TRÁCH NHIỆM CÔNG DÂN VỚI LÁ PHIẾU BẦU CỬ

Thứ hai - 17/05/2021 09:42
Ngày 23/5/2021, cử tri cả nước đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026.
Đây là ngày hội lớn của toàn dân, thực hiện cuộc vận động chính trị và sinh hoạt dân chủ sâu rộng, trực tiếp lựa chọn những đại biểu xứng đáng, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân tại cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất và cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương.
Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND là một trong những quyền chính trị cơ bản của công dân đã được Hiến pháp ghi nhận. Bầu cử là phương thức thể hiện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN nói chung và thành lập cơ quan quyền lực nhà nước ở Trung ương và địa phương nói riêng. Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: “Nhà nước CHXHCN Việt Nam là nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân,…Nước CHXHCN Việt Nam do Nhân dân làm chủ, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân”. Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND là dịp để người dân thể hiện quyền làm chủ của mình thông qua lá phiếu bầu, trực tiếp lựa chọn những người có đủ đức, đủ tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân bầu vào cơ quan quyền lực Nhà nước các cấp, thiết thực góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân.
Mỗi cử tri khi tham gia bầu cử không những là niềm vinh dự được thực hiện quyền dân chủ, mà còn là nghĩa vụ công dân, thể hiện trách nhiệm chính trị của mình với đất nước, với dân tộc. Lá phiếu bầu biểu hiện sinh động niềm tin của dân với Đảng, với Nhà nước.
Thực tế qua nhiều cuộc bầu cử, bên cạnh số đông cử tri tâm huyết với đất nước, với dân tộc, nêu cao trách nhiệm công dân của mình, vẫn còn một bộ phận cử tri có biểu hiện bàng quang, lơ là việc tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Biểu hiện phổ biến ở những cử tri này  là thiếu quan tâm đến cuộc bầu cử, coi sự kiện chính trị quan trọng này không liên quan đến bản thân, nên thường nhờ người khác đi bầu hộ; không tìm hiểu kỹ về nhân thân các ứng cử viên, không nắm rõ số lượng đại biểu được bầu, chưa hiểu biết về từng ứng cử viên,… nên gạch tên đại biểu một cách vô thức, rồi bỏ vào hòm phiếu để được đóng dấu xác nhận là “đã bỏ phiếu”.
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026 lần này có ý nghĩa trọng đại, được tổ chức trong thời điểm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra thành công tốt đẹp. Đặc biệt, cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh công cuộc đổi mới ở nước ta sau 35 năm đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế- xã hội, nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.
Để đảm bảo cuộc bầu cử thành công, ngoài nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, còn đòi hỏi sự tích cực, chủ động và tham gia có trách nhiệm của tất cả cử tri. Cử tri cần tự mình tham gia bầu cử, nghiên cứu kỹ tiêu chuẩn đại biểu, số lượng ứng cử viên và số đại biểu được bầu tại đơn vị bầu cử. Ứng cử viên ghi trong phiếu bầu cử là những người đã được lựa chọn qua hội nghị hiệp thương, đều đủ tiêu chuẩn. Tuy nhiên, khi cầm lá phiếu trên tay, cử tri cần cân nhắc, lựa chọn kỹ lưỡng, bầu đủ số lượng đại biểu được bầu là những ứng cử viên thật sự tiêu biểu, có kiến thức, năng lực phản ánh được ý chí và nguyện vọng chính đáng của Nhân dân với cơ quan dân cử./.

                                                                                    

Tác giả bài viết: Lệ Thùy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây