AN LÃO TRONG CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945

Thứ tư - 11/08/2021 13:47
Hòa cùng khí thế cách mạng của cả nước, nhân dân các dân tộc An Lão dưới sự lãnh đạo của Việt Minh tổng Mới, đã vùng lên giành chính quyền, thoát khỏi cảnh đời nô lệ, tối tăm, trở thành người chủ của đất nước, bản làng, ruộng vườn, nương rẫy.
Tháng 3/1945 Nhật đảo chính Pháp, sau khi chiếm đóng đồn Bồng Sơn, dưới sự chỉ huy của một tên quan ba, quân Nhật đã kéo lên An Lão. Tên đồn trưởng An Lão là Đê-nông vội vã bỏ đồn tháo chạy qua Nước Xang (An Quang), rồi chạy xuống Quy Nhơn. Quân nhật chiếm đồn An Lão và giao lại cho tên đội trưởng lai pháp cùng 50 lính khố xanh đóng giữ, dưới sự quản lý của đồn Bồng Sơn.
Cuối tháng 4/1945, thi hành chủ trương của Ủy ban vận động cứu quốc tỉnh Bình Định, Phạm Sanh đã chủ trì cuộc họp Ủy ban vận động cứu quốc huyện Hoài Nhơn và hợp nhất với bộ phận Việt Minh ở An Sơn. Hội nghị đã phân công Phan Mão phụ trách tổng Mới (tổng Hoài Đức) và chuẩn bị lực lượng để An Lão tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Từ tháng 7/1945, Phan Mão đã thành lập các đội “tự vệ sắt”. Đến đầu tháng 8/1945 ở hầu khắp các thôn trong xã An Hòa và An Tân đều có cơ sở Việt Minh.
Thực hiện “Quân lệnh số 1” của Ủy ban khởi nghĩa, tối ngày 13/8/1945 tại Quy Nhơn Ủy ban vận động Việt Minh đã họp, lập Ủy ban khởi nghĩa và lập kế hoạch hành động, nhanh chóng tổ chức quần chúng trong tỉnh biểu tình biểu dương lực lượng chuẩn bị khởi nghĩa.
Dưới sự lãnh đạo của các ông Phan Mão, Tăng Xuân Mai, Trần Huy… ngày 23/8/1945 đồng bào các thôn thuộc tổng Hoài Đức và các làng trong tổng Mới đã nhất tề nổi dậy giành chính quyền, buộc các chánh tổng, thuộc trưởng phải bàn giao giấy tờ, sổ bộ cho đại diện của Việt Minh, chính quyền cách mạng được thành lập ở các làng, tổng.
Sau khi chính quyền cấp tổng được thành lập, dưới sự lãnh đạo của Việt Minh, đông đảo quần chúng ở khắp các tổng với giáo mác, gậy gộc đã cùng với “đội tự vệ sắt” kéo về bao vây đồn An Lão, sau nhiều ngày đấu tranh chính trị và thương thuyết, địch vẫn cố thủ, chưa chịu giao đồn cho chính quyền cách mạng.
Sau khi giành được chính quyền ở Hoài Ân, Hoài Nhơn, vào ngày 30/8/1945 Việt Minh đã cử ông Lâm Trường Xanh từ Bồng Sơn lên hỗ trợ An Lão, một cuộc thương thuyết mới đã diễn ra. Trước khí thế cách mạng và sức áp đảo của quần chúng nhân dân, lần này tên đội trưởng đã buộc phải bàn giao đồn An Lão cùng 45 khẩu súng trường, 3 khẩu súng lục, đạn dược và toàn bộ tài sản mà bọn chúng đã tàng trữ trong đồn, cuộc khởi nghĩa đã thắng lợi hoàn toàn ở An Lão.
          Cuộc khởi nghĩa nổ ra và thắng lợi trong tình hình ở địa phương chưa có tổ chức đảng, song dưới tác động của phong trào cách mạng ở hai huyện Hoài Ân và Hoài Nhơn, từ tháng 5/1945 đồng bào các dân tộc An Lão đã có sự lãnh đạo của Việt Minh, phát huy truyền thống đoàn kết đấu tranh chống áp bức, chống xâm lược từ bao đời, vùng dậy giành chính quyền một cách kịp thời và nhanh chóng, hòa nhịp cùng cao trào tổng khởi nghĩa trong toàn tỉnh và trong cả nước.
Thắng lợi to lớn của cuộc khởi nghĩa tháng Tám ở An Lão thể hiện sự lãnh đạo tài tình, kịp thời nắm bắt thời cơ, sáng tạo trong chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Tổng bộ Việt Minh và sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng cách mạng và nhân dân điạ phương phát động phong trào đấu tranh khởi nghĩa giành chính quyền, đã đặt tiền đề trực tiếp cho sự ra đời chi bộ cộng sản đầu tiên ở An Lão và hình thành Đảng bộ huyện An Lão. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện An Lão, truyền thống yêu nước của các dân tộc ngày càng được phát huy cao độ, tạo nên sức mạnh to lớn trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ củng cố chính quyền, xây dựng hậu phương vững mạnh, góp phần cùng nhân dân cả nước đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai của thực dân Pháp./.

 

Tác giả bài viết: Kim Liên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây