Giỗ Tổ Hùng Vương trong tâm thức người Việt.
Thứ ba - 20/04/2021 13:55
“Dù ai đi ngược về xuôi.
Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng Mười tháng ba.
Khắp miền truyền mãi câu ca.
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”.
Theo truyền thuyết, Hùng Vương là con của cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ, đóng đô ở Châu Phong (Nay là huyện Bạch Hạc). Hùng Vương lên ngôi, đặt quốc hiệu là nước Văn Lang (Nước ấy phía Đông giáp Nam Hải, Phía Tây đến Ba Thục, phía Bắc đến hồ Động Đình, phía Nam giáp nước Hồ Tôn, tức nước Chiêm Thành, nay là tỉnh Quảng Nam, chia nước ra làm 5 bộ là: Giao chỉ, Chu Diên, Vũ Ninh, Phúc Lộc, Việt Thường, Ninh Hải, Dương Tuyển, Lục Hải, Vũ Định, Hoài Hoan, Cửu Chân, Bình Văn, Tân Hưng, Cửu Đức, bộ gọi là Văn Lang là đô của vua. Đặt tướng văn gọi là Lạc hầu, tướng võ gọi là Lạc tướng. Con trai vua gọi là Quan Lang, con gái vua gọi là Mị Nương, quan coi việc gọi là Bồ chính. đời đời cha truyền con nối, vua các đời đều gọi là Hùng Vương. Văn Lang là nhà nước đầu tiên trong lịch sử của dân tộc Việt Nam, được cai trị bởi 18 đời vua (Theo Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên).
Ngoài ra, Hùng Vương còn là thần tổ gắn với nghề nông, dạy dân cày ruộng, cấy lúa, ban linh khí cho đất đai, nhà cửa, cây trồng, vạn vật sinh sôi nảy nở, mùa màng bội thu. Với niềm tin thành kính đó, từ hàng nghìn năm qua, hết thế hệ này qua thế hệ khác, người Việt ở vùng đất Tổ Phú Thọ, nơi có Đền Hùng linh thiêng và nhân dân trên khắp mọi miền của đất nước, cùng đông đảo người Việt Nam ở nước ngoài, đã sáng tạo, thực hành, vun đắp và lưu truyền Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương để thể hiện sự biết ơn với vị thủy tổ, mong Ngài phù hộ cho quốc thái dân an, vật thịnh, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu.
Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm tại Đền Hùng, Việt Trì, Phú Thọ. Trước đó hàng tuần, lễ hội đã diễn ra với nhiều hoạt động văn hoá dân gian và kết thúc vào ngày 10 tháng 3 âm lịch với Lễ rước kiệu và dâng hương tại Đền Thượng.
Từ xa xưa, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã có vị thế đặc biệt trong tâm thức của người Việt. Từ nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần, nhà Hậu Lê, các triều đại đều quản lý Đền Hùng theo cách giao thẳng cho dân sở tại trông nom, sửa chữa, cúng bái, làm Giỗ Tổ ngày 10/3 âm lịch. Bù lại họ được miễn nộp thuế 500 mẫu ruộng, miễn đóng sưu, miễn đi phu, đi lính.
Đến đời nhà Nguyễn vào năm Khải Định thứ 2 (1917), Tuần phủ Phú Thọ Lê Trung Ngọc đã trình bộ Lễ định ngày 10/3 âm lịch hàng năm làm ngày Quốc tế (Quốc lễ, Quốc giỗ).
Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh của Chủ tịch nước số 22/SL-CTN ngày 18/02/1946 cho phép công chức nghỉ ngày 10/3 âm lịch hàng năm để tham gia các hoạt động nhằm tưởng nhớ công lao của các vị Vua Hùng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh có hai lần về thăm Đền Hùng, đó là ngày 19/9/1954 và ngày 19/8/1962. Tại đây, Người đã có câu nói bất hủ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Người còn nhắc: “Phải chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, thêm cây cối để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm và đẹp đẽ, thành công viên lịch sử cho con cháu sau này đến tham quan”.
Ngày 02/4/2007, Quốc Hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động. Theo đó, người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Kể từ đây, ngày 10/3 âm lịch hàng năm đã trở thành ngày lễ lớn, ngày Quốc lễ mang ý nghĩa bản sắc văn hóa dân tộc.
Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm trở thành ngày hội chung của toàn dân tộc. Trong ngày này, nhân dân cả nước cùng nhau hành hương về khu di tích lịch sử Đền Hùng để tưởng nhớ Quốc Tổ. Truyền thống này khẳng định cội nguồn dân tộc, nguồn gốc của bản sắc văn hóa và đạo đức Việt Nam, đồng thời thể hiện tinh thần đại đoàn kết dân tộc và gắn kết cộng đồng, tạo nên sức mạnh vượt qua khó khăn, thử thách trong tiến trình xây dựng và phát triển Việt Nam.
Với những giá trị và ý nghĩa to lớn, ngày 06/12/2012, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã được bạn bè quốc tế biết đến khi UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc) công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Giỗ Tổ Hùng Vương còn là dịp để giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng có công dựng nước và thế hệ các ông cha đi trước đã kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước, đồng thời còn là dịp quan trọng để Việt Nam giới thiệu với bạn bè quốc tế về một di sản văn hóa giá trị, độc đáo, đã tồn tại hàng nghìn năm, ăn sâu vào tâm hồn, tình cảm, trở thành đạo lý truyền thống của dân tộc ta.
Tác giả bài viết: Dân Phạm