An Lão- Nỗ lực giúp người dân giảm nghèo bền vững

Thứ hai - 13/04/2020 16:22
Trong giai đoạn 2009 – 2019, từ các chủ trương, chính sách ưu tiên và những nguồn lực hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, huyện An Lão đã được đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, các chương trình an sinh xã hội, đầu tư hỗ trợ sản xuất, phát triển kinh tế xã hội. Nhờ đó, đời sống của đồng bào từng bước được cải thiện, diện mạo nông thôn miền núi ngày một khởi sắc hơn.
An Lão- Nỗ lực giúp người dân giảm nghèo bền vững
Trong hơn 10 năm, huyện An Lão được ngân sách Trung ương hỗ trợ trên 397,7 tỷ đồng đầu tư thực hiện 161 công trình giao thông, thủy lợi, giáo dục, dân dụng... mang lại kết quả đáng kể như: 100%  khu dân cư, bản làng có điện lưới quốc gia phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt và có đường bê tông đến tận thôn, bản. Hệ thống trường học, trạm y tế, điện sinh hoạt, thiết chế văn hóa  được đầu tư xây dựng khang trang .Các xã đã tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát huy thế mạnh từng vùng, áp dụng KHKT, phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa. Đã thực hiện 26 mô hình khuyến nông-khuyến lâm như: mô hình nuôi chình; trồng cây ăn quả; nuôi ong lấy mật; nuôi gà sinh học;duy trì và phát triển đàn heo đen tại địa phương… Các mô hình cơ bản đáp ứng được nhu cầu nhân dân, phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên của từng địa bàn, góp phần giúp bà con toát nghèo bền vững.
Chủ tịch UBND huyện An Lão, Phạm Văn Nam cho biết: “Tuy điều kiện địa phương còn nhiều khó khăn song thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, công tác giảm nghèo bền vững đã được Huyện ủy, UBND huyện và các cơ quan chức năng triển khai có hiệu quả. Công tác giảm nghèo đã thực sự giúp người dân có cơ hội phát triển sản xuất; nhiều hộ dân có nhà ở, nhiều học sinh có học bổng nên yên tâm học tập; đường nông thôn được nâng cấp, cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội ổn định, phát triển. Từ đó, đã giúp nhân dân, đặc biệt là đồng bào DTTS tin tưởng vào Đảng, vào Chính phủ, chung sức cùng chính quyền xây dựng kinh tế-xã hội ổn định, tạo công ăn việc làm, từng bước thoát nghèo”.
Cùng với sự hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước thì sự tham gia, đồng hành, hỗ trợ mạnh mẽ nguồn lực vật chất của các Tập đoàn kinh tế, Tổng Công ty, các Doanh nghiệp đối với  huyện An Lão cũng rất lớn. Đã có hơn 51 tỷ 884 triệu đồng từ các đơn vị hỗ trợ để xóa nhà tạm, hỗ trợ về giáo dục, y tế, an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho dân trên địa bàn. Toàn huyện đã có 819 nhà ở được hỗ trợ sửa chữa và xây dựng mới…
Ngoài các chính sách triển khai theo Nghị quyết 30a, trên địa bàn huyện cũng đang thực hiện các chương trình giảm nghèo khác như Chương trình 135, Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và các chương trình về chính sách cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Từ nguồn vốn được hỗ trợ, huyện đã thực hiện các chính sách như giao khoán bảo vệ rừng với diện tích 22.737,7 ha cho 2.169 hộ, nhờ đó đã tạo điều kiện để người dân tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nhận thức, trách nhiệm cũng như năng lực của các xã và người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng được nâng cao; giảm thiểu đáng kể tình trạng phá rừng, đốt rừng làm nương rẫy, hạn chế việc xâm lấn đất rừng.
Hàng năm, huyện cũng đẩy mạnh tuyên truyền về xuất khẩu lao động đến các thôn, khu dân cư. Toàn huyện đã có 253 lao động được xuất cảnh đi làm việc tại một số nước như:  Malaysia, Đài Loan , Hàn Quốc, Nhật Bản..., trong đó có những lao động có thu nhập cao gửi về cho gia đình, góp phần thoát nghèo bền vững. Mặt khác, huyện cũng hỗ trợ đào tạo, tập huấn; xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông, lâm thủy sản của địa phương; thông tin thị trường cho nông dân. Nhờ đó, các hoạt động thương mại, dịch vụ được mở rộng, nhiều cơ sở kinh doanh mới được thành lập, hệ thống chợ được đầu tư và đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả, phục vụ kịp thời, đáp ứng tương đối đầy đủ nhu cầu cho đời sống, sản xuất của nhân dân. Mạng lưới trường lớp trên địa bàn cơ bản đảm bảo dạy và học, phòng học kiên cố hóa từng bước được xây dựng thay thế các phòng học xuống cấp và phòng học tạm, trang thiết bị dạy học cũng được mua sắm để phục vụ tốt hơn cho việc dạy và học. Đề án kiên cố hóa trường lớp học, nhà công vụ giáo viên cũng được thực hiện tốt. 100% giáo viên, cán bộ quản lý được bồi dưỡng thường xuyên, tập huấn nâng cao nghiệp vụ. 100% đội ngũ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn. Huyện cũng thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách đối với học sinh dân tộc thiểu số, học sinh thuộc con em hộ nghèo, giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục công tác ở vùng dân tộc.
Toàn huyện cũng đã mở 39 lớp đào tạo trình độ sơ cấp nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp cho 1.254 học viên. Hơn 85% lao động có việc làm sau khi học nghề. Đa số lao động sau khi được đào tạo nghề đã phát huy kiến thức, chuyển đổi nghề phù hợp với điều kiện địa phương và gia đình; biết sử dụng kiến thức đã học để bắt tay vào lao động sản xuất vươn lên thoát nghèo.
Với việc thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp, tỷ lệ hộ nghèo của  huyện giảm từ 63,67% ( năm 2011) xuống còn 43,17% ( năm 2015) ; giai đoạn 2016-2020 theo chuẩn mới, giảm từ 59,90% ( năm 2016) xuống còn 36,34% ( năm 2019). Bình quân mỗi năm giảm 7,13%, đạt và vượt chỉ tiêu 5%/năm .Tỷ lệ người dân có thẻ bảo hiểm y tế đạt 100%; 100% xã đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế; 97,1% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh…
Có thể nói, qua hơn 10 năm, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 30a đã tác động tích cực đến đời sống nhân dân; trình độ, nhận thức của đội ngũ cán bộ về công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong quản lý kinh tế - xã hội được nâng lên rõ rệt. Một số cấp ủy cơ sở, chính quyền địa phương đã tích cực, quyết liệt chung tay trong công tác giảm nghèo; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh qua hàng năm. Tuy nhiên, tốc độ giảm nghèo không đồng đều giữa các vùng, khu vực trong huyện, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo vẫn ở mức cao so với mặt bằng chung của tỉnh. Nhận thức, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ và người dân về chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững còn hạn chế. Bản thân các hộ nghèo còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nguồn hỗ trợ, chính sách ưu đãi của Nhà nước, chưa tích cực tăng gia sản xuất vươn lên thoát nghèo.
Trong những năm tiếp theo, huyện An Lão tiếp tục nỗ lực, phấn đấu để hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch của Nghị quyết 30a. Riêng trong năm 2020, toàn huyện phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo 9,12%...
                                                         

Tác giả bài viết: Thy Phương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây