Theo đó, có một số thay đổi quan trọng kể từ ngày 25/6/2019 (có hiệu lực thi hành) liên quan cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố như sau:
1. Giảm số lượng cán bộ, công chức cấp xã
Theo Nghị định mới này, số lượng cán bộ, công chức cấp xã được giảm xuống chỉ còn:
a) Loại 1: Tối đa 23 người (trước đây là 25 người)
b) Loại 2: Tối đa 21 người (trước đây là 23 người)
c) Loại 3: Tối đa 19 người (trước đây là 21 người).
UBND cấp tỉnh có thể bố trí số lượng cán bộ, công chức cấp xã bằng hoặc thấp hơn số lượng nêu trên, nhưng phải bảo đảm đúng với chức danh quy định và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Đối với xã, thị trấn bố trí Trưởng Công an xã là công an chính quy thì số lượng cán bộ, công chức nêu trên giảm 01 người.
Số lượng cán bộ, công chức cấp xã bao gồm cả cán bộ, công chức được luân chuyển, điều động, biệt phái về cấp xã…
2. Thay đổi cách thức thi tuyển vào công chức cấp xã
Việc thi tuyển công chức cấp xã được thực hiện theo 02 vòng như sau:
a) Vòng 1: Thi trắc nghiệm trên máy tính (địa phương nào chưa có điều kiện thì thi trên giấy);
Nội dung thi gồm:
- Kiến thức chung 60 câu hỏi về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước… Thời gian thi 60 phút;
- Tin học: 30 câu hỏi về kiến thức cơ bản, kỷ năng ứng dụng tin học văn phòng và nhiệm vụ chuyên môn. Thời gian thi 30 phút.
Lưu ý: Nếu thi trên máy tính thì nội dung thi trắc nghiệm không có phần thi Tin học.
b) Vòng 2: Thi nghiệp vụ chuyên ngành
Thi kiến thức, năng lực, kỹ năng thực thi công vụ của người dự tuyển dưới hình thức phỏng vấn hoặc thi viết.
- Nếu thi phỏng vấn: Thi 30 phút;
- Nếu thi viết: Thi 180 phút.
Trước đây, thi tuyển vào công chức cấp xã cũng trải qua 03 môn thi: Kiến thức chung, Nghiệp vụ chuyên ngành và Tin học văn phòng nhưng không chia thành 02 vòng thi. Trong đó, thi kiến thức chung theo hình thức thi viết, không phải thi trắc nghiệm; thi nghiệp vụ chuyên ngành theo hình thức thi viết hoặc trắc nghiệm, không thi theo hình thức phỏng vấn.
3. Có bằng giỏi được tuyển thẳng vào công chức cấp xã
Các đối tượng sau được tuyển vào công chức cấp xã mà không cần trải qua thi tuyển, xét tuyển:
- Người tốt nghiệp đại học loại giỏi ở trong nước hoặc loại khá trở lên ở nước ngoài, có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với chức danh công chức cần tuyển dụng;
- Người có trình độ từ đại học trở lên có chuyên ngành đào tạo phù hợp với chức danh công chức cần tuyển dụng, có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và có ít nhất 05 năm công tác trong lĩnh vực cần tuyển dụng.
Trước đây, tại Nghị định số 112/2011/NĐ-CP các đối tượng nêu trên chỉ được miễn thi tuyển vào công chức cấp xã, nhưng theo Nghị định số 34/2019/NĐ-CP này, các đối tượng không chỉ được miễn thi tuyển mà còn được miễn cả xét tuyển.
4. Nhiều đối tượng được ưu tiên tuyển dụng vào cấp xã
Theo đó, có tới 21 đối tượng được ưu tiên trong thi tuyển và xét tuyển công chức cấp xã: Anh hùng lực lượng vũ trang; Anh hùng lao động; Thương binh; Người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B; Người dân tộc thiểu số; Sĩ quan quân đội; Sĩ quan công an; Quân nhân chuyên nghiệp; Người làm công tác cơ yếu chuyên ngành; Con liệt sĩ; Con thương binh; Con bệnh binh; Con của người hưởng chính sách như thương binh; Con của thương binh loại B; Con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; Con Anh hùng Lực lượng vũ trang; Con Anh hùng Lao động; Người hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ phục vụ có thời hạn trong lực lượng công an nhân dân; Đội viên thanh niên xung phong; Đội viên trí thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn, miền núi; Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã từ đủ 24 tháng trở lên đã hoàn thành nhiệm vụ.
Với cách thức thi tuyển mới, điểm ưu tiên dành cho các đối tượng này sẽ được cộng vào kết quả điểm thi tại vòng 2. Trường hợp thuộc nhiều diện ưu tiên thì chỉ được cộng điểm ưu tiên cao nhất.
5. Thay đổi cách tính lương, phụ cấp cho nhiều công chức cấp xã
a) Về xếp lương:
- Cán bộ cấp xã đang hưởng chế độ hưu trí hoặc trợ cấp mất sức lao động, ngoài hưởng lương hưu hoặc trợ cấp mất sức lao động hiện hưởng được hưởng thêm một khoản phụ cấp bằng 100% mức lương bậc 1 của chức danh hiện đang đảm nhiệm và không phải đóng BHXH, BHYT (trước đây chỉ được hưởng 90%).
- Cán bộ, công chức cấp xã đã được xếp lương theo một trong các ngạch công chức hành chính, sau đó có thay đổi về trình độ đào tạo phù hợp với chức danh đảm nhiệm thì được xếp lương theo trình độ đào tạo, kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp (quy định mới).
b) Về phụ cấp kiêm nhiệm:
Cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm chức danh mà giảm được 01 người trong số lượng quy định, thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm gồm 50% mức lương bậc 1 cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo của chức danh kiêm nhiệm (trước đây chỉ được 20% mức lương hiện hưởng).
6. Xóa bỏ chế độ phụ cấp theo loại xã
Trước đây, cán bộ theo loại xã được hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung và hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có) với mức 10% (đối với cán bộ cấp xã loại 1) và 5% (đối với cán bộ cấp xã loại 2).
Nay theo Nghị định số 34/2019/NĐ-CP, chế độ phụ cấp này được xóa bỏ.
7. Ấn định mức phụ cấp với Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân phố
Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố có không quá 03 người được hưởng phụ cấp hàng tháng và chỉ áp dụng với các chức danh: Bí thư Chi bộ; Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng Tổ dân phố và Trưởng Ban công tác Mặt trận.
Ngân sách Nhà nước sẽ thực hiện khoán quỹ phụ cấp bằng 3 lần mức lương cơ sở để chi trả hàng tháng với các đối tượng nêu trên.
Nghị định cũng nói rõ thêm, trường hợp thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên, thôn thuộc xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; thôn thuộc xã biên giới hoặc hải đảo được khoán quỹ phụ cấp bằng 5 lần mức lương cơ sở./.
Tác giả bài viết: Hoàng Nam Quốc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn