Ấm no với nghề làm bánh tráng mì

Thứ sáu - 24/12/2021 08:08
Mỗi cái bánh tráng mì chỉ có giá vài nghìn đồng nên chẳng mấy ai dám nghĩ cái nghề thu từng cắc lẻ ấy lại giúp cho nhiều người dân thôn Hưng Nhượng, xã An Hòa có được cuộc sống ấm no sau nhiều năm miệt mài, gắn bó giữ nghề ông cha để lại.
Ấm no hơn từ làng nghề
Thôn Hưng Nhượng có hơn mấy mươi hộ làm nghề sản xuất bánh tráng mì, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động địa phương. Ngoài việc giữ lại các hương vị và cách làm truyền thống, hộ còn chú trọng đến chất lượng, đa dạng về sản phẩm để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng.
d

Để chiếc bánh tráng mì có được thương hiệu như ngày hôm nay, những hộ làm bánh tráng mì ở đây một mặt vừa phải gìn giữ những kinh nghiệm quý báu của ông cha, một mặt chịu khó học hỏi, tiếp thu những công nghệ làm bánh tráng hiện đại.
Đó là sự tinh tế trong việc lựa chọn loại bột mì phù hợp, sự chuẩn mực trong việc pha chế bột với các nguyên liệu để chiếc bánh có độ dai, dẻo và khéo léo trong các công đoạn tráng, xếp cho những chiếc bánh trở nên phẳng rồi mới được đóng gói đem bán đến tay người tiêu dùng.
Được biết, nguyên liệu chính để làm bánh tráng là bột mì, nước, muối..., tùy mỗi lò tráng bánh mà chủ nhân có thể gia giảm, pha bột và nêm vào một lượng muối thích hợp để chế biến ra một loại bánh tráng vị vừa ăn và có độ dẻo.
Quy trình làm bánh tráng cũng rất đơn giản, sau khi được pha chế ở dạng sệt, nguyên liệu sẽ được người thợ làm bánh tráng lên tấm vải được đun nóng. Hơi nóng sẽ làm cho phần nguyên liệu tiếp xúc trực tiếp với tấm vải dính lại, khoảng 10 giây sau, sản phẩm chín, người làm bánh sẽ bóc lá bánh ra, xếp lên các vĩ tre và đem phơi nắng. Nếu gặp lúc nắng tốt, nắng đều thì chỉ sau 30 phút là bánh tráng khô và có màu trắng đều, rất đẹp.
Không thể phủ nhận, làng quê nghèo ngày nào nay đã có cuộc sống ổn định hơn từ nghề làm bánh tráng mì. Gia đình chị Trần Thị Phương Thảo là một trong những hộ sản xuất bánh tráng mì lâu năm ở đây. Chị Thảo chia sẻ, vào ngày thường, gia đình chị làm và bán khoảng 400 – 500 cái mỗi ngày, thu nhập trung bình 300.000 – 400.000 đồng/ngày, nhưng vào mỗi dịp Tết đến, năng suất có thể tăng lên trên 1.000 cái/ngày. Bánh của gia đình chị bỏ mối cho các chợ trong và ngoài huyện.
Cần giữ gìn và phát huy làng nghề
Có thể nói, mặc dù trên thị trường hiện nay xuất hiện nhiều loại bánh tráng được làm theo phương thức công nghiệp, mẫu mã bắt mắt và đa dạng, nhưng bánh tráng mì ở An Lão vẫn mang trong mình những đặc trưng riêng biệt bởi chất chứa trong đó không chỉ bí quyết mà nó còn là giá trị văn hóa, ẩm thực, được làm từ bàn tay tảo tần của người dân nơi đây. Đó cũng chính là lý do để làng nghề bánh tráng mì An Lão tồn tại và phát triển trong suốt những năm qua.
Miếng bánh tráng thảo thơm từ bàn tay tảo tần, chuyên cần của người dân thôn Hưng Nhượng chắc chắn sẽ còn xuất hiện nhiều hơn trong từng bữa ăn của nhiều gia đình bởi dư vị ngọt ngào mà nó mang lại. Thứ quà quê, vốn đơn thuần chỉ là món ăn dân dã nhưng chắc chắn sẽ trở thành một đặc sản riêng độc đáo của huyện An Lão nếu như biết quan tâm và chọn cho nó một cách đi đúng hướng./.

 

Tác giả bài viết: DD

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây