng khoảng 10% so với cùng kỳ; doanh thu tăng ít nhất 10% so với cùng kỳ; khoảng 30% HTXNN có liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; (5) Thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phấn đấu có khoảng 40 HTXNN ứng công nghệ cao, áp dụng biện pháp thực hành nông nghiệp tốt (GAP), kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; (6) Có khoảng 10% cán bộ quản lý HTXNN (Ban giám đốc, thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát) được đào tạo nghề giám đốc HTXNN theo chương trình đào tạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ sở đào tạo khác; ưu tiên đào tạo lực lượng cán bộ trẻ, cán bộ nữ tham gia quản lý, điều hành HTXNN; (7) Hình thành mạng lưới khuyến nông, tổ khuyến nông cộng đồng, các tổ chức, cá nhân có đủ năng lực, kinh nghiệm tham gia tư vấn, hỗ trợ phát triển HTXNN.
Các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Kế hoạch, gồm: (1) Xây dựng mô hình HTXNN phát triển bền vững, hoạt động hiệu quả, phù hợp với đặc thù từng lĩnh vực, ngành hàng, sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương; (2) Rà soát, nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kịp thời đề xuất, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển HTXNN; (3) Tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho phát triển bền vững HTXNN; (4) Đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, năng lực quản trị cho cán bộ quản lý, thành viên HTXNN; (5) Đẩy mạnh thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển HTXNN; (6) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và hỗ trợ phát triển HTXNN; (7) Nâng cao vai trò cấp ủy Đảng, Chính quyền, Mặt trận, Liên minh Hợp tác xã và các tổ chức chính trị - xã hội; (8) Các sở, ngành có liên quan; (9) UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có vướng mắc phát sinh các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố kịp thời báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết theo đúng quy định.

 

Tác giả bài viết: Đình Tưởng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây