Trong đời sống tinh thần của mỗi người, sách là tinh hoa tri thức của nhân loại, là người thầy siêu việt thắp sáng nguồn tri thức vô biên, dạy chúng ta biết sống và biết hy sinh. Có thể nói sách chính là người bạn tâm giao chia sẻ của mỗi người và đọc sách từ lâu đã trở thành một nhu cầu cần thiết của xã hội loài người trên thế giới. Đọc sách giúp chúng ta tích lũy kiến thức để học tập, nghiên cứu và có những trải nghiệm quý báu.
Từ xa xưa, ông cha ta đã coi việc đọc sách là một nét văn hóa cao đẹp. Đọc sách, lưu giữ sách với việc hình thành các tủ sách, thư viện sách là con đường tích lũy, hình thành và phát triển văn hóa đọc. Khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong toàn dân chính là động lực và công cụ chủ yếu để thực hiện mục tiêu phấn đấu xây dựng nền tảng tri thức trong mỗi con người, mỗi gia đình và toàn xã hội. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn “Bất luận làm công việc gì cũng cần phải đọc sách. Người mới học chữ cần đọc để không mù lại, người làm công an cần đọc để nắm tình hình. Những người làm công việc chuyên môn cần đọc để nâng cao trình độ. Người làm quản lý lãnh đạo cần phải đọc để quản lý, lãnh đạo tốt hơn. Làm nhà báo, nhà văn lại càng phải đọc”. Ngày nay, cả nhân loại đang trên đường hướng đến một xã hội học tập. Vì vậy, sách trở thành một phương tiện quan trọng để con người đến với tri thức. Tuy nhiên, một thực trạng đáng lo ngại trong những năm gần đây, đó là xu hướng lười đọc sách, ngại đọc sách. Văn hóa đọc đang có những thay đổi, người ta đọc sách nặng về giải trí hơn là để tìm trong đó những kiến thức hoặc bồi bổ cho những nhu cầu tinh thần. Thế kỷ 21 với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, văn hóa đọc đã bị lấn át bởi sự lôi cuốn của việc sử dụng mạng Internet và các phương tiện nghe nhìn, tất nhiên đây cũng là xu hướng tất yếu của thời cuộc. Tuy nhiên, việc đọc sách, báo trên điện thoại, máy tính,…rõ ràng sẽ rất khác so với việc được cầm trên tay cuốn sách còn thơm mùi giấy, lật giở từng trang để nghiền ngẫm và cảm nhận trực tiếp qua từng trang sách, để từ đó, chúng ta sẽ nhìn nhận mọi vấn đề, sự việc trong cuộc sống theo một góc nhìn có chiều sâu hơn và lan tỏa những niềm vui từ trang sách đến với người xung quanh... Nhận thức tầm quan trọng, giá trị to lớn của sách và thực trạng văn hóa đọc hiện nay,ngày 24/02/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 284/QĐ-TTg, lấy ngày 21 tháng 4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam. Ngày Sách Việt Nam được tổ chức hàng năm nhằm khuyến khích, phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Đồng thời, tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội; tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ, quảng bá sách. Bên cạnh đó, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam. Hãy bắt đầu chọn cho mình một cuốn sách phù hợp để đọc, hãy tạo thói quen đọc sách thường xuyên để mở mang kiến thức và học hỏi được nhiều điều quý giá trong cuộc sống; hãy tích cực hưởng ứng các hoạt động tôn vinh sách và văn hóa đọc để Ngày Sách Việt Nam 21/4 trở thành một hoạt động xã hội mang biểu trưng văn hóa diễn ra hằng năm, góp phần nuôi dưỡng, duy trì, phát triển, khẳng định và tôn vinh Sách và Văn hóa đọc ở Việt Nam- một nước có nền văn hiến lâu đời./.