Tình hình dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh nói chung và địa bàn huyện An Lão nói riêng vẫn đang diễn biến phức tạp và được xác định là dịch bệnh rất nguy hiểm có thể sẽ kéo dài. Vì vậy, ngày 26/11/2019, UBND huyện An Lão đã có công văn 1573/UBND chỉ đạo việc nuôi mới, tái đàn phát triển chăn nuôi trong thời điểm dịch chưa được khống chế.
Cụ thể là chỉ nuôi mới, tái đàn đối với các hộ, các cơ sở chăn nuôi lợn áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và tái đàn trong các cơ sở chăn nuôi an toàn chưa xảy ra dịch bệnh. Đối với các hộ, các cơ sở chăn nuôi lợn nhỏ lẻ không áp dụng được chăn nuôi an toàn sinh học chuyển hướng sang chăn nuôi các loại vật nuôi khác. Đối với các cơ sở bị dịch và dịch đã qua 30 ngày và công bố hết dịch trên địa bàn khi áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, việc tái đàn phải hết sức cẩn trọng và theo từng đợt: tái đàn với số lượng khoảng 10% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở và sau khi nuôi tái đàn được 30 ngày, thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm, nếu tất cả các xét nghiệm đều âm tính với BDTLCP thì khi đó mới nuôi tái đàn cho đủ quy mô cần nuôi. Các trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi đã bị bệnh dịch tả lợn Châu Phi nếu tái đàn trái phép, chưa được sự đồng ý của chính quyền địa phương, huyện yêu cầu UBND các xar, thị trấn, các cơ quan chuyên môn xử phạt hành chính theo Nghị định 90/2017 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực chăn nuôi thú ý và công tác phòng chống dịch bệnh động vật. Việc tái đàn lợn cũng chỉ được thực hiện khi cơ sở chăn nuôi có đầy đủ các trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi đảm bảo được các yêu cầu về an toàn sinh học trong chăn nuôi, chủ động kiểm soát về con giống và nguồn thức ăn. Cơ sở chăn nuôi phải định kỳ thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại khu vực chăn nuôi bằng vôi bột hoặc hóa chất; vệ sinh, khử trùng, tiêu độc đối với người, phương tiện ra, vào khu vực chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi; hạn chế người không có nhiệm vụ ra, vào khu vực chăn nuôi; có biện pháp ngăn chặn các loại vật khác đến. Ngoài ra, huyện tăng cường chỉ đạo chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt, xây dựng cơ sở, chuỗi cơ sở và vùng an toàn dịch bệnh. Đối với nguồn giống lợn con, khuyến khích các trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi đủ điều kiện được phép tái đàn nhưng phải đăng ký với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện để kiểm tra điều kiện chuồng nuôi, trang thiết bị chăn nuôi; con giống; thức ăn và nước uống; chăm sóc, nuôi dưỡng; vệ sinh chăn nuôi và kiểm soát người ra, vào khu vực chăn nuôi; kiểm soát phương tiện vận chuyển, trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi; xử lý chất thải chăn nuôi; quản lí dịch bệnh; riêng đối với chăn nuôi lợn trang trại có thêm nội dung ghi chép và kiểm tra nội bộ ; phải có bản cam kết của chủ nuôi và xác nhận của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Huyện cũng chỉ đạo tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, công tác phòng chống Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn. Như vậy, các hộ, các cơ sở chăn nuôi trong huyện khi tiến hành tái đàn và trong suốt quá trình chăn nuôi phải thực hiện nghiêm túc các quy định, khuyến cáo của cơ quan chức năng để công tác phòng chống BDTLCP đạt kết quả tốt hơn.