Mùa đót nở bông

Thứ hai - 13/03/2023 16:11
Đến hẹn lại lên, khi những vạt đót ven sườn đồi nở rộ cũng là lúc người dân miền núi An Lão tranh thủ đi bẻ bông đót, một thứ “lộc rừng” giúp bà con có thêm thu nhập.
Đến huyện miền núi An Lão trong khoảng thời gian này dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân ôm những bó bông đót còn tươi đem ra phơi nắng ven đường.
Mùa đót nở bông
Tranh thủ buổi mai trời nắng, chị Đinh Thị Thai, ở thôn 4, xã An Dũng, đem những bó bông đót bẻ được trước đó ra phơi. Cẩn thận trải những bó đót ra khoảng sân trước nhà, chị Thai cho biết, thời gian bẻ đót thích hợp nhất là khoảng đầu tháng 2 đến cuối tháng 3 dương lịch. Khi đó bông đót chưa già nên dễ bán và được giá cao. Trung bình mỗi ký đót tươi được thương lái mua với giá 6.000 - 7.000 đồng; đót khô có giá dao động 18 - 20 nghìn đồng/kg tùy theo chất lượng.
“Bây giờ người ta trồng cây keo nhiều nên phải đi xa vào trong rừng mới có đót. Tuy vất vả nhưng mỗi ngày hái được từ 40 – 50 kg đót tươi, cũng thu về được 250 – 350 nghìn đồng, có thu nhập nên cũng rất phấn khởi” - chị Thai chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Dung - chủ cơ sở thu mua nông sản tại xã An Tân cho biết: Mùa này bông đót nở rộ, được giá, nhưng thời tiết mưa nhiều nên cũng ảnh hưởng đến việc mua bán đót của người dân. Bông đót tươi khi bẻ về không được phơi nắng ngay sẽ dễ lên mốc, úa vàng nên bà con ít đi bẻ và giá bán không được cao. Hy vọng, thời gian tới, nắng ráo để bà con đi bẻ đót có thêm nguồn thu nhập”. Cũng theo bà Dung, bông đót ở An Lão chất lượng và đẹp nên được các cơ sở thu mua dưới xuôi rất chuộng.
Trước đây, đi bẻ đót đem lại thu nhập cao nên cứ tới mùa là nhiều học sinh nghỉ học theo chân ba mẹ lên rừng bẻ đót. Để hạn chế tình trạng trên, mấy năm nay chính quyền và các đơn vị trường học trên địa bàn huyện đã tập trung vận động phụ huynh không cho học sinh đi theo bẻ đót, hoặc chỉ cho con em đi theo vào những ngày nghỉ trong tuần…
Dẫu biết công việc bẻ bông đót là “thời vụ”, nhưng nói như cách suy nghĩ của chị Thai là mùa bẻ đót không giúp bà con giàu mà đơn giản những tháng có bông đót bữa cơm bà con miền núi đầy đủ hơn một tí, có thêm một tí tiền để trang trải trong cuộc sống.
Ngoài khai thác tự nhiên, vài năm gần đây, người dân miền núi An Lão lấy gốc đót ở trên núi về trồng mang lại hiệu quả kinh tế và giải quyết việc làm khá tốt. Với không ít địa phương và đồng bào dân tộc ở miền núi, cây đót đã trở thành cây xóa đói giảm nghèo trên các vùng đất cằn cỗi.

 

Tác giả bài viết: DD

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây