TIẾN TỚI KỶ NIỆM 55 NĂM CHIẾN THẮNG AN LÃO (07/12/1964 – 07/12/2019)

Thứ hai - 02/12/2019 17:37
Năm 2019, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong huyện đẩy mạnh các hoạt động chào mừng kỷ niệm 55 năm Chiến thắng An Lão (07/12/1964 – 07/12/2019. )Trang thông tin Điện tử UBND huyện đăng tải nội dung tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Huyện ủy về Sự kiện chiến thắng An Lão, kết quả và ý nghĩa lịch sử và thành tựu An Lão sau 55 năm xây dựng và trưởng thành.
TIẾN TỚI KỶ NIỆM 55 NĂM CHIẾN THẮNG AN LÃO (07/12/1964 – 07/12/2019)
Chiến thắng An Lão là mốc son khởi đầu, thể hiện ý chí cách mạng tiến công và sức mạnh vô địch của quân và dân trong huyện nói riêng, cả nước nói chung, đánh dấu sự trưởng thành to lớn của sự nghiệp đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, là kết quả tổng hợp của sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, làm chói ngời thêm trang sử hào hùng của quân và dân trong huyện.
Kỷ niệm 55 năm Chiến thắng An Lão là dịp để chúng ta ôn lại ý nghĩa lịch sử và thời đại của chiến công to lớn này, khơi dậy truyền thống đấu tranh cách mạng hào hùng của quân và dân các dân tộc anh em trong huyện dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ nhằm phát huy cao độ truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí quyết chiến, quyết thắng và tinh thần sáng tạo của quân và dân trong huyện trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
I. CHIẾN THẮNG AN LÃO - MỘT TRANG SỬ HÀO HÙNG CỦA QUÊ HƯƠNG, ĐẤT NƯỚC
          An Lão là huyện vùng cao nằm về phía Tây Bắc tỉnh Bình Định, với diện tích tự nhiên: 692,02 km2. Toàn huyện có 9 xã và 1 thị trấn; dân số 27.837 người, gồm 3 dân tộc anh em Kinh, H’re và Bana cùng sinh sống.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, An Lão là vùng tự do, là hậu cứ quan trọng của cách mạng. Sau Hiệp định Giơnevơ, đất nước chia cắt làm hai miền Nam - Bắc, miền Bắc tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng Dân tộc dân chủ nhân dân.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, An Lão là căn cứ cách mạng phía Bắc của Tỉnh và Quân khu V. Do vậy, Mỹ-Diệm đã không từ bỏ mọi hình thức đàn áp dã man, chúng thực hiện chính sách 3 sạch: giết sạch, phá sạch, đốt sạch; lừa bịp để thực hiện chiến lược “Bình định nông thôn, lập ấp chiến lược”, xây dựng bộ máy Ngụy quân, ngụy quyền và chúng thực hiện những cuộc truy lùng, càn quét đẫm máu  (điển hình là vụ thảm sát Đá Bàn thuộc xã An Lạc (nay là xã An Hưng): giết chết 9 gia đình, 31 người), hòng uy hiếp tinh thần, ý chí  của quần chúng nhân dân; đồng thời chúng dồn hơn 11.000 người dân về sống chung quanh quận lỵ và dọc trục đường số 5 để tiện bề cai quản, kiểm soát.
Được sự chỉ đạo chặt chẽ của Khu uỷ khu V, Tỉnh uỷ Bình Định và của Huyện uỷ, phong trào đấu tranh chính trị, chiến tranh du kích của quân và dân An Lão ngày càng phát triển mạnh mẽ, nhằm chống lại kế hoạch dồn dân, lập ấp, bắt lính của địch; đồng thời từ đây bắt đầu xây dựng lực lượng vũ trang địa phương. Đầu năm 1960, nhân dân các xã An Bửu, An Bình (nay là An Dũng), An Phú (nay là An Vinh) tập hợp trên 1.500 người đấu tranh suốt 3 ngày với địch: không chịu làm trụ sở, không chịu dồn dân, chống bắt lính… đã bí mật tiêu diệt những tên mật vụ, ác ôn nguy hiểm có nhiều nợ máu (như tên Thể ở An Vinh, tên Nhiều ở An Toàn).
Tháng 12/1960 trận chống càn của quân và dân 3 xã: An Dân (nay là xã An Trung), An Lạc, An Ninh (nay là xã An Hưng) đã đánh bại và làm thiệt hại nặng một tiểu đoàn địch. Đầu năm 1961, địch lập kế hoạch mở đường An Lão đi BaTơ, nhưng đã bị lực lượng của ta đánh phá liên tục buộc chúng phải bỏ dở kế hoạch này.
Từ tháng 4 đến tháng 9 năm 1962, bộ đội huyện kết hợp với Tiểu đoàn 50 của Tỉnh đã giải phóng đồi Hưng Nhơn- An Hoà (nay là thị trấn An Lão), tiêu diệt 3 trung đội dân vệ, 01 đại đội bảo an, thu nhiều vũ khí và quân trang, quân dụng.
Như vậy, từ năm 1959-1964 Mỹ-Diệm tập trung lực lượng để bình định vùng An Lão, nhưng ý đồ làm chủ hoàn toàn địa bàn An Lão không thực hiện được. Những cơ sở cách mạng của ta ngày càng lớn mạnh; bộ máy ngụy quân,  ngụy quyền không quản lý, kìm kẹp được quần chúng nhân dân trong huyện; chúng không chia rẽ, ngăn cách được quần chúng nhân dân đối với Đảng, với cách mạng.
Lực lượng của ta càng đánh càng mạnh, càng dày dạn kinh nghiệm, sinh lực địch mấy năm liền bị thiệt hại lớn. Những chiến công trên mặt trận đấu tranh chính trị, binh vận và quân sự của ta đã đẩy Đế quốc Mỹ và bọn tay sai vào thế bị động. Cùng quẫn trước kế hoạch “Chiến tranh Đặc biệt” của đế quốc Mỹ thất bại và “chiến dịch Bình định nông thôn” lâm vào ngõ cụt; đảo chính trong bộ máy ngụy quyền xảy ra liên tục; ở An Lão trong 2 năm 1961, 1962 đã có 3 lần thay đổi quận trưởng; một cuộc khủng hoảng trầm trọng xảy ra đẩy chiến lược “Chiến tranh Đặc biệt” đến nguy cơ thất bại hoàn toàn. Để cứu vãn tình thế, Đế quốc Mỹ tăng cường viện trợ quân sự vào miền Nam, đồng thời phá hoại sự nghiệp xây dựng CNXH ở miền Bắc, chiến dịch dồn dân lập ấp chiến lược, bắt lính, củng cố bộ máy ngụy quân, ngụy quyền được Mỹ ráo riết thực hiện bằng mọi giá.
Tình thế cách mạng đã thay đổi, đặt quân dân miền Nam nói chung và An Lão nói riêng trước cuộc chiến tranh mới đầy thử thách. Đế quốc Mỹ và chính quyền Diệm-Nhu đã tăng cường xây dựng quận An Lão thành một cụm liên hoàn gồm: chi khu quận lỵ, 3 cứ điểm và 8 chốt điểm ấp chiến lược, chúng sử dụng lực lượng quân số gồm:
+ 02 đại đội và 2 trung đội bảo an
+ 14 trung đội dân vệ
+  01 trung đội biệt kích
+ 01 trung đội cối: 106,7 mm
+ Quân số có 884 tên (chưa kể tề Ngụy, mật thám, ác ôn).
Hệ thống đồn bót được phân bố như sau:
- Chi khu quận lỵ địch xây dựng thành một cứ điểm do một Đại đội bảo an và 2 Trung đội dân vệ đóng giữ, do tên Đỗ Cao Bộ, một tên việt gian khát máu làm Quận trưởng.
- 3 cứ điểm quân sự được bố trí rộng khắp, bao gồm:
+ Cứ điểm núi Một (trên điểm cao 193) địch bố trí 01 đại đội bảo an, 01 trung đội biệt kích, 01 trung đội dân vệ, 01 trung đội cối 106,7 mm.
+ Cứ điểm đồi Mít (suối Bà Nhỏ).
         + Trụ sở xã An Hoà.
- Ngoài 8 ấp chiến lược có 8 chốt Trung đội dân vệ: Hưng Nhơn, Hưng Nhượng, Thanh Sơn, Hưng Long, Xuân Phong, Long Khánh, Hội Long, Phước Bình. Có thể nói địa bàn không rộng nhưng địch bố trí lực lượng quá vững chắc và kiên cố, chúng coi đây là vành đai thép để dùng làm bàn đạp tấn công các vùng lân cận, nhằm uy hiếp tinh thần của quân và dân An Lão.
*Về phía ta: trước tình hình mới, sau khi quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá III (10/1963), Thường vụ Khu uỷ khu 5 đã đề ra nhiệm vụ: “Ra sức đưa phong trào cách mạng Khu 5 chuyển  biến một bước thật mạnh mẽ; đẩy lùi đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai vào thế sa lầy, bị động, thất bại nặng nề hơn trước cả về chính trị và quân sự”.
- Đầu tháng 12/1964, Đảng uỷ, Bộ tư lệnh Quân khu V quyết định mở chiến dịch tấn công giải phóng An Lão; Được sự hỗ trợ của bộ đội chủ lực; bộ đội địa phương và dân quân du kích đã trưởng thành về mọi mặt, đặc biệt là sự ủng hộ to lớn của quần chúng nhân dân về sức người, sức của, hàng chục nghìn ngày công, mở đường, tải lương, tải đạn, hàng chục tấn lương thực ủng hộ cho chiến dịch giải phóng quê hương; trong kế hoạch, chiến dịch sẽ diễn ra từ 5-7 ngày, nhưng thực tế chỉ diễn ra trong 2 ngày đêm thần tốc. Chiến dịch đã kết thúc thắng lợi hoàn toàn (ngày 7- 8/12/1964) cụ thể như sau:
Bước 1: Tiêu diệt 3 cứ điểm, 8 chốt ấp chiến lược, đồng thời bao vây chi khu quận lỵ An Lão:
Đúng 23 giờ ngày 6/12/1964 các đơn vị bộ đội đã tiếp cận trận địa
Đến 01 giờ 05 phút ngày 7/12/1964 các mũi chủ yếu của ta đã đồng loạt nổ súng tấn công như vũ bão, chỉ trong một đêm quân và dân ta đã tiêu diệt toàn bộ các cứ điểm, điểm chốt của địch; truy bắt tàn quân, tề điệp, ác ôn, giải phóng 8 ấp chiến lược, làm chủ toàn bộ thung lũng An Lão (trừ Quận lỵ); hoàn thành một bước nhanh gọn, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai lực lượng đánh quân chi viện.
Bước 2: Đánh quân tiếp viện bằng đường không, tiếp tục truy lùng bọn tàn quân ác ôn, tề điệp:
Các điểm chốt, ấp chiến lược đều do ta làm chủ, Quận lỵ An Lão bị ta vây chặt; 8 giờ sáng ngày 7/12/1964, địch dùng nhiều tốp máy bay ném bom, đánh phá. Chúng ném xuống Cứ điểm 193 (Núi Một) hàng chục tấn bom đạn; song ta đã đẩy lùi và đè bẹp ý đồ tiếp viện bằng đường không của địch; đồng thời tiếp tục truy lùng bọn tàn quân ác ôn, tề điệp. Đến 9 giờ 30 phút, ngày 7/12/1964 ta đã truy lùng, bắt gần 200 tên địch (có hơn 100 tên ác ôn, tề điệp), buộc địch phải cứu viện bằng đường bộ.
Bước 3: Đánh quân tiếp viện bằng đường bộ, kết thúc chiến dịch:
Thất bại trong trận đánh bằng đường không, chúng huy động lực lượng và bố trí các trận đánh bằng đường bộ, cụ thể chúng đã huy động: 01 Đại đội thiết giáp, 01 Tiểu đoàn bộ binh, nhiều xe thiết giáp M113 kéo vào trận địa suốt 3 giờ liền (từ 12h30 đến 15h30). Ngày 8/12 địch điên cuồng dùng máy bay ném bom rải thảm từ khu vực Xuân Phong (An Hòa- An Lão) đến Ân Hảo (Hoài Ân); nhưng trên các chiến hào, chiến sĩ ta vẫn kiên cường bám chắc trận địa, giành giật với địch từng tấc đất, từng người dân.
Tối ngày 8/12/1964 Bộ Tư lệnh mặt trận họp, soát xét tình hình tác chiến trong hai ngày 7-8/12/1964 và quyết định kết thúc chiến dịch. Thế trận chiến tranh nhân dân ngày càng mở rộng, gọng thép bao vây ngày càng xiết chặt. Những ngày sau địch mở thêm vài đợt càn quét yếu ớt, lấy lệ rồi chấm dứt hẳn.
II. KẾT QUẢ VÀ Ý NGHĨA LỊCH SỬ CỦA CHIẾN THẮNG AN LÃO.
  1. Kết quả:
Chiến thắng An Lão ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 610 tên địch; trong đó 142 tên chết (có 05 lính Mỹ), bắt sống 402 tên (125 tên tề ngụy); bắn cháy, phá hỏng 5 xe tăng, bắn rơi 1 máy bay, tiêu diệt 3 cứ điểm, 8 chốt dân vệ, 8 ấp chiến lược, tiêu diệt 2 đại đội bảo an, 12 trung đội dân vệ, 01 trung đội cối, 01 trung đội biệt kích, 01 tiểu đoàn Cộng hoà, thu hơn 400 súng, 400 hòm đạn các loại, 14 vô tuyến điện và nhiều quân trang, quân dụng khác; giải phóng 11.000 dân và mở rộng vùng giải phóng nối liền vùng căn cứ An Lão về phía Nam dài  22km.
  1. Ý nghĩa lịch sử:
Chiến thắng An Lão là chiến thắng đầu tiên của miền Trung Trung bộ, đã làm tiêu hao, tan rã phần lớn sinh lực địch, góp phần vào sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Chiến thắng An Lão là một điểm son khởi đầu cho việc đánh bại các kế hoạch và chiến lược chiến tranh của địch; đặc biệt là chiến lược phòng ngự cứ điểm, kết hợp với hệ thống ấp chiến lược, chiến tranh Đặc biệt của đế quốc Mỹ ở miền Nam (5/1962 – 1964). Lần đầu tiên trên chiến trường Khu 5 xuất hiện phương pháp tác chiến mới: đó là sự kết hợp giữa bộ đội chủ lực với bộ đội địa phương và dân quân du kích. Kết hợp giữa đấu tranh chính trị, đấu tranh binh vận với đấu tranh vũ trang.
Chiến thắng An Lão là chiến thắng của tinh thần đoàn kết quân dân, đoàn kết giữa 3 dân tộc anh em Kinh, H’re và Bana trong huyện. Chiến thắng An Lão gắn liền với sự ra đời và truyền thống vẻ vang của nhiền đơn vị chủ lực của quân đội ta, đặc biệt là Trung đoàn 2 An Lão anh hùng. Thắng lợi này lại một lần nữa thể hiện sức mạnh của dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại, sức mạnh của chiến tranh nhân dân  đối với một kẻ thù nguy hiểm nhất, có vũ khí tối tân nhất.
Chiến thắng An Lão đã đánh dấu bước ngoặt trưởng thành trong cuộc đấu tranh của quân và dân trong huyện, đã vượt qua bao gian khổ, khó khăn, hy sinh tổn thất để tô điểm, làm chói ngời thêm trang sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc, của quê hương; đặc biệt sau khi thất thủ ở An Lão, chính quyền Ngụy quân- ngụy quyền Sài Gòn hoang mang, dao động đến rệu rã và bắt buộc các nhà quân sự Mỹ phải xem xét và điều chỉnh lực lượng, chiến thuật trên các chiến trường. Bình luận về sự thất bại của Mỹ- Ngụy trên chiến trường An Lão, hãng AFP ngày 9/12/1964 đã viết: “cả hệ thống phòng ngự chi khu An Lão bị tiêu diệt nhanh như trở bàn tay, bắt buộc các nhà quân sự Sài Gòn phải xem xét lại cả hệ thống phòng ngự trên các chi khu khác xem có đủ đứng vững không khi du kích Việt cộng đã quyết tâm mở cuộc tiến công vào đó…”.
III. AN LÃO 55 NĂM XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH:
Là huyện được giải phóng đầu tiên trên địa bàn quân khu V, An Lão đã trở thành căn cứ địa cách mạng của tỉnh và quân khu. Để làm tròn vai trò là hậu cứ quan trọng, Đảng bộ, quân và dân An Lão phải đương đầu với nhiều trận càn ác liệt, rải thảm bom đạn, chất độc, xúc tác, gom dân của Mỹ- Ngụy hòng biến An Lão trở thành vùng trắng. Vượt qua gian khổ, bất chấp mọi tổn thất, hy sinh; Đảng bộ, quân và dân An Lão đã kiên cường bám trụ chiến đấu hơn 10 năm ròng rã, lập nên những kỳ tích anh hùng như Chiến thắng Đá Trãi (An Hòa), cuộc chống càn Gò Lũy (An Hòa), Gộp Đá lớn (An Quang)…, xứng đáng là hậu phương vững chắc của tỉnh Bình Định và Quân khu V.
Trong chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, cùng với quân dân cả nước, An Lão tiếp tục chi viện sức người, sức của góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc (30/4/1975) và cùng với cả nước bước vào xây dựng CNXH.

Huyện An Lão đón nhận Huân chương độc lập Hạng Ba tại Lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng An Lão (Ngày 01/9/2014)
Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, quân và dân trong huyện tập trung hàn gắn lại vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế; đã tổ chức tháo gỡ hàng ngàn quả bom, mìn các loại; khai hoang hàng ngàn ha ruộng đưa vào sản xuất, tập trung phát triển kinh tế- xã hội, ổn định và nâng cao đời sống nhân dân. Chính vì vậy, năm 1998 Đảng bộ quân và dân An Lão được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nền kinh tế của huyện tiếp tục tăng trưởng và phát triển khá, văn hóa- xã hội có nhiều mặt tiến bộ, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, quốc phòng an ninh được củng cố, giữ vững; dân chủ xã hội chủ nghĩa được mở rộng; hệ thống chính trị được xây dựng trong sạch vững mạnh; góp phần củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào chế độ XHCN và thành quả cách mạng.
Sản xuất nông, lâm nghiệp phát triển tương đối toàn diện, giá trị sản xuất tăng bình quân hàng năm trên 9,5%. Công tác chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ; ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất được chú trọng, góp phần tăng năng suất, sản lượng cây trồng hàng năm. Chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi cá nước ngọt tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng. Công tác quy hoạch, trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng được coi trọng, tỷ lệ che phủ rừng hiện nay là 81,1%.
          Công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ tiếp tục phát triển khá, giá trị công nghiệp tăng bình quân hàng năm 34,5%. Đã hoàn thành và đưa vào hoạt động 2 cụm công nghiệp Gò Bùi, Gò Cây Duối. Bước đầu tổ chức hoạt động sản xuất khai thác, chế biến đá granit, chế biến gỗ. Các loại hình dịch vụ thương mại phát triển khá phong phú, đa dạng. Hệ thống chợ nông thôn được sắp xếp theo quy hoạch, đã hoàn thành xây dựng Khu dịch vụ thương mại và dân cư Đồng Bàu, chợ huyện, đáp ứng nhu cầu mua sắm tiêu dùng của nhân dân. Dịch vụ bưu chính viễn thông phát triển khá, mạng điện thoại di động tiếp tục được mở rộng phủ sóng 56/57 thôn. Dịch vụ Internet ngày càng phát triển đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân. Đến nay đã có 10/10 xã, thị trấn có dịch vụ Internet.
h1

                                                           Tượng đài Chiến thắng An Lão
h2

                                                                             Ao cá Bác Hồ
          Kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội được đầu tư có trọng điểm và phát huy hiệu quả tích cực. Nhiều công trình về dân sinh, giao thông, thủy lợi được đầu tư đưa vào sử dụng như: Đường Xuân phong Tây (An Hòa) đi Ân Hảo Tây (Hoài Ân), khu giản dân Gò Núi Một (An Tân), cầu Bến Nhơn, cầu Gò Dài (An Hòa), bê tông hóa tuyến đường An Hòa đi An Toàn, đường liên thôn thuộc các xã An Vinh, An Hưng, Hồ chứa nước Trong Thượng (An Trung); kè Sông Vố (thị trấn An Lão), kè Thuận Hòa, Thuận An (An Tân), kè Vạn Khánh (An Hòa); đang triển khai xây dựng công trình hồ chứa nước Đồng Mít và khu tái định cư xã An Dũng; đã kéo điện lưới quốc gia cho 10/10 xã, thị trấn, có 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; có 100% hộ dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Các hoạt động văn hóa thông tin, thể dục thể thao, truyền thanh có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay cấp huyện đã có Nhà sinh hoạt cộng đồng huyện, 8/10 xã, thị trấn có nhà văn hóa, 55/57 thôn có nhà sinh hoạt văn hóa; 01 đài Truyền thanh huyện, 10 đài truyền thanh xã, bước đầu đáp ứng được các hoạt động văn hóa, thể thao. Công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và các di tích văn hóa lịch sử được chú trọng. Một số công trình có quy mô lớn, kiến trúc đẹp, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của người dân như: Quần thể khu di tích Tượng Đài Chiến thắng An Lão, công viên ao cá Bác Hồ; nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng huyện. Đến nay toàn huyện đã được công nhận 7 di tích lịch sử cấp tỉnh (di tích Vụ thảm sát Đá Bàn- An Hưng, di tích Gộp Đá Lớn- An Quang, di tích Địa điểm Trường Quân chính Quân khu 5- An Quang, di tích Nơi đặt Đài Tiếng nói Nam Bộ trong kháng chiến chống Pháp- An Tân, di tích Địa điểm In Bạc tín phiếu Liên khu V”- An Hòa, di tích Vụ thảm sát giếng Đồn- An Tân, di tích Nơi thành lập Chi bộ Chính Nghĩa- An Tân). Đặc biệt Chiến thắng An Lão đã được Bộ Văn hóa- thể thao- du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Quy mô, chất lượng về giáo dục đào tạo có bước phát triển khá; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được chuẩn hóa 100%. Đến nay toàn huyện có 2 trường THPT, 5 trường THCS, 10 trường Tiểu học, 07 trường Mẫu giáo, 03 trường Mầm Non. Cơ sở vật chất phục vụ dạy và học được đầu tư xây dựng theo hướng chuẩn hóa và đồng bộ. Đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi, chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ III, chuẩn phổ cập THCS mức độ II và đang triển khai thực hiện phổ cập giáo dục bậc THPT. Đến nay, toàn huyện có 10/27 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ I và 1 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ II.
Sự nghiệp y tế tiếp tục phát triển; công tác khám chữa bệnh, y tế dự phòng được tăng cường, các chương trình y tế quốc gia được chú trọng. Đến nay đã có 10/10 xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã; tỉ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 99,9%. Chương trình an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ được quan tâm chỉ đạo và đạt kết quả tích cực. Chính sách đền ơn đáp nghĩa, công tác nhân đạo, từ thiện được thực hiện ngày càng tốt hơn. Đời sống của đại bộ phận nhân dân được ổn định và cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo, giai đoạn 2015- 2020 giảm 7,13%/năm.
Công tác lãnh đạo chỉ đạo triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ quốc phòng- an ninh được chú trọng, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được củng cố, tăng cường, công tác diễn tập khu vực phòng thủ huyện, xã được quan tâm. Hàng năm, tỷ lệ giao quân đạt 100% chỉ tiêu. Chất lượng tổng hợp, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang huyện được nâng lên. Chính sách hậu phương quân đội ngày càng thực hiện tốt hơn.
Tình hình an ninh quốc gia trên địa bàn luôn được giữ vững ổn định, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, các loại tội phạm giảm, không để xảy ra “điểm nóng” trên địa bàn. Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” tiếp tục được đẩy mạnh; các Nghị quyết của Chính phủ và Chương trình quốc gia về phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy, được triển khai chặt chẽ, đồng bộ. Công tác quản lý Nhà nước về an ninh trật tự được tăng cường, nhất là công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông và công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Hàng năm, tỷ lệ xã vững mạnh về an ninh quốc phòng đạt 80% trở lên.
Công tác giáo dục chính trị tư tưởng được các cấp ủy, tổ chức đảng chú trọng; đã tổ chức quán triệt nghiêm túc các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định của Đảng gắn với xây dựng các chương trình hành động, kế hoạch của cấp ủy. Công tác giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước và những thành tựu của công cuộc đổi mới được quan tâm. Đã xuất bản tập Lịch sử Đảng bộ huyện giai đoạn 1930- 2005 và giai đoạn 2005- 2015; đồng thời hoàn thành biên soạn truyền thống Cách mạng cho 3 xã (An Hòa, An Vinh, An Hưng); hoàn thành xuất bản Lịch sử truyền thống Lực lượng vũ trang huyện và Lịch sử truyền thống Công an nhân dân huyện giai đoạn 1930- 2015. Hiện đang chỉ đạo tiếp tục sưu tầm, biên soạn cho các xã, thị trấn.
Công tác tổ chức cán bộ được chỉ đạo thực hiện đúng quy định của Trung ương, của tỉnh. Các chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức đã được quan tâm thực hiện kịp thời, đúng quy định. Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng được Huyện ủy và các cấp ủy đảng quan tâm chỉ đạo trở thành nền nếp; chất lượng hoạt động của UBKT từ huyện đến cơ sở được nâng lên. Công tác kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, công tác thi hành kỷ luật đảng thực hiện nghiêm túc, đúng phương hướng, phương châm, nguyên tắc và thủ tục quy định. Phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng tiếp tục được đổi mới.
Việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị (khóa XII) “về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được các cấp ủy, tổ chức Đảng quan tâm thực hiện, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) bước đầu đạt được những kết quả tích cực, góp phần tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức, ý thức tu dưỡng rèn luyện đạo đức, nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với công việc và thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Năng lực lãnh đạo sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên từng bước được nâng lên. Hàng năm, số tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ ngày càng tăng.
Hoạt động của HĐND huyện và các xã, thị trấn ngày càng được phát huy. Các nghị quyết ban hành phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và có tính khả thi cao. Công tác giám sát, tiếp xúc cử tri của Thường trực HĐND, các ban HĐND huyện và đại biểu HĐND các cấp có chất lượng hơn, từng bước giải quyết những khó khăn vướng mắc ở cơ sở và kiến nghị chính đáng của cử tri.
UBND và các cơ quan hành chính từ huyện đến cơ sở từng bước được củng cố kiện toàn; hiệu lực, quản lý nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh ngày càng cao. Chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính nhà nước, nhất là cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa liên thông”. Xây dựng và đưa vào hoạt động mô hình chính quyền điện tử, phòng họp trực tuyến tại Văn phòng HĐND& UBND huyện. Cổng thông tin điện tử của huyện được duy trì thường xuyên, kịp thời đăng tải các thông tin chỉ đạo điều hành của huyện, cập nhật, cung cấp các văn bản quy phạm pháp luật, các thủ tục hành chính. Nhờ đó đã góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả dịch vụ hành chính công của huyện.
Công tác dân vận, Mặt trận và các hội, đoàn thể được chú trọng; không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, hướng về cơ sở; nên đã thu hút tập hợp đông đảo quần chúng vào tổ chức hội. Đã tổ chức thực hiện có kết quả nhiều cuộc vận động, nhiều phong trào thi đua yêu nước trong hội, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân như phong trào “Thanh niên tình nguyện”, “Mùa hè xanh” của Đoàn thanh niên; phong trào “Con heo đất tiết kiệm”, “Hủ gạo tình thương” của Hội Liên hiệp phụ nữ; phong trào “Nông dân sản xuất giỏi” của Hội Nông dân; phong trào “Giúp nhau phát triển kinh tế” của Hội Cựu chiến binh; phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” của Công đoàn; phong trào “Xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, quy ước hương ước khu dân cư, các thiết chế văn hóa, thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội” của UBMTTQN. Thông qua đó quyền làm chủ của nhân dân ngày càng được phát huy, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, tạo sự thống nhất về ý chí và hành động trong toàn Đảng bộ, sự đồng thuận của nhân dân trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Chào mừng kỷ niệm 55 năm Chiến thắng An Lão, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong huyện đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo và đường lối đổi mới của Đảng; phát huy tốt nội lực, tranh thủ sự giúp đỡ của tỉnh, cả nước, đem tinh thần tiến công của Chiến thắng An Lão anh hùng, cùng cả nước thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH, HĐH đất nước vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

 

Tác giả bài viết: ĐK. Theo nguồn BTGHU

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây