Nghề may gia công tạo việc làm cho nữ lao động nông thôn

Thứ sáu - 26/07/2019 19:16
Không cần mở tiệm, cũng không cần biển hiệu, nhưng nhiều chị em trên địa bàn huyện An Lão vẫn “sống khỏe” với nghề may quần áo, giày dép, tới túi xách… ngay tại nhà mình.
Nghề may gia công tạo việc làm cho nữ lao động nông thôn
Gia đình chị Nguyễn Thị Vân (Thôn Hưng Nhơn, TT An Lão) trước đây chủ yếu sống dựa vào nghề nông (trồng trọt và chăn nuôi heo). Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, do ảnh hưởng của thời tiết cũng như dịch bệnh, giá cả xuống thấp nên thu nhập mang lại từ nghề nông không đủ trang trải cuộc sống cho gia đình. Đang loay hoay không biết làm thêm nghề gì để trang trải cuộc sống thì giữa năm 2017, chị được một người quen giới thiệu nghề may gia công tại nhà. Thấy công việc khá phù hợp, vợ chồng chị đã đầu tư mua máy may và nhận sản phẩm từ TP. Hồ Chí Minh về gia công. “Thời còn thanh niên, vợ chồng tôi đã từng làm nghề may gia công tại Sài Gòn, tuy nhiên do áp lực về việc thuê nhà và chi tiêu ở thành phố lớn nên vợ chồng tôi đã về quê lập nghiệp bằng nghề nông. Tuy nhiên, thời gian gần đây, giá cả nông sản bấp bênh nên vợ chồng tôi đã làm thêm nghề may gia công tại nhà để có nguồn thu nhập ổn định”- chị Vân chia sẻ.
Chị Vân cho biết: “Nghề may gia công không khó, chỉ cần chịu khó học hỏi, nắm vững tay nghề. Nghề này không gò bó như làm công nhân may tại các công ty, xí nghiệp nên có thể vừa làm, vừa chăm sóc gia đình. Để làm ra một sản phẩm may mặc cần phải qua nhiều công đoạn, như: cắt vải, ráp đô, túi, se lai, vắt sổ, may… nên cần rất nhiều lao động. Chị em tới xưởng của tôi làm thì nhận lương theo hiệu quả lao động. Ai làm được nhiều thì sẽ hưởng nhiều, nên các chị em rất chịu khó học hỏi và hăng hái làm việc”.
Trung bình mỗi tháng, cơ sở của chị Vân nhận gia công hàng nghìn sản phẩm may mặc, chủ yếu là áo, váy trẻ em. Những lúc cao điểm như lễ, Tết, đơn hàng nhiều, chị phải huy động thêm thợ may tại địa phương. Đây là điều kiện thuận lợi để các lao động nữ có thu nhập cao lúc nghề nông nhàn rỗi. Đến nay, tổ may gia công của chị có 10 nhân công, mức thu nhập từ 2-4 triệu đồng/tháng.
Ở một số tổ may khác, với đồng vốn ít ỏi chưa đầy chục triệu đồng, các chị chịu khó săn lùng mua máy may, máy vắt sổ, máy ủi công nghiệp loại cũ, do các công ty may lớn bán ra, giá chỉ chừng 1 – 1,2 triệu đồng/máy; thậm chí có chị mua được với giá cực rẻ 3,5 triệu đồng/10 máy, giải quyết việc làm cho 10-12 lao động. Hầu hết ngoài việc đến may ở xưởng, các chị còn nhận hàng về nhà làm. Nhất là các sản phẩm cần hoàn tất các công đoạn cho hàng may mặc xuất khẩu, hoặc may hàng bán sẵn cho các cửa hiệu thời trang. Thậm chí, có người khéo tay, tuy không quảng cáo, không treo biển hiệu nhưng vẫn có khá đông khách hàng tìm đến, chủ yếu là người quen hoặc được giới thiệu qua bạn bè.

Hiện trên địa bàn huyện An Lão đã có hàng chục cơ sở may gia công đang hoạt động nhộn nhịp, giải quyết cho hàng trăm lao động nữ của địa phương. Nghề may gia công dễ học, dễ làm và có lợi thế là tiện sắp xếp thời gian để đưa đón con và chăm lo cho gia đình.
Không chỉ giải quyết việc làm cho phụ nữ nông thôn, các cơ sở may gia công trên địa bàn huyện An Lão cũng thu hút nhiều lao động nữ xa quê có động lực trở về làm việc. Nhận thấy mô hình may gia công phát triển tích cực, giúp phụ nữ nông thôn nâng cao thu nhập, Hội LHPN huyện An Lão đã tạo điều kiện mở các lớp học may cho chị em; đồng thời, phối hợp với các ngành và doanh nghiệp giúp các cơ sở gia công có nguồn thu ổn định và có điều kiện thuê lao động làm việc lâu dài.
Có thể nói, may gia công không chỉ là nghề ít vốn, dễ làm mà đó còn là một nghề phù hợp với nhiều chị em phụ nữ, nhất là những trường hợp vừa cần có thời gian để chăm lo cho gia đình, vừa cần có tiền để ổn định cuộc sống.
 

Tác giả bài viết: DD

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây