CÔNG ĐIỆN KHẨN triển khai quyết liệt các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh
Thứ tư - 03/02/2021 07:21
Chủ tịch UBND tỉnh, trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch covid-19 vừa ký công điện khẩn số 02/CĐ-UBND, theo đó đề nghị:
- Thủ trưởng các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể;
- Giám đốc Công an tỉnh;
- Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh;
- Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh;
- Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Các thành viên Ban Chỉ đạo PC dịch COVID-19 tỉnh;
- Ban Chỉ đạo PC dịch COVID-19 các huyện, thị xã, thành phố
Theo thông báo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19, tính đến 06h00 ngày 02/02/2021, cả nước đã phát hiện tổng cộng 964 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước; trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/01/2021 đến nay là 271 ca, đã lây nhiễm trong cộng đồng tại nhiều tỉnh, thành, như: Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội, Hòa Bình, Bắc Ninh, Bình Dương, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Gia Lai… Riêng tỉnh Gia Lai (tiếp giáp với Bình Định) đã có 06 ca mắc COVID-19. Dự kiến trong những ngày tới, tình hình dịch tiếp tục có những diễn biến phức tạp, đồng thời số lượng người dân về tỉnh trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu tăng mạnh nên nguy cơ rất cao mầm bệnh từ bên ngoài sẽ xâm nhập vào địa bàn tỉnh.
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt xuất hiện biến thể mới của vi rút, có tốc độ lây lan nhanh, sáng ngày 02/02/2021, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã họp trực tuyến toàn tỉnh với Ban Chỉ đạo tỉnh về phòng, chống dịch bệnh COVID-19, các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh để tiếp tục triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.
Sau khi nghe báo cáo của Ban Chỉ đạo tỉnh về phòng, chống dịch COVID-19, ý kiến của các cơ quan, đơn vị, địa phương dự họp và để chủ động phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Tân Sửu an toàn; tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành, mặt trận, hội, đoàn thể trong tỉnh tập trung triển khai thực hiện các nội dung sau:
1. Xác định nhiệm vụ quan trọng, cấp bách hàng đầu hiện nay là phòng, chống dịch COVID-19. Tổ chức thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch tại địa bàn, tại cơ quan, đơn vị theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương liên quan, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo tỉnh về phòng, chống dịch COVID-19.
Đồng chí Bí thư thành ủy, thị ủy, huyện ủy và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại địa bàn trước Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh.
2. Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Sở Y tế chỉ đạo lực lượng công an, quân đội, y tế trong toàn tỉnh trực chống dịch 100%, 24/24h từ nay đến hết Tết Nguyên đán Tân Sửu.
3. Bám sát tình hình, diễn biến của dịch để chuẩn bị nhanh các kịch bản, tình huống, giải pháp để chủ động ứng phó hiệu quả, thành công với “làn sóng mới” lây nhiễm COVID-19, bảo đảm phát hiện nhanh hơn, hành động nhanh và quyết liệt hơn để dập dịch triệt để trong thời gian nhanh nhất.
4. Nâng cao mức cảnh báo, đề cao cảnh giác, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là; tiếp tục quán triệt sâu sắc phương châm “chống dịch như chống giặc”; thực hiện nghiêm chiến lược “lấy phòng dịch làm ưu tiên, khóa chặt nguy cơ lây bệnh từ bên ngoài, khoanh vùng dập dịch triệt để ở bên trong, chữa trị hiệu quả”; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo phương châm "4 tại chỗ".
5. Từ ngày 03/02/2021, cho học sinh từ bậc học mầm non đến trung học phổ thông; sinh viên, học viên các trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh nghỉ Tết sớm để phòng chống dịch. Giao Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Hiệu trưởng các trường cao đẳng chịu trách nhiệm bố trí lịch học cho học sinh, sinh viên, học viên sau kỳ nghỉ Tết phù hợp với tình hình, diễn biến dịch bệnh, đảm bảo kế hoạch học tập.
6. Quyết liệt thực hiện các biện pháp ngăn chặn, phát hiện ca bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào địa bàn tỉnh; cụ thể:
- Nâng mức cách ly lên 21 ngày. Cách ly tập trung 21 ngày đối với người đến, ở, về từ ổ dịch chưa qua 14 ngày là tỉnh Hải Dương; tỉnh Quảng Ninh; huyện Ia Pa, huyện Krông Pa và thị xã Ayun Pa thuộc tỉnh Gia Lai; quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội và các ổ dịch khác khi Bộ Y tế công bố. Các trường hợp khác đi từ vùng dịch, Sở Y tế chỉ đạo các địa phương, cơ quan công an và ngành y tế phối hợp thực hiện việc cách ly tại nhà, tại nơi lưu trú, nơi làm việc 21 ngày. Các trường hợp có biểu hiện ho, sốt hoặc là đối tượng tiếp xúc gần thì thực hiện cách ly y tế theo quy định của Bộ Y tế.
- Chủ tịch UBND huyện Vân Canh quyết định thiết lập lại Chốt kiểm tra phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại Quốc lộ 19C trước 17h00 ngày 02/02/2021 với phương châm thực hiện "5 tại chỗ": Y tế tại chỗ, Công an tại chỗ, Quân sự tại chỗ, Hậu cần tại chỗ và Chỉ huy tại chỗ, để kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế và cách ly phù hợp.
- Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, Tuy Phước, Phù Cát, thị xã Hoài Nhơn, thành phố Quy Nhơn chỉ đạo tăng cường hoạt động của các chốt kiểm tra y tế phòng, chống dịch COVID-19 đặt tại Cảng Hàng không Phù Cát, Ga Diêu Trì, Ga Bồng Sơn, Bến xe Quy Nhơn, Quốc lộ 19 thuộc địa bàn huyện Tây Sơn (giáp tỉnh Gia Lai) để kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế và tổ chức cách ly phù hợp theo quy định.
- Tiếp tục quản lý chặt chẽ hoạt động nhập cảnh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh, tổ chức nhập cảnh trái phép; quản lý chặt chẽ, theo dõi sức khỏe sau cách ly đối với người hoàn thành cách ly tập trung tại địa phương khác về tỉnh.
- Phát động phong trào quần chúng, huy động công an xã, mặt trận và các đoàn thể tại cơ sở, đề nghị mỗi người dân, từng gia đình, tổ dân phố, khu dân cư chủ động phát hiện, khai báo về các trường hợp nhập cảnh trái phép, các trường hợp đến, ở, về từ các địa phương có dịch để theo dõi y tế chặt chẽ và cách ly phù hợp. Vận động người đến, ở, về từ các địa phương có dịch thực hiện phòng hộ cá nhân, hạn chế tiếp xúc, khai báo y tế trung thực; xử lý nghiêm các trường hợp không khai báo y tế, khai báo không trung thực theo quy định.
7. Hạn chế tối đa các hoạt động có tập trung đông người, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán; tạm dừng một số hoạt động tập trung đông người không cần thiết; vận động người dân và gia đình có đám cưới, lễ tang… tổ chức hạn chế số người tham gia. Giao Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố quyết định việc tổ chức các sự kiện tại địa bàn; trường hợp quyết định tổ chức thì phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định về phòng chống dịch, như: Đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, giữ khoảng cách tiếp xúc.
8. Thực hiện nghiêm yêu cầu 5K trong phòng, chống dịch (đeo khẩu trang, khử khuẩn, không tập trung đông người, giữ khoảng cách khi tiếp xúc, khai báo y tế); đề nghị người dân đeo khẩu trang bắt buộc; xử phạt nghiêm khắc các trường hợp không đeo khẩu trang, trốn cách ly và khai báo y tế sai sự thật theo quy định. Rà soát, siết chặt việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt tại các cơ sở y tế, trường học, khu công nghiệp, nhà máy xí nghiệp, chợ, siêu thị, trên các phương tiện giao thông công cộng, các khu vực thường xuyên có hoạt động tập trung đông người.
9. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Bình Định, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định, các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh, các Đài truyền thanh cơ sở thường xuyên, liên tục thông tin tuyên truyền kịp thời, chính xác về tình hình dịch, diễn biến của dịch, các biện pháp phòng, chống dịch và các chế tài xử phạt hành chính nếu vi phạm các quy định phòng, chống dịch (không đeo khẩu trang, trốn cách ly, khai báo y tế sai sự thật…) để người dân thực hiện, đề cao cảnh giác, không hoang mang với dịch bệnh.
Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh phối hợp kiểm soát chặt chẽ các thông tin trên mạng xã hội; xác minh, xử lý nghiêm với các trường hợp tung tin không đúng về tình hình dịch, gây hoang mang trong nhân dân và ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh.
10. Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp với Sở Tài chính, Sở Y tế và các đơn vị liên quan chỉ đạo đảm bảo công tác hậu cần cho các khu cách ly tập trung của tỉnh do quân đội quản lý; đề xuất việc bổ sung thêm các khu cách ly tập trung của quân đội để đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh.
11. Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh quản lý chặt chẽ việc nhập cảnh qua đường biển, bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh.
12. UBND các huyện, thị xã, thành phố chuẩn bị sẵn sàng các phương án để chủ động ứng phó với dịch bệnh COVID-19 theo chỉ đạo, hướng dẫn của Sở Y tế; đặc biệt là chuẩn bị phương án khu cách ly sẵn sàng phục vụ công tác phòng, chống dịch. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp phải tăng cường hoạt động của các tổ/đội phản ứng nhanh, thường trực 24/24h, kịp thời phát hiện, khoanh vùng, truy vết, cách ly, dập dịch hiệu quả; bảo đảm xử lý kịp thời các tình huống dịch bệnh xảy ra.
13. Sở Y tế chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tổ chức thực hiện nghiêm công tác cách ly (tập trung, tại nhà, tại nơi lưu trú, cách ly y tế…); tổ chức xét nghiệm ngay các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, viêm đường hô hấp trong cộng đồng, nhất là tại các cơ sở y tế; bảo đảm sẵn sàng cơ sở vật chất, thuốc, vật tư y tế, hóa chất xét nghiệm, phương tiện phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh; triển khai quyết liệt các biện pháp để bảo vệ lực lượng tuyến đầu là nhân viên y tế, tuyệt đối không để lây nhiễm; cung cấp đầy đủ trang thiết bị phòng hộ cá nhân, kiểm soát nhiễm khuẩn cho nhân viên y tế. Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong các cơ sở y tế theo chỉ đạo của Bộ Y tế. Chủ động phối hợp với Sở Tài chính tham mưu mua sắm bổ sung các trang thiết bị y tế cần thiết để phục vụ công tác phòng, chống dịch.
14. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các hội, đoàn thể vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; tích cực tham gia phòng, chống dịch cùng với chính quyền địa phương, với cộng đồng.