AN LÃO- XÂY DỰNG VÀ THỰC HIỆN CÓ HIỆU QUẢ CÁC CHƯƠNG TRÌNH VỀ CHĂM SÓC, GIÁO DỤC VÀ BẢO VỆ TRẺ EM

Thứ ba - 05/04/2022 07:37
Những năm qua, Đảng bộ huyện An Lão luôn xác định công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em vừa là nhiệm vụ quan trọng, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, gia đình, nhà trường và xã hội; xác định rõ trách nhiệm của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; vận động toàn dân tham gia công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em…
l
                                                    Trường Mầm non huyện khang trang sạch đẹp
Hiện nay toàn huyện có 8.997 trẻ em. Trong đó: trẻ em dưới 06 tuổi 3.257 trẻ, chiếm tỷ lệ 10,03% trên tổng dân số. Hầu hết các em được bảo vệ, chăm sóc, được trợ giúp về y tế, giáo dục và các hoạt động khác. 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được thăm hỏi, tặng quà nhân dịp các ngày lễ, tết trong năm (năm 2012 có 131/131 trẻ, năm 2016 có 142/142 trẻ, năm 2021 có 127/127 trẻ). Ngoài ra, huyện còn thăm hỏi, hỗ trợ đột xuất cho trẻ em bị tai nạn rủi ro để góp phần động viên và giúp trẻ em vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống và học tập. Nhằm khích lệ, động viên tinh thần hiếu học, biết vươn lên trong cuộc sống cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; từ năm 2012 đến nay, huyện đã trao tặng 1640 suất học bổng dưới nhiều hình thức như: tặng bằng tiền mặt, xe đạp và dụng cụ học tập.
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách và ban hành nhiều văn bản liên quan đến giáo dục và đào tạo: Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế”; Chương trình hành động số 20-CTr/TU ngày 25/7/2014 của Tỉnh ủy về triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW; Chương trình hành động số 05-CTr/HU ngày 22/12/2015 của Huyện ủy về nâng cao chất lượng giáo dục- đào tạo, giai đoạn 2016-2020; cơ sở vật chất trường lớp học, trang thiết bị dạy học tiếp tục được huyện quan tâm đầu tư, cơ bản đáp ứng cho công tác quản lý, công tác dạy và học.
Các trường trung học cơ sở, phổ thông dân tộc bán trú chú trọng giáo dục hướng nghiệp cho học sinh khối lớp 9 bằng kế hoạch giáo dục cụ thể do Hiệu trưởng trực tiếp giảng dạy, qua các chủ đề dạy học giúp các em học sinh định hướng nghề nghiệp trong tương lai sau khi kết thúc tốt nghiệp trung học cơ sở hằng năm. Đa số học sinh lớp 8 các trường trực thuộc tham gia học nghề tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện (04 nghề: may, điện dân dụng, nấu ăn, tin học). Thực hiện việc giáo dục các nội dung tích hợp ở các môn Lịch sử, Địa lí, Âm nhạc với việc giáo dục truyền thống cách mạng của địa phương, bảo tồn Di sản văn hóa cồng, chiêng; nét đẹp nhà sàn của người dân tộc Hre, Bana Chú trọng giáo dục nhân cách, kỹ năng sống cho học sinh  ngay từ đầu năm học thông qua chào cờ đầu tuần, các hoạt động tập thể, các hoạt động ngoại khóa. Đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học, gắn giáo dục nhà trường với thực tiễn cuộc sống. Lồng ghép, tích hợp giáo dục đạo đức, xây dựng thói quen hình thành nhân cách; tăng cường giáo dục pháp luật; giáo dục nhận thức về quyền của trẻ em; bình đẳng giới; phòng chống tai nạn thương tích; tuyên truyền, giáo dục chủ quyền quốc gia về biên giới, biển đảo; bảo vệ môi trường; bảo tồn thiên nhiên; ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, giáo dục an toàn giao thông…
 Quan tâm chỉ đạo các trường triển khai cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật cho học sinh trung học, giúp các em có niềm đam mê và thực hiện các ý tưởng của các em dựa trên kiến thức bài học. Trong năm học 2018-2019 có 02 sản phẩm được chọn dự thi cấp tỉnh: máy tuốt lúa đa năng Mini của học sinh lớp 8 trường PTDTBT Đinh Ruối, máy ấp trứng của học sinh lớp 9 trường PTDTBT An Lão.
Chú trọng triển khai các văn bản Luật mới, cùng với một số luật liên quan đến trẻ em như: Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Thông tư liên tịch số 05/2015/TTLT-BTP-BCA-BYT về việc hướng dẫn thực hiện liên thông các thủ tục hành chính về đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ Bảo hiểm Y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi;… Sau 10 năm thực hiện (từ năm 2012- 2021) đã tổ chức hơn 400 hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với hơn 30.000 lượt người tham dự.
Qua thực hiện công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, trình độ hiểu biết về pháp luật của Nhân dân ngày càng được nâng cao, qua các năm số vụ việc vi phạm pháp luật về trẻ em giảm đáng kể, trẻ em sinh ra đều được đăng ký khai sinh, được cấp thẻ Bảo hiểm Y tế miễn phí, được đi học đúng độ tuổi quy định. Những kết quả trên đã góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng, tạo môi trường xã hội phù hợp với trẻ em, góp phần phòng ngừa và ngăn chặn trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Hiện nay, trên địa bàn huyện không có trẻ em lang thang; trẻ em bị xâm hại tình dục; trẻ em bị bạo lực, trẻ em phải lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, hạn chế đến mức thấp nhất trẻ em bị tai nạn thương tích xảy ra trên địa bàn.
Ngoài ra, Phòng Lao động - TB&XH phối hợp với UBND thị trấn An Lão tổ chức Lễ ra mắt Mô hình cung cấp, kết nối, trợ giúp trẻ em bị xâm hại, trẻ em có nguy cơ bị bạo lựcbóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại thị trấn An Lão. Đây là mô hình thí điểm nhằm cung cấp những nội dung về kỹ năng kết nối, trợ giúp trẻ em; tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật, chính sách hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị xâm hại và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; cung cấp thông tin, giáo dục kiến thức cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em về phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời hành vi xâm hại, bạo lực, bóc lột trẻ em; giáo dục kỹ năng sống nhằm giúp các em có kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ mình, bảo vệ bạn bè trước các hành vi xâm hại, bạo lực, bóc lột.
Thực hiện Quyết định 34/2014/QĐ-TTg; Quyết định 06/QĐ-TTg của Thủ Tướng Chính phủ và Quyết định số 297/QĐ-UBND ngày 18/6/2012 của UBND tỉnh Bình Định “V/v ban hành kế hoạch triển khai xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em giai đoạn 2012-2015”, những hoạt động bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em luôn được Đảng bộ, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện An Lão thực hiện thường xuyên, liên tục với sự đồng thuận cao của các cấp, các ngành ở địa phương trong việc phối hợp thực hiện các tiêu chí liên quan đến trẻ em. Số xã, thị trấn được công nhận phù hợp với trẻ em được duy trì, đến nay, huyện An Lão có 10/10 xã, thị trấn đạt chuẩn xã, thị trấn phù hợp với trẻ em, không có trẻ em nghiện ma túy, không có trẻ em bị bóc lột, bị mua bán, trẻ em di cư, trẻ em lánh nạn, tị nạn chưa xác định được cha mẹ hoặc không có người chăm sóc; 100% trẻ em mồ côi, khuyết tật được chính quyền, xã hội quan tâm, trợ giúp kịp thời. 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em dưới 3 tuổi là người đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp bằng nhiều hình thức khác nhau như: Trợ cấp xã hội thường xuyên; giáo dục; y tế, chăm sóc sức khỏe để phục hồi, hòa nhập cộng đồng để có điều kiện sinh sống, học tập và phát triển.
Cùng với việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, các cuộc vận động trong cơ sở giáo dục nhằm tạo cảnh quan, môi trường trong các trường học đảm bảo xanh, sạch, đẹp, an toàn và thân thiện được thực hiện mang lại hiệu quả cao. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy và học trong trường học, nhiều tủ sách, điểm vui chơi đạt tiêu chuẩn dành cho trẻ em ở các xã, thị trấn được quan tâm đầu tư xây dựng đáp ứng được nhu cầu học tập, giải trí cho các em học sinh, giúp cho các em học sinh có môi trường học tập tốt, chất lượng giáo dục toàn diện được giữ vững, hoàn thành các chương trình đạt kết quả cao. Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi đạt 100%, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non đạt 100%.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhằm chung tay bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh, huyện đã tập trung tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử của UBND huyện các tài liệu, sản phẩm truyền thông, hướng dẫn về bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong đại dịch Covid-19 đã được Cục Trẻ em (Bộ Lao động-TB&XH) phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) và các tổ chức Quốc tế xây dựng, sản xuất. Trang bị cho trẻ em các kiến thức, kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ bản thân trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Các cơ quan chức năng của huyện đã phối hợp với các xã, thị trấn theo dõi, cập nhật tình hình tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với trẻ em, nhu cầu cần hỗ trợ của trẻ em; triển khai các biện pháp bảo vệ trẻ em, bảo đảm an toàn cho trẻ em theo tinh thần chỉ đạo của cấp trên; đẩy mạnh công tác tuyên truyền bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong đại dịch Covid-19 bằng nhiều hình thức đa dạng. Phối hợp với ngành y tế báo cáo danh sách trẻ em là đối tượng F1 đang thực hiện cách ly để tổng hợp đề nghị các cấp hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ.
Có thể nói, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong những năm qua luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quan tâm triển khai thực hiện, nhằm góp phần quan trọng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng quê hương An Lão ngày càng giàu đẹp.

 

Tác giả bài viết: Kim Liên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây