Quan tâm đời sống người có công với cách mạng thuộc diện hộ nghèo
Thứ tư - 11/09/2019 00:45
Theo thống kê, hiện nay toàn huyện An Lão còn 151 hộ người có công với cách mạng thuộc diện hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,82% trên tổng số hộ nghèo toàn huyện. Trong đó: đối tượng là thương binh, bệnh binh 117 hộ, người có công với cách mạng 29 hộ, người nhiễm chất độc hóa học 05 hộ. Nguyên nhân nghèo là do già yếu, không đủ sức lao động; thường xuyên đau ốm, bệnh hiểm nghèo; đông nhân khẩu, không có việc làm ổn định.
Theo Kế hoạch thực hiện công tác giảm nghèo đối với hộ người có công với cách mạng trên địa bàn huyện An Lão phấn đấu đến năm 2020 trên địa bàn huyện không còn hộ người có công thuộc diện nghèo, 100% hộ người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú. Để đạt được mục tiêu trên, Huyện triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo nhằm cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công với cách mạng, đồng thời đề ra các nhóm giải pháp cụ thể, trong đó: vận động ghép hộ người có công với hộ con, cháu, anh chị em ruột. UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về quyền của người cao tuổi; trách nhiệm, nghĩa vụ của con cháu đối với ông bà, cha mẹ, giao trách nhiệm cho UBMTTQ và các đoàn thể Hội Phụ nữ, Nông dân, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh địa phương trực tiếp tuyên truyền, vận động gia đình cùng chung tay với chính quyền trong công tác chăm sóc người có công với cách mạng. Đối với những hộ có khả năng thoát nghèo, huyện thực hiện đồng bộ các chính sách an sinh xã hội để các hộ vươn lên thoát nghèo, cụ thể: Hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động. Phòng Lao động - TB&XH chủ trì phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - GDTX huyện, UBND các xã tạo điều kiện hỗ trợ đào tạo nghề (nếu có nhu cầu), giới thiệu việc làm phù hợp với sức khỏe, năng lực của gia đình để tăng thu nhập nâng cao đời sống ổn định cuộc sống, sinh hoạt từ đó vươn lên thoát nghèo; Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo, hỗ trợ tín dụng ưu đãi. Cụ thể, Phòng Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với Phòng Lao động - TB&XH, Ngân hàng CSXH huyện, các tổ chức hội, đoàn thể và UBND các xã, thị trấn tạo điều kiện hỗ trợ các gia đình về cây, con giống, vốn và hướng dẫn các hộ về kỹ thuật nuôi trồng để người có công tự tạo việc làm từ đó có thu nhập cải thiện đời sống sinh hoạt cho bản thân và gia đình thoát nghèo. Hỗ trợ hộ gia đình chính sách xây dựng nhà ở trên địa bàn huyện Trong công tác hỗ trợ nhà ở, Phòng Lao động - TB&XH chủ trì phối hợp với Phòng Kinh tế - Hạ tầng, UBND các xã, thị trấn và các đơn vị có liên quan xây dựng phương án huy động nguồn lực từ các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân và chính quyền địa phương hỗ trợ các gia đình người có công thuộc hộ nghèo cải tạo nhà ở đảm bảo cuộc sống, sinh hoạt vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, còn phối hợp với Bảo hiểm xã hội huyện và các đơn vị liên quan hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế cho thân nhân chủ yếu của người có công với cách mạng. Những hộ không có khả năng thoát nghèo, huyện huy động các nguồn lực xã hội hóa, các doanh nghiệp, tổ chức, đoàn thể hỗ trợ, chăm sóc, phụng dưỡng. Mỗi đơn vị phụ trách một hộ hoặc hỗ trợ bằng tiền để trợ cấp cho các hộ nhằm nâng cao mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của khu dân cư. Để thực hiện tốt các mục tiêu và giải pháp trên, UBND huyện đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng phòng, ban, ngành, đoàn thể, UBND xã, thị trấn. Thông qua thực hiện công tác giảm nghèo đối với hộ người có công với cách mạng nhằm nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và tầng lớp nhân dân trong công tác giảm nghèo đối với hộ người có công trên địa bàn huyện./.