Thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp do địa phương phát động, những năm qua trên địa bàn huyện An Lão có nhiều nông dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng thích hợp, có đầu ra ổn định. Trong đó, điển hình như mô hình trồng dừa xiêm của hộ ông Lê Văn Khoa, ở thôn Thanh Sơn, xã An Tân bước đầu đã mang lại nguồn thu nhập kinh tế ổn định. Đến nhà ông Lê Văn Khoa đập vào mắt tôi là vườn dừa xanh mát với những buồng dừa nặng trĩu. Cùng tôi đi thăm vườn dừa, ông Lê Văn Khoa tâm sự: Trước đây, trên diện tích 1ha đất vườn của gia đình chuyên trồng cây chè tươi. Sau nhiều năm cây chè già cỗi cộng với ảnh hưởng hạn, làm cây chè chết dần dẫn đến hiệu quả thu nhập kinh tế thấp. Vào đầu năm 2016, nhận thấy mô hình trồng dừa xiêm phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương, tôi quyết định chuyển toàn bộ diện tích đất sang trồng dừa xiêm với gần 300 gốc, trong đó được địa phương hỗ trợ 50% kinh phí mua giống. Lúc bắt đầu trồng ông Khoa rất lo lắng về đầu ra, nhưng sau 05 năm trồng, chăm sóc dừa đã cho trái, mỗi buồng có từ 12 - 15 trái, thương lái ở địa phương tìm đến tận vườn để thu mua. Hai tháng thu hoạch dừa tươi một đợt, mỗi đợt khoảng 3.000 trái dừa. Theo ông Khoa, vào mùa nắng nhu cầu sử dụng dừa tươi phục vụ giải khát tăng nên thương lái đến tận vườn thu mua tầm khoảng 12.000 đồng/trái, vào mùa mưa thì dừa rớt giá còn khoảng 8.000 đồng/trái, bình quân mỗi đợt sau khi trừ chi phí bón phân, chăm sóc ông có thu nhập từ 15 đến 20 triệu đồng. Ông Khoa cho biết thêm, giống dừa xiêm trồng rất hợp với thổ nhưỡng, đất đai địa phương, kỹ thuật trồng cũng đơn giản hơn so với các loại cây trồng khác, nhẹ công chăm sóc nhưng mang lại hiệu quả kinh tế khá ổn định vì cây dừa có độ tuổi từ 7 - 20 năm là thời gian sinh trưởng cho năng suất cao nhất. Ông Lê Ngọc Nam, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Tân cho biết: Thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp của UBND xã, thời gian tới Hội Nông dân xã An Tân tích cực vận động hội viên chuyển đổi từ vườn tạp sang trồng cây ăn trái, nhất là trồng dừa. Hội Nông dân xã sẽ vận động hội viên đăng ký trồng dừa và phối hợp với doanh nghiệp bao tiêu đầu ra cho nhà vườn. Có thể nói, từ hiệu quả của mô hình trồng cây dừa xiêm của nông dân Lê Văn Khoa đã và đang mở ra triển vọng mới để nông dân trên địa bàn huyện An Lão nói chung và xã An Tân nói riêng nghiên cứu, lựa chọn loại cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng và điều kiện sản xuất của gia đình để tăng thu nhập kinh tế hộ.