Đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới
Thứ hai - 19/09/2022 07:04
Công tác tuyên truyền miệng là một trong những hình thức tuyên truyền quan trọng để chuyển tải thông tin một cách nhanh chóng, chính xác, rõ ràng những vấn đề thời sự, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân; góp phần quan trọng trong định hướng tư tưởng, nâng cao niềm tin cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Nhận thức được tầm quan trọng đó, trong những năm qua, các cấp uỷ đảng trên địa bàn huyện luôn coi công tác tư tưởng nói chung, công tác tuyên truyền miệng nói riêng là một hình thức hoạt động có hiệu quả, một công cụ sắc bén để tổ chức, tập hợp quần chúng, góp phần xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Do đó, khi Chỉ thị số 17- CT/TW ngày 15/10/2007 của Ban Bí thư (khóa X) về “Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới” được ban hành, Ban Thường vụ Huyện ủy An Lão đã tổ chức triển khai, quán triệt các Nghị quyết của Trung ương tới các tổ chức cơ sở đảng và cán bộ, đảng viên; đồng thời Thường trực Huyện ủy chỉ đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy ban hành các văn bản để triển khai thực hiện như Hướng dẫn số 42-HD/BTGHU, ngày 14/02/2020, Hướng dẫn số 03-HD/BTGHU ngày 04/01/2021 về Hướng dẫn công tác tuyên truyền miệng, hoạt động của báo cáo viên, các quyết định thành lập đội ngũ Báo cáo viên Huyện ủy, Quy chế hoạt động báo cáo viên của Đảng, các quyết định của Đảng ủy các xã, thị trấn về thành lập đội ngũ tuyên truyền viên và quy chế hoạt động... Thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo từng bước đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động của công tác tuyên truyền miệng cũng như xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác tư tưởng trong tình hình mới, góp phần tăng cường sự gắn bó giữa các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên với nhân dân. Đội ngũ báo cáo viên của huyện Ban Thường vụ Huyện ủy An Lão luôn quan tâm chỉ đạo củng cố, kiện toàn đội ngũ Báo cáo viên cấp huyện theo hướng bảo đảm số lượng, chất lượng, thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền miệng. Hiện nay đội ngũ báo cáo viên cấp huyện gồm 30 đồng chí và tuyên truyền viên cơ sở có 81 đồng chí. Nhìn chung, đội ngũ báo cáo viên cấp huyện và tuyên truyền viên cơ sở có trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức lối sống trong sáng, lành mạnh, gương mẫu, trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nắm vững đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có kỹ năng nghiệp vụ tuyên truyền miệng, có ý thức tổ chức kỷ luật cao, đặc biệt là kỷ luật phát ngôn của Đảng; đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị của huyện, là lực lượng quan trọng trên mặt trận tư tưởng. Nổi bật trong công tác tuyên truyền miệng là đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền, nâng cao khả năng sử dụng công nghệ thông tin. Để đạt hiệu quả trong công tác tuyên truyền, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên luôn nắm bắt tình hình dư luận xã hội, định hướng tư tưởng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thông qua các hội nghị tuyên truyền. Cùng với đó, nhiều Báo cáo viên cấp huyện, tuyên truyền viên cơ sở đã đổi mới hình thức tuyên truyền, nội dung đa dạng, phong phú hiệu quả; ngắn gọn gắn với nhiệm vụ chính trị và yêu cầu thực tiễn cơ sở, phù hợp đối tượng người nghe. Trong đó, chú trọng thông tin về những văn kiện, nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những sự kiện chính trị quan trọng trong nước và quốc tế, những vấn đề mà xã hội và nhân dân quan tâm. Chủ động đổi mới phương pháp cung cấp thông tin theo hướng nâng cao tính thời sự, tính tư tưởng, tính chiến đấu, tính khoa học và tính thiết thực gắn với thực tiễn địa phương. Công tác tổ chức Hội nghị thông tin và Hội nghị báo cáo viên cấp huyện luôn được cấp ủy quan tâm, duy trì thường xuyên theo định kỳ hàng tháng một lần. Nội dung thông tin được luôn được đổi mới, phong phú, kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn của huyện, địa phương, đơn vị. Việc tổ chức hội nghị Hội nghị thông tin và Hội nghị báo cáo viên hằng tháng đã giúp các đồng chí Báo cáo viên, tuyên truyền viên đã được cung cấp kịp thời thông tin, tư liệu phục vụ cho công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách, pháp luật, những vấn đề mang tính thời sự của Trung ương và địa phương. Ngoài việc chú trọng đến công tác củng cố, xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp, thường xuyên đổi mới phương pháp tuyên truyền thì cơ chế, chính sách và các điều kiện đảm bảo hoạt động công tác tuyên truyền miệng cũng rất được quan tâm. Đối với đội ngũ báo cáo viên cấp huyện: Thực hiện chế độ phụ cấp theo Hướng dẫn số 06-HD/TCTW-BTGTW, ngày 15/8/2011 của Liên Ban Tổ chức Trung ương và Tuyên giáo Trung ương về “Thực hiện chế độ phụ cấp trách nhiệm đối với báo cáo viên các cấp”, trong đó phụ cấp báo cáo viên cấp huyện 0,2 % mức lương tối thiểu. Đối với đội ngũ tuyên truyền viên của cấp uỷ cơ sở và chi bộ trực thuộc đảng uỷ cơ sở căn cứ vào hướng dẫn của Trung ương và tình hình thực tế của địa phương, đơn vị đã vận dụng hỗ trợ chế độ bồi dưỡng đảm bảo phù hợp, đúng chế độ chính sách. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền miệng ở huyện An Lão vẫn còn một số hạn chế cần phải khắc phục. Trên thực tế, vẫn có không ít cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa thấy hết được vị trí, vai trò quan trọng của công tác tuyên truyền miệng, chưa quan tâm trực tiếp đến đội ngũ báo cáo viên. Chất lượng của đội ngũ báo cáo viên chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, một số báo cáo viên chưa đủ lý luận để giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra trong quá trình công tác, đặc biệt là các báo cáo viên cơ sở. Báo cáo viên chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm nên còn chủ yếu tập trung vào nhiệm vụ chuyên môn. Công tác tuyên truyền còn mang tính một chiều, thiếu đối thoại và giải quyết chậm các thông tin phản hồi. Kinh phí và các điều kiện phục vụ cho hoạt động tuyên truyền miệng còn hạn chế. Việc kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm đối với công tác tuyên truyền miệng chưa được quan tâm… Trước những đòi hỏi của công tác tư tưởng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, công tác tuyên truyền miệng cần phải được đổi mới, nâng cao tính thuyết phục, tính hiệu quả nhằm phát huy các ưu thế của loại hình tuyên truyền miệng, của đội ngũ báo cáo viên để cùng với các kênh thông tin, tuyên truyền khác tạo nên sức mạnh tổng hợp, nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng. Để tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới, Ban Thường vụ Huyện ủy đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp như sau: Thứ nhất, các cấp ủy, tổ chức đảng phải nhận thức đầy đủ, xem công tác tuyên truyền miệng là trách nhiệm của cả hệ thông chính trị, trước hết là người đứng đầu cấp ủy. Mọi cán bộ, đảng viên phải trực tiếp tham gia tuyên truyền, vận động, giải thích đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước cho quần chúng nhân dân. Thứ hai, cần phải tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên với phương châm “Hướng về cơ sở”. Tăng cường đối thoại, giải đáp kịp thời những băn khoăn, vướng mắc của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Thông qua cơ sở giúp cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên bám sát thực tiễn, củng cố thêm lý luận, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân, kịp thời phản ánh với cấp ủy của đảng, chính quyền để đề ra các chủ trương, chính sách thích hợp. Thứ ba, tiếp tục kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Ban Tuyên giáo các cấp, mặt trận tổ quốc, các đoàn thể cần chủ động tham mưu giúp cấp ủy cùng cấp tiếp tục rà soát, củng cố đội ngũ báo cáo viên theo hướng tinh gọn, hiệu quả, chất lượng. Đội ngũ Báo cáo viên, tuyên truyền viên phải là những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, có uy tín và năng lực công tác, khả năng đối thoại, thuyết phục người nghe và thực sự là cầu nối giữa các tổ chức đảng, chính quyền với nhân dân. Thứ tư, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên. Hằng năm tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên. Tăng cường đầu tư phương tiện, kinh phí hoạt động cho công tác tuyên truyền miệng, hoạt động của báo cáo viên, tuyên truyền viên. Thứ năm, chú trọng việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác phối hợp tuyên truyền nhằm góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết những vấn đề bức xúc nãy sinh ngay từ cơ sở. Kiên quyết đầu tranh với những âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng và các quan điểm sai trái, lệch lạc, phản động.