Sau 2 năm thực hiện Đề án “Xây dựng chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp” của Trung ương Hội Nông dân (HND) Việt Nam, các tổ hội nghề nghiệp ở huyện An Lão đã có những bước đi khá vững chắc
Xây dựng hiệu quả các mô hình điểm Thực hiện Đề án “Xây dựng chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp”, năm 2017, HND huyện An Lão đã khảo sát, chọn HND xã An Tân và HND xã An Hòa làm điểm xây dựng mô hình tổ hội nghề nghiệp. HND xã An Tân đã ra mắt tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi bò lai sinh sản tại các thôn Tân Lập, Thuận An, Thanh Sơn gồm 20 hộ hội viên tham gia với tổng đàn bò 80 con. Sau khi thành lập, các thành viên được đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật nuôi và chăm sóc bò lai sinh sản, được hỗ trợ 300 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân để đầu tư nuôi bò… Theo ông Lê Ngọc Nam - Chủ tịch HND xã An Tân: ngày càng nhiều nông dân thực hiện mô hình liên kết làm ăn, mạnh dạn đầu tư để phát triển chăn nuôi bò lai sinh sản có giá trị kinh tế cao. Trong đó, điển hình như hộ ông Võ Tư, Nguyễn Văn Tốt ở thôn Tân Lập, ông Nguyễn Minh Phúc, bà Nguyễn Thị Lê ở thôn Thanh Sơn,... với thu nhập hàng trăm triệu đồng trên năm. Mô hình thứ 2 được áp dụng tại thôn Vạn Khánh, xã An Hòa. Theo đó, HND xã thành lập tổ hội nghề nghiệp trồng dâu nuôi tằm với 20 thành viên tham gia. Quy mô mỗi hộ trồng trung bình 0,5 ha dâu tằm. Sau khi thành lập, các thành viên của tổ được tập huấn khoa học kỹ thuật và nhận được hỗ trợ vốn vay ưu đãi từ ngân sách nhà nước. Anh Nguyễn Ngọc Tuấn, thôn Vạn Khánh, xã An Hòa là thành viên của tổ hội trồng dâu nuôi tằm chia sẻ: Theo nghề trồng dâu nuôi tằm đã 20 năm. Khi tham gia tổ hội trồng dâu nuôi tằm do HND xây dựng, tôi được tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc dâu, kỹ thuật nuôi tằm. Với diện tích 15 sào, gia đình tôi thu được 40kg kén, nếu thời tiết thuận lợi lá dâu phát triển tốt, mỗi tháng gia đình tôi làm được 2 lứa cho thu nhập khoảng 10 triệu đồng. Theo đánh giá bước đầu của Hội Nông dân huyện An Lão, từ chỗ sản xuất, trồng trọt đơn lẻ, 2 tổ hội nghề nghiệp này đã góp phần mở rộng quy mô sản xuất, cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi. Đồng thời tiếp cận được quá trình cung ứng vật tư, phân bón, giống… với mức giá cạnh tranh hơn so với đầu tư đơn lẻ. Từ đó nâng cao hiệu quả trồng trọt, nuôi trồng so với trước. Theo ông Đinh Văn Hùng - Phó Chủ tịch HND huyện An Lão: các tổ hội nghề nghiệp đều được thành lập trên nguyên tắc tự nguyện, cùng có lợi và đảm bảo đạt được tiêu chí 5 cùng: cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng trách nhiệm; cùng hưởng lợi. Đặc biệt, các tổ hội đã xây dựng được nội dung sinh hoạt phong phú, thiết thực, trong đó bao gồm việc đi sâu vào trao đổi thông tin liên quan đến ngành nghề sản xuất kinh doanh; cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, phòng trừ dịch bệnh, cách thức lập dự án sản xuất kinh doanh, thủ tục vay vốn, quản lý và sử dụng hiệu quả vốn vay… Việc xây dựng các tổ hội nghề nghiệp sẽ tạo tiền đề cho việc thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Đây là một chủ trương thiết thực, phù hợp trong tình hình hiện nay. Tiếp tục định hướng sản xuất Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc liên kết nông dân qua chi, tổ hội nghề nghiệp trong phát triển các mô hình kinh tế. Trong 9 tháng đầu năm 2019, Hội Nông dân huyện tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn thành lập 03 tổ hội nghề nghiệp: Tổ hội Nấu rượu kết hợp nuôi heo tại thôn Thanh Sơn, Tổ hội trồng rau sạch tại thôn tân Lập của xã An Tân và Tổ hội làm bánh tráng mì tại thôn Hưng Nhượng, xã An Hòa với tổng số thành viên tham gia là 60 hộ. Đến nay, toàn huyện có 6 tổ hội nghề nghiệp với 120 hội viên trên các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi,...Các tổ hội nghề nghiệp trên là cơ sở để hội viên, nông dân nhân rộng các mô hình sản xuất trên địa bàn huyện trong thời gian tới. Cùng với chỉ đạo, hướng dẫn thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp, Hội Nông dân huyện đã tập trung khai thác các nguồn vốn và ưu tiên cho các tổ hội nghề nghiệp được vay từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân với tổng số tiền là 2 tỷ đồng với 18 dự án ở 3/10 xã, thị trấn. Trong thời gian tới, cùng với việc tăng cường tuyên truyền về “Xây dựng chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp”, HND huyện An Lão tiếp tục định hướng các tổ hội nghề nghiệp sản xuất theo hướng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời, phối hợp tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất cho hội viên các tổ hội nghề nghiệp, tăng cường liên kết, hợp tác trong sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất nông sản sạch theo hướng hữu cơ. Ở lĩnh vực vốn, bên cạnh nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, hội tiếp tục phối hợp với các ngân hàng giúp tổ hội nghề nghiệp tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Mặt khác, đẩy mạnh đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc xây dựng mô hình, qua đó kịp thời phát hiện các khó khăn, vướng mắc và đề ra giải pháp, hỗ trợ kịp thời; đồng thời biểu dương các tập thể, cá nhân điển hình trong triển khai, thực hiện.