XÂY DỰNG ĐẢNG VỀ CHÍNH TRỊ TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
Thứ ba - 24/05/2022 07:14
Xây dựng Đảng về chính trị là vấn đề quan trọng hàng đầu, có ý nghĩa tiền đề cho các nội dung khác của công tác xây dựng Đảng. Xây dựng Đảng về chính trị là căn cứ chủ yếu nhận diện tính chính đáng, bản chất chính trị của Đảng, là căn cứ hàng đầu để xác định vai trò của Đảng trong đời sống chính trị. Trong điều kiện Đảng Cộng sản Việt Nam là một đảng duy nhất lãnh đạo và cầm quyền, vai trò cầm quyền và xây dựng năng lực cầm quyền của Đảng trở thành nội dung chính, căn bản của xây dựng Đảng về chính trị.
Xây dựng Đảng về chính trị là xây dựng cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng, tính đại diện của Đảng, phù hợp với quy luật khách quan và đặc điểm lịch sử của đất nước trong từng giai đoạn phát triển; lãnh đạo tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối đó trong thực tiễn; bảo đảm và củng cố vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng trong đời sống xã hội.
Xây dựng Đảng về chính trị là vấn đề quan trọng hàng đầu, có ý nghĩa tiền đề cho các nội dung xây dựng Đảng khác như tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Xây dựng Đảng về chính trị cho phép nhận diện tính chính đáng, bản chất chính trị, tính tiên phong của Đảng, là căn cứ hàng đầu để xác định vai trò của Đảng trong đời sống chính trị.
Để hiện thực hóa đường lối chính trị của Đảng, xây dựng Đảng về chính trị phải làm cho Đảng có bản lĩnh chính trị vững vàng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu. Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; coi công tác cán bộ phải thực sự là “then chốt của then chốt”. Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh tinh thần đổi mới phương thức lãnh đạo và phương thức cầm quyền của Đảng. Một mặt là đổi mới cách thức ban hành, triển khai các nghị quyết của Đảng, quy phạm hóa các hoạt động sinh hoạt đảng, thực chất đó là vai trò của tập thể lãnh đạo và phải bảo đảm thực sự dân chủ. Mặt khác, trên cơ sở đó phân công cá nhân phụ trách (quản lý- cầm quyền), trong đó quy định rõ trách nhiệm cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu. Phải thể hiện rõ tính tập trung, thống nhất của hoạt động quản lý trên cơ sở các nghị quyết và quy định của Đảng và nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.
Phương thức xây dựng Đảng về chính trị là hoạch định đường lối chính trị, tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối đó trong thực tiễn. Vì vậy, yêu cầu đối với xây dựng Đảng về chính trị trong hoạch định đường lối là Đảng phải nắm được quy luật phát triển của xã hội, khuynh hướng vận động của thế giới, đất nước nói chung và trong từng giai đoạn nói riêng. Đội ngũ cán bộ, chuyên gia, nhà khoa học tham gia hoạch định đường lối phải có trí tuệ, bản lĩnh, có tầm nhìn, có quan điểm toàn diện, phát triển lịch sử cụ thể. Trong tổ chức thực hiện đường lối, Đảng phải có một đội ngũ cán bộ, đảng viên có năng lực tuyên truyền, thuyết phục Nhân dân thấm nhuần đường lối của Đảng, có năng lực tổ chức thực hiện đường lối chính trị của Đảng trong thực tiễn.
Đặc điểm của xây dựng Đảng về chính trị trong thời kỳ chưa cầm quyền và trong thời kỳ cầm quyền có điểm chung là đường lối của Đảng phải đúng đắn, phản ánh xu thế thời đại, ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, tập hợp Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, giành chính quyền. Lúc này, đường lối của Đảng chưa trở thành chính sách, pháp luật của Nhà nước để được thực hiện nhân danh các cơ quan công quyền. Trong thời kỳ Đảng cầm quyền, ngoài những tính chất chung nói trên, đường lối chính trị của Đảng đã được chuyển hóa thành chính sách, pháp luật của Nhà nước. Việc tổ chức thực hiện đường lối của Đảng chủ yếu thông qua vai trò quản lý của Nhà nước, thực thi quyền lực công. Đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, là một đảng duy nhất lãnh đạo và cầm quyền, ngoài năng lực lãnh đạo, còn đòi hỏi Đảng phải có năng lực cầm quyền. Trong bối cảnh đó, Đảng không chỉ thực thi quyền lực chính trị, mà còn thực thi cả quyền lực công. Lúc đó quyền lực chính trị của Đảng về cơ bản đã được tổ chức thành quyền lực nhà nước. Nâng cao năng lực cầm quyền là biến đường lối của Đảng thành chính sách, pháp luật và tổ chức, vận hành bộ máy nhà nước để thực hiện chính sách, pháp luật đó. Vì vậy, cầm quyền trở thành nội dung chính, căn bản của xây dựng Đảng về chính trị.
Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành đảng cầm quyền, hơn nữa là một đảng duy nhất đóng vai trò lãnh đạo và cầm quyền sau khi lãnh đạo Nhân dân giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám (năm 1945), lật đổ chính quyền thực dân, phong kiến, xây dựng Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Trong xây dựng Đảng về chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam qua nhiều thời kỳ, chúng ta chưa chú ý thỏa đáng, đầy đủ đặc điểm và mối quan hệ này nên nhiều lúc việc tổ chức thực hiện đường lối của Đảng thiếu hiệu quả. Dẫn đến xuất hiện khá nhiều trường hợp đường lối đúng, nhưng tổ chức thực hiện yếu kém.
Hiện nay, Đảng ta quan tâm đến vai trò cầm quyền và xây dựng năng lực cầm quyền của Đảng, hướng tới sự hài hòa, hợp lý giữa năng lực lãnh đạo và năng lực cầm quyền. Xây dựng Đảng không chỉ chú trọng năng lực lãnh đạo, hoạch định đường lối, mà còn chú trọng đến tổ chức thực hiện đường lối, trong đó quan trọng nhất là thông qua vai trò cầm quyền của Đảng. Trong điều kiện một đảng quy nhất lãnh đạo và cầm quyền như Đảng ta, nếu không có đường lối chính trị đúng đắn thì không thể cầm quyền hiệu quả. Ngược lại, nếu cầm quyền yếu kém thì đường lối chính trị của Đảng không được thực hiện, hoặc thực hiện không đầy đủ.
Đường lối lãnh đạo của Đảng thông qua các hoạt động cầm quyền được bổ sung, hoàn thiện, đổi mới, trên cơ sở đó đường lối của Đảng ngày càng đúng đắn hơn, hoạt động cầm quyền ngày càng hiệu lực, hiệu quả hơn, uy tín của Đảng ngày càng cao. Đảng ta là đại diện xứng đáng cho giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn dân tộc, xứng đáng là một biểu tượng của đạo đức và văn minh./.
Tác giả bài viết: Kim Liên