Âm vang cồng chiêng và hương vị rượu cần ngày Tết ở An Lão

Thứ năm - 11/02/2021 18:49
Từ nhiều năm nay đã trở thành thông lệ, đúng vào đêm giao thừa tiếng cồng chiêng từ các bản làng của đồng bào Ba Na, Hrê của huyện miền núi An Lão lại đồng loạt trổi lên vang vọng cả núi rừng, tiễn biệt năm cũ với bao lo toang, bộn bề thường ngày, đồng bào các dân tộc trong huyện cùng với cả nước sum vầy ăn Tết cổ truyền của dân tộc bên ché rượu cần đón chào năm mới với niềm hy vọng về cuộc sống sung túc, đủ đầy, tươi sáng hơn năm qua…
Âm vang cồng chiêng và hương vị rượu cần ngày Tết ở An Lão
Ông Đỗ Tùng Lâm-Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão cho biết: “ Trước Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, UBND huyện An Lão đã triển khai Kế hoạch cho các đơn vị, cơ quan, ban, ngành, hội đoàn thể và UBND các xã, thị trấn tổ chức thực hiện các hoạt động Mừng Đảng-Mừng Xuân nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi động viên cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân vui xuân, đón Tết cổ truyền của dân tộc an toàn, tiết kiệm. Đồng thời tạo động lực đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm mới, quyết tâm thực hiện thắng lợi toàn diện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, xã hội năm 2021 mà Nghị quyết các cấp đã đề ra. Trong đó phải đặc biệt chú trọng đến việc bảo đảm an tòan cho phòng chống dịch bệnh theo thông diệp “5k”. Đó là: khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, khai báo và không tụ tập đông người…”.
Ông Đỗ Tùng Lâm-Phó chủ tịch UBND huyện cho biết thêm: trong các hoạt động văn hóa, thể thao Mừng Đảng-Mừng Xuân, năm nay huyện vẫn chủ trương duy trì tổ chức trang trọng“ Đêm âm vang cồng chiêng và hương vị rượu cần” (từ mồng 1 đến mồng 5 Tết)  tại Nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng các thôn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn huyện.
Đã từ nhiều năm nay, người BaNa, Hrê trên địa bàn huyện An Lão đã có thêm niềm vui chung đón Tết cổ truyền cùng lúc với người Kinh. Trước thềm năm mới họ cũng trang hoàng nhà cửa, mua sắm đồ đạc và làm rượu cần để vui mừng chào đón năm mới.
Là người may mắn nhiều lần được tham gia đêm liên hoan cồng chiêng và thưởng thức hương vị rượu cần vào thời khắc đón giao thừa với đồng bào BaNa, Hrê ở An Lão chúng tôi ghi nhận được phần nào giá trị văn hóa tâm linh đặc biệt của mỗi dân tộc. Đây cũng là dịp để người dân trong thôn sum họp đầy đủ, thăm hỏi sức khỏe, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, vui chơi, ca hát tạo mối đoàn kết gắn chặt cộng đồng mà ngày thường ít có dịp được gặp nhau do chi phối bởi mưu sinh.
 Theo ông Đinh Cung-người uy tín (ở Thôn 5, xã An Vinh):“ để có được đêm liên hoang cồng chiêng và thưởng thức hương vị rượu cần trong các ngày Tết cổ truyền của dân tộc, trước Tết gần cả tháng trời già làng và Trưởng thôn phải họp dân làng phân công mỗi gia đình phải tự vô lá, lên men 01 chóe rượu cần để góp vui tại nhà văn hóa cộng đồng thôn trong ba ngày Tết. Các nghệ nhân trong thôn tiến hành lau chùi, kiểm tra lại từng bộ cồng chiêng để có được âm thanh hay nhất trong ngày Tết. Chính quyền địa phương cũng lưu ý dân làng chỉ vui chơi trong khuông khổ nội bộ làng mình, hạn chế tiếp xúc người lạ, nhất là những người từ địa phương khác đến, để phòng ngừa lây nhiễm dịch bệnh”.
Chập choạng tối, trước thời khắc đón giao thừa mọi người trong làng đã ăn mặc chỉnh tề với trang phục đẹp nhất trong mọi ngày, háo hức đưa nhau đến nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng thôn để cùng nhau ăn Tết, đón chào năm mới trong niềm vui rộn rã. Trước nhà sinh hoạt văn hóa thôn, dân làng đã cùng nhau tự nguyện đóng góp bày biện rượu cần, bánh kẹo, thức ăn để mời nhau vui Tết. Đặc biệt, trong đêm liên hoan cồng chiêng và thưởng thức hương vị rượu cần tại các thôn làng miền núi An Lão không thể thiếu ánh lửa trại bập bùng sáng rực cả một góc trời. Khi tiếng cồng chiêng vang lên cũng là lúc mọi người chếch choáng hơi men rượu cần, họ tự giác mời nhau hát những làng điệu ka lêu, ka choi và nắm tay nhau múa xoong nhịp nhàn theo tiếng cồng chiêng quanh ngọn lửa cho đến khi thấm mệt, cục than không còn đỏ lửa thì tiếng cồng chiêng mới dần chùn xuống và tắt lịm trong màn sương.
Uống rượu cần trở thành phong tục, thành nét văn hóa đặc trưng trong đời sống của người dân tộc thiểu số. Rượu cần là một thức uống luôn có mặt trong các dịp cúng tế, Tết, lễ hội, các cuộc vui, đón khách quý hay bạn bè phương xa. Chính vì thế mỗi lần cầm cần rít một hơi rượu cần chính là sợi dây gắn kết từng cá nhân với cộng đồng, giúp mọi người xích lại gần nhau hơn, đoàn kết giúp nhau trong sản xuất và đời sống.
Sẽ là thiếu sót và thiệt thòi lớn cho khách miền xuôi lên dự tiệc rượu cần mà không thưởng thức được âm vang của làn điệu cồng chiêng. Đối với đồng bào dân tộc, cồng chiêng là loại nhạc cụ độc đáo và quý giá nhất. Mỗi bộ tính giá bằng vài con trâu là chuyện bình thường.
q

Theo các nhà nghiên cứu về văn hóa dân gian, đằng sau mỗi chiếc cồng, chiếc chiêng đều ẩn chứa một tâm linh. Không chỉ là một nhạc cụ, cồng chiêng còn có chức năng như một sợi dây linh thiêng, nối liền giữa con người với cõi thiên liêng. Cồng chiêng có mặt trong mọi giai đoạn sống của con  người từ khi sinh ra, trưởng thành cho đến khi giã biệt cõi đời. Tiếng cồng chiêng trong lễ cầu hôn nhắc nhở trai gái yêu thương bền chặt, thủy chung, giữ trọn đạo nghĩa vợ chồng; trong lễ mừng lúa mới thì thánh thót, vui tươi; trong dịp Tết, lễ hội thì nhịp điệu giục giã, vang vọng trầm hùng, chiêng bỏ mả thì chậm rãi, man mác buồn….
Rượu cần và cồng chiêng đã trở thành nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số ở mỗi vùng miền, nó được gìn giữ, tôn tạo cho hôm nay và muôn đời sau ./.

 

Tác giả bài viết: Hoàng Nam Quốc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây