Lấy xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, người dân là “chiến sỹ”, là trung tâm phục vụ, là chủ thể phòng, chống dịch

Thứ tư - 25/08/2021 13:58
Đó là một trong các nội dung chỉ đạo tại Công điện số 11 ngày 25/8 do Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long đã ký về việc tiếp tục tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn cả nước, nhất là tại các tỉnh, thành khu vực phía Nam đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường; số mắc COVID-19 mới hàng ngày lên đến trên 10.000 ca. Tại tỉnh ta, tính từ ngày 29/6/2021 đến ngày 25/8/2021, đã phát hiện 591 ca mắc COVID-19 tại 10 huyện, thị xã, thành phố; trong đó có 374 ca đã điều trị khỏi, 06 ca tử vong, 211 ca đang điều trị tại các cơ sở y tế. Trong thời gian qua, công tác phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh đã được thực hiện khá tốt; các cấp, các ngành đã quyết tâm, nỗ lực, cố gắng thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo tỉnh về phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên vẫn còn một số địa phương, đơn vị tổ chức thực hiện chưa quyết liệt, công tác đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện ở cơ sở có thời điểm còn chưa sâu sát, chưa kịp thời, vẫn còn chủ quan, lơ là, lúng túng trong công tác phòng chống dịch; còn có trình trạng nể nang, né tránh, không kịp thời ban hành các Quyết định xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật trong phòng, chống dịch COVID-19; không quản lý chặt các phòng khám tư nhân, nhà thuốc, nên không kịp thời theo dõi thông tin các đối tượng có triệu chứng ho, sốt, cảm, đau họng, khó thở tự ý mua thuốc để triển khai nhanh, hiệu quả các biện pháp sàng lọc, xác định đối tượng có nguy cơ, nguy cơ cao. Công tác tuyên truyền, vận động ở một số địa phương chưa được hiệu quả; có biểu hiện phòng, chống dịch “chặt ngoài, lỏng trong”. Đặc biệt, một bộ phận người dân có tư tưởng chủ quan, chưa tự giác khai báo y tế hoặc khai báo y tế không trung thực; gặp gỡ, tụ tập đông người, không thực hiện nghiêm việc cách ly người với người, nhà với nhà theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ; dẫn đến một số địa phương liên tục xuất hiện các ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng. Đồng thời, một số địa phương chưa chủ động chuẩn bị và triển khai phòng chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc” và theo phương châm “bốn tại chỗ”; tổ chức triển khai còn thiếu kiên quyết, chưa đồng bộ; việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện phòng, chống dịch có nơi còn yếu; còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của cấp trên; việc chấp hành giãn cách xã hội của người dân tại một số địa phương chưa nghiêm, làm lây lan dịch bệnh; thực hiện xét nghiệm sàng lọc còn sót đối tượng.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1102/CĐ-TTg ngày 23/8/2021 về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên toàn quốc; để công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 đạt được hiệu quả cao hơn, với tinh thần chủ động phát hiện sớm, bao vây, khoanh vùng dập dịch, không để dịch bệnh lây lan, tạo ra ổ dịch lớn, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong do mắc COVID-19; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành trong tỉnh:
1. Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại địa phương, đơn vị theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Phải xác định công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 là nhiệm vụ cấp bách trước mắt và lâu dài; không được tự mãn với kết quả phòng, chống dịch; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; phải luôn sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra; tăng cường các biện pháp để phát hiện sớm nguồn lây, điều tra, truy vết, khoanh vùng rộng, phong tỏa hẹp, xét nghiệm thần tốc, cách ly phù hợp, dập dịch triệt để. Nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị; chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên nếu để xảy ra, lây lan dịch bệnh tại địa phương, đơn vị do chủ quan, lơ là, chậm trễ trong triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
2. Bảo đảm đáp ứng các yêu cầu về phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Lấy xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, người dân là “chiến sỹ”, là trung tâm phục vụ, là chủ thể phòng, chống dịch. Sự tham gia, chấp hành, tuân thủ quy định của người dân đóng vai trò quyết định thành công trong phòng, chống dịch; đây là trách nhiệm, là nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình mình và cộng đồng. Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của Nhân dân.
3. Tiếp tục kéo dài việc thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh theo Chỉ thị 14/CT-UBND ngày 30/7/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh để phòng, chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ đến khi có thông báo mới của UBND tỉnh (trừ các địa phương đang thực hiện các quyết định của UBND tỉnh về giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ).
4. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, về tác hại và sự nguy hiểm của dịch bệnh COVID-19; qua đó, vận động, hướng dẫn, yêu cầu người dân thực hiện nghiêm túc quy định về giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg, Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Thực hiện xử lý nghiêm, kể cả xử lý hình sự, đối với các trường hợp vi phạm  quy định về phòng chống dịch bệnh, phong tỏa, giãn cách xã hội, gây lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
5. UBND huyện Phù Cát, UBND thị xã An Nhơn chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm các biện pháp để phong tỏa toàn diện, giãn cách xã hội đối với Phường Đập Đá và các xã Cát Tường, Cát Tiến, Cát Hưng, Cát Thắng, Cát Hải theo quyết định của UBND tỉnh.
6. UBND thị xã An Nhơn, các huyện Phù Cát, Tuy Phước chủ trì, phối hợp với Sở Y tế lập kế hoạch, tổ chức xét nghiệm sàng lọc cho người dân tại các ổ dịch trên địa bàn, với tinh thần chính xác, nhanh, hiệu quả, kịp thời phát hiện các ca bệnh, ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
 7. UBND, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp phải ưu tiên cao nhất cho công tác phòng, chống dịch bệnh; đảm bảo thường trực 24/24 giờ, chỉ đạo thường xuyên, liên tục để kịp thời giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại địa bàn. Tùy tình hình diễn biến dịch bệnh, quan tâm chỉ đạo phát triển các mặt kinh tế - xã hội và các công việc quan trọng khác của địa phương, của tỉnh trên nguyên tắc bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng, chống dịch COVID-19.
8. Huy động sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức tôn giáo, các tổ chức khác và cộng đồng doanh nghiệp trong công tác phòng, chống dịch, nhất là vận động, hướng dẫn, giải thích, thuyết phục và yêu cầu người dân chấp hành nghiêm việc tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch.
Các địa phương tiếp tục tăng cường công tác rà soát, kiểm tra chặt chẽ người đi từ vùng, địa phương có dịch về tỉnh, đặc biệt là tài xế xe tải đường dài, để kịp thời phát hiện, theo dõi sức khỏe, cách ly phù hợp; quản lý, giám sát chặt chẽ các trường hợp sau cách ly y tế tập trung trở về địa phương, người được cách ly tại nhà, nơi lưu trú theo đúng quy định; mỗi tổ dân phố, khu vực, thôn phải tăng cường hoạt động của các tổ/đội COVID cộng đồng để "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng".
9. Ngành y tế và các địa phương quan tâm chăm sóc sức khỏe, động viên tinh thần, vật chất, bố trí nơi ăn nghỉ cho lực lượng y tế, nhằm đảm bảo sức khỏe, tinh thần cho lực lượng tuyến đầu chống dịch.
10. Sở Y tế bố trí tăng cường nhân lực, phối hợp với các địa phương tổ chức xét nghiệm nhanh; tập huấn, nâng cao năng lực điều trị bệnh nhân COVID-19 cho các cơ sở điều trị trực thuộc; khẩn trương mở rộng khu điều trị bệnh nhân COVID-19; tăng cường năng lực tiêm chủng, đảm bảo tổ chức hoàn thành Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trong thời gian sớm nhất theo phương châm "an toàn, nhanh chóng, hiệu quả, đúng đối tượng". Tổ chức thực hiện chiến dịch tiêm chủng đảm bảo an toàn và tiến độ theo yêu cầu của Bộ Y tế và của tỉnh.
UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tổ chức, củng cố, mở rộng các điểm tiêm ngoài bệnh viện nhằm đảm bảo an toàn cho bệnh viện và đạt tiến độ yêu cầu; chỉ đạo việc chốt danh sách và nhập số liệu toàn bộ đối tượng trong diện tiêm vắc xin để sẵn sàng cho việc thực hiện tiêm chủng.
11. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế và các địa phương rà soát, sắp xếp lại, lựa chọn cơ sở cách ly tập trung phù hợp, đảm bảo năng lực cách ly theo phương án UBND tỉnh đã chỉ đạo; đồng thời trả lại nguyên trạng các trường học đang tạm mượn cho ngành giáo dục và đào tạo để chuẩn bị vào năm học mới. Chuẩn bị sẵn sàng các khu cách ly y tế tập trung đảm bảo năng lực cách ly tại cơ sở của quân đội và tại Trường Đại học Quy Nhơn, Trường Cao đẳng Bình Định.
12. Sở Lao động Thương binh và Xã hội và các địa phương khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện chính sách hỗ trợ đối với người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ; nhất là chính sách hỗ trợ đối với người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) nhằm bảo đảm an sinh xã hội, kịp thời chia sẻ khó khăn của người dân và doanh nghiệp.
13. Sở Giáo dục Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở Y tế hướng dẫn các đơn vị, địa phương, các trường học về thời gian bắt đầu năm học mới 2021-2022 đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, kế hoạch năm học và sức khỏe cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh.
14. Sở Nông nghiệp và PNTT chỉ đạo, hướng dẫn duy trì sản xuất nông nghiệp, dịch vụ tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, các hoạt động phục vụ chăn nuôi đàn gia súc gia cầm, nuôi trồng thủy sản, công tác thu hoạch, cung ứng nông thủy sản cho Nhân dân trong tỉnh đảm bảo công tác an toàn phòng chống dịch.
15. Công an tỉnh tăng cường chỉ đạo việc đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội, phòng chống tội phạm trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ lực lượng cho thị xã An Nhơn, huyện Phù Cát kiểm tra, giám sát việc chấp hành thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với người dân tại địa bàn.
16. Sở Công thương, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh phối hợp hướng dẫn hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ, giải quyết các vướng mắc, khó khăn cho các doanh nghiệp do ảnh hưởng của đại dịch theo quy định.
17. Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh tăng cường tuần tra kiểm soát các tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm các phương tiện vận tải vi phạm quy định phòng, chống dịch; nhất là đối với các xe tải đường dài đã được cấp mã nhận diện "luồng xanh" nhưng thực hiện không nghiêm quy định phòng, chống dịch.
18. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Bình Định, Đài Phát thanh và Truyền hình đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch, tích cực tham gia các hoạt động phòng chống dịch với tinh thần "mỗi người dân là một chiến sỹ”, "mỗi xã, phường, thị trấn là một pháo đài”. Đặc biệt phổ biến cho người dân khi có biểu hiện nhức mỏi, ho, sốt... phải kịp thời đến cơ sở y tế nơi gần nhất để khai báo y tế và khám bệnh; trường hợp người dân tự đi mua thuốc tại các cơ sở bán lẻ thuốc thì người bán thuốc phải tư vấn và chuyển thông tin của người mua thuốc đến trạm y tế để giám sát, xét nghiệm, kịp thời phát hiện trường hợp nhiễm SARS-CoV-2.
Sở Y tế và các địa phương xử lý nghiêm theo quy định các cơ sở bán lẻ thuốc không thông báo cho cơ quan y tế khi bán thuốc cho những người có biểu nhức mỏi, ho, sốt, để xảy ra lây lan dịch bệnh./.

 

Tác giả bài viết: Phong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây