Đề cương tuyên truyền Kỷ niệm 70 năm thành lập Đảng bộ huyện (03/12/1950 - 03/12/2020).

Thứ tư - 02/12/2020 10:25
ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN
kỷ niệm 70 năm thành lập Đảng bộ huyện (03/12/1950 - 03/12/2020)
---------------

I. GIAI ĐOẠN TRƯỚC KHI THÀNH LẬP ĐẢNG BỘ HUYỆN AN LÃO (1930 - 1945)
An Lão là huyện vùng cao nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Bình Định, có thế núi hiểm trở, là đầu nguồn của sông Lại Giang, là nơi sinh sống của các dân tộc anh em: Kinh, H’re, Bana. Cùng với huyện Hoài Ân và Thị xã Hoài Nhơn hình thành một khu vực kinh tế, chính trị ở phía Bắc tỉnh Bình Định. Từ thuở xa xưa, trên vùng rừng núi bao la trùng điệp này, hòa với tiếng suối reo róc rách, tiếng chim muôn gọi đàn, đồng bào các dân tộc ở An Lão, bằng mồ hôi, khối óc và lòng kiên trì, nhẫn nại, với những vũ khí và công cụ lao động thô sơ, đã đấu tranh với thiên nhiên khắc nghiệt để tồn tại và phát triển. Qua quá trình lịch sử lâu dài, thích ứng, hòa nhập với môi trường tự nhiên, đồng bào các dân tộc ở An Lão đã tạo nên những thành tựu to lớn về đời sống kinh tế và văn hóa tinh thần đa dạng, phong phú.
An Lão rất tự hào về truyền thống đoàn kết, tinh thần đấu tranh bất khuất của các dân tộc anh em. Trước năm 1930, khi Đảng Cộng sản Việt Nam chưa ra đời; dưới ách thống trị của thực dân Pháp và chính quyền phong kiến tay sai, đời sống của đồng bào các dân tộc An Lão rơi vào cảnh lầm than cơ cực. Chúng xác lập, tăng cường, củng cố bộ máy cai trị, thực hiện chính sách tô thuế và bóc lột nặng nề, bố trí lực lượng quân sự, sẵn sàng đàn áp các phong trào đấu tranh; nhưng vẫn không khuất phục được người dân An Lão.
Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc, mở ra thời kỳ mới của cách mạng ở nước ta. Kể từ đây cách mạng nước ta có chính Đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo, có đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã tác động sâu sắc đến phong trào cách mạng của tỉnh Bình Định và huyện An Lão.
Đến tháng 8/1945, Việt Minh phát triển hầu khắp các làng thuộc An Lão. Tại các làng ở vùng thấp như Xuân Phong, An Lão, Vạn Long, Long Hòa, Hưng Nhượng, phong trào Việt Minh phát triển mạnh; các đoàn thể cứu quốc... được thành lập, thu hút đông đảo quần chúng tham gia. Đồng bào cấc dân tộc trên quê hương An Lão sẵn sàng tham gia phong trào cách mạng, chuẩn bị nổi dậy theo tiếng gọi của Việt Minh. Phong trào cách mạng ở An Lão phát triển sang một giai đoạn mới, giai đoạn tiến lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền theo mệnh lệnh của Đảng và Việt Minh.
Ngày 23/8/1945, dưới sự lãnh đạo Việt Minh, Nhân dân An Lão đồng loạt đứng dậy khởi nghĩa giành chính quyền. Toàn bộ chính quyền tay sai của địch ở An Lão bị đánh đổ, chính quyền lâm thời được thành lập. Cách mạng tháng Tám ở địa bàn An Lão hoàn toàn thắng lợi. Đây là kết quả của 15 năm đấu tranh kiên cường, anh dũng của Nhân dân An Lão dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Mặt trận Việt Minh. Thắng lợi đó đưa người dân An Lão từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước quê hương, làm chủ vận mệnh của mình.
II. QUÁ TRÌNH THÀNH LẬP ĐẢNG BỘ HUYỆN AN LÃO VÀ LÃNH ĐẠO CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP (1945 - 1954)
1. Quá trình thành lập Đảng bộ huyện
Sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, một trong những nhiệm vụ cấp bách trước mắt của Tỉnh ủy lâm thời Bình Định là xây dựng hệ thống tổ chức đảng từ tỉnh đến cơ sở để đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng. Song, do yêu cầu của tình hình lúc bấy giờ, tháng 11/1945, Đảng Cộng sản Đông Dương phải rút vào hoạt động bí mật với sách lược “tự giải tán”, vì vậy công tác xây dựng đảng gặp rất nhiều khó khăn. Từ tháng 3/1946, sau Hội nghị Xứ ủy Trung kỳ, công tác xây dựng đảng mới được đặt lại đúng mức. Tỉnh ủy lâm thời Bình Định cử một số cán bộ xuống các huyện kết hợp cùng đảng viên ở các huyện thành lập chi bộ cấp huyện, đồng thời cũng là ban vận động xây dựng và phát triển đảng của các huyện.
Đầu tháng 5/1946, Chi bộ Cộng sản đầu tiên của huyện Hoài Ân trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp được thành lập. Các đảng viên được phân công về các xã để tuyên truyền kết nạp đảng viên mới, nhằm vào số cán bộ, dân quân chính xã, thôn xuất sắc trong các phong trào. Lúc bấy giờ, ở khu vực xã An Hòa ngày nay có các đồng chí Tăng Xuân Mai, Nguyễn Thành là những người được sớm giác ngộ và được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy lâm thời Hoài Ân, các đồng chí Tăng Xuân Mai, Nguyễn Thành đã tiến hành tuyên truyền, vận động, phát triển được 3 đảng viên mới. Trên cơ sở đó, tháng 9/1946, chi bộ Chính Nghĩa- Chi bộ Cộng sản đầu tiên của khu vực An Hòa, An Tân ngày nay được thành lập, do đồng chí Lê Kham làm Bí thư cùng với 2 đảng viên nữa là đồng chí Thái Kế Chưởng và đồng chí Nguyễn Chại. Từ năm 1946 đến năm 1948, công tác phát triển đảng viên mới được đẩy mạnh hơn trước, đảng viên trong Chi bộ Chính Nghĩa lên tới 50 đồng chí. Năm 1949, thực hiện chủ trương của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ II (tháng 2/1949) là: Xây dựng tổ chức Đảng Cộng sản để lãnh đạo lực lượng quần chúng đông đảo và mạnh mẽ, tổng số đảng viên trong Chi bộ Chính Nghĩa lên tới 150 đồng chí. Từ đó Chi bộ Chính Nghĩa được quyết định tách thành 3 chi bộ là Thuận An, Xuân Phong và Long Khánh.
Sự hình thành và phát triển của Chi bộ Chính Nghĩa đã hỗ trợ cho công tác xây dựng và phát triển Đảng ở các xã miền núi huyện An Lão. Các xã miền núi của An Lão, từ năm 1948 trở về trước, gần như chưa có cơ sở Đảng. Tỉnh ủy chỉ định một số đồng chí đảng viên người Kinh chịu trách nhiệm lãnh đạo công tác trong huyện. Trên cơ sở đó, đến khoảng cuối năm 1949 thì chi bộ Đảng xã An Ninh (nay là An Hưng)- chi bộ xã đầu tiên của khu vực miền núi huyện An Lão được thành lập do đồng chí Đinh Rạo làm Bí thư cùng với các đảng viên khác như Đinh Riết, Đinh Vớt…
Vấn đề xây dựng, phát triển Đảng bộ huyện An Lão được đặt ra cấp thiết. Đầu năm 1950, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, giác ngộ của đội ngũ cán bộ trong huyện, công tác phát triển đảng viên mới ở An Lão ngày càng được mở rộng. Tháng 4 năm 1950, theo quyết định của Tỉnh ủy Bình Định, Ban Cán sự Đảng huyện An Lão được thành lập, do đồng chí Văn Công Hựu làm Bí thư, kiêm trưởng Ban Liên Việt huyện An Lão.
Từ khi thành lập Ban Cán sự Đảng của huyện, công tác phát triển đảng viên mới ở An Lão ngày càng đẩy mạnh. Đến ngày 01/12/1950 khu vực miền núi An Lão đã xây dựng được 6 chi bộ đảng, đó là: Chi bộ cơ quan huyện, Chi bộ xã An Ninh, Chi bộ xã An Dân, Chi bộ xã An Thành, Chi bộ xã An Thạch và Chi bộ xã  An Đồng. Trong đó 6 chi bộ của huyện, có 3 chi bộ chính thức, 3 chi bộ dự bị. Các chi bộ có số lượng từ 10 đảng viên trở lên là Chi bộ An Ninh và Chi bộ An Dân. Tổng số đảng viên trong toàn huyện An Lão đến lúc này là 122 đồng chí, trong đó có 59 đồng chí là người Kinh, 63 đồng chí người dân tộc thiểu số, 75 đồng chí là đảng viên chính thức; trong đó có 2/3 đảng viên là thanh niên, dân quân và 1/3 đảng viên là già làng và dân thường.
Trên cơ sở số lượng đảng viên và số chi bộ Đảng trên địa bàn huyện, nhằm tăng cường sự lãnh đạo thống nhất của tổ chức Đảng, ngày 03/12/1950, Huyện ủy An Lão được thành lập. Sau đó, theo chỉ đạo của Tỉnh ủy Bình Định, Huyện ủy An Lão triệu tập Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ nhất tại làng Đất Dài, xã An Dân (nay là Thị trấn An Lão). Đại hội đã kiểm điểm, đánh giá phong trào cách mạng toàn huyện trong thời gian qua, đề ra chủ trương: Đẩy mạnh phát triển, củng cố tổ chức Đảng, xây dựng bộ đội huyện và dân quân xã vững mạnh, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế tự cấp, tự túc, phát triển phong trào thi đua ái quốc, thực hiện đời sống mới... Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ huyện An Lão (khoá I) gồm 11 đồng chí, trong đó 5 đồng chí người dân tộc thiểu số, 6 đồng chí người Kinh. Đồng chí Văn Công Hựu được chỉ định làm Bí thư Huyện ủy.
2. Đảng bộ huyện An Lão lãnh đạo kháng chiến chống thực dân Pháp (1950- 1954)
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, trực tiếp là Huyện ủy, Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ nhất đi vào cuộc sống. Thực hiện chủ trương của Đảng cấp trên, Đảng bộ huyện An Lão tiếp tục lãnh đạo Nhân dân khắc phục khó khăn, tăng cường đoàn kết, tăng gia sản xuất, ổn định cuộc sống, không ngừng củng cố chính quyền, tích cực phòng giặc, trừ điệp, bảo vệ vùng tự do. Phong trào thi đua ái quốc ở An Lão đạt được một số kết quả nhất định. Đội ngũ cán bộ được bồi dưỡng về chính trị, nghiệp vụ, có kinh nghiệm thực tiễn công tác. Chính quyền và các đoàn thể ngày càng được củng cố, lực lượng vũ trang được tăng cường trang bị, luyện tập. Mặt trận dân tộc thống nhất được mở rộng.
Tháng 12/1952, Đại hội Đảng bộ huyện An Lão lần thứ II được tổ chức tại làng nước Cà Sa, xã An Đồng. Đại hội bầu Ban Thường vụ Huyện ủy gồm có 4 đồng chí (Nguyễn Du, Phan Tâm, Nguyễn Hữu Chư, Đinh Rạo); bầu đồng chí Nguyễn Du làm Bí thư Huyện ủy. Sau đại hội, Huyện ủy chỉ đạo việc kiện toàn, chỉnh huấn cán bộ ban ngành các cấp xã, huyện, thực hiện củng cố Đảng nhằm nâng cao trình độ tư tưởng, chính trị cho cán bộ, đảng viên. Huyện ủy An Lão mở một lớp bồi dưỡng cho 45 cán bộ, đảng viên đóng vai trò tích cực trong các phong trào, có nhiều đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, qua 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng bộ và Nhân dân An Lão đã đạt được nhiều thành tích nổi bật trên tất cả các mặt công tác. Về xây dựng Đảng: trong cả 3 huyện Vĩnh Thạnh, Vân Canh và An Lão tính đến ngày 01/12/1950 có tổng số 145 đảng viên là người dân tộc thiểu số thì riêng huyện An Lão có 63 đồng chí, trong đó có 01 nữ đảng viên và là huyện có số đảng viên chính thức cao nhất với 34 đảng viên. Công tác xây dựng chính quyền, dân vận, quân sự, văn hóa, giáo dục, đã đóng góp cho kháng chiến, bảo vệ vững chắc vùng tự do, phục vụ đắc lực cho tiền tuyến... An Lão được cấp trên đánh giá là huyện có nhiều thành tích.
Nguyên nhân của những thành quả nói trên là dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng bào các dân tộc ở An Lão đã đoàn kết một lòng. Từ giúp đỡ nhau sản xuất, cải tiến kỹ thuật canh tác, trao nhau cái chữ, trầu cau, cá mắm cho đến đưa Đảng lên nguồn, lên với đồng bào. Xây dựng một chính quyền thực sự là của dân, do dân bầu ra, được dân tin yêu ủng hộ. Đông đảo Nhân dân lao động đã được giáo dục, tổ chức, hướng dẫn, từng bước làm chủ làng xóm, núi rừng, làm chủ vận mệnh của mình. Phấn đấu xây dựng Đảng bộ xứng đáng với lòng tin, niềm hy vọng, lòng mong muốn của Nhân dân các dân tộc trong huyện. Đại đa số đảng viên trong huyện có tinh thần yêu nước, trung thành với lợi ích của Đảng và Nhân dân, tận tụy với trách nhiệm, gương mẫu dẫn đầu trong công tác và chấp hành các chính sách của Đảng.
III. ĐẢNG BỘ HUYỆN AN LÃO LÃNH ĐẠO KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC (1954 - 1975)
1. Giai đoạn 1954 - 1964
Giai đoạn này là thời kỳ đấu tranh hết sức gay go, phức tạp. Dưới sự lãnh đạo của Ban Cán sự Đảng, quân dân An Lão đã không quản ngại hy sinh, gian khổ, chiến đấu kiên cường, từng bước đánh bại các kế hoạch dồn dân lập ấp, đánh bại âm mưu và thủ đoạn “tố cộng”, “diệt cộng” của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, giữ gìn và phát triển lực lượng cách mạng, nổi dậy giành quyền làm chủ, xây dựng căn cứ kháng chiến.
Kết quả lớn nhất của huyện An Lão trong thời kỳ này là đầu 1960 đã giành được quyền, các xã vùng cao còn lại của An Lão đều được giải phóng. Huyện An Lão trở thành nơi đứng chân vững chắc, an toàn cho các lực lượng cách mạng của tỉnh và là chỗ dựa trực tiếp cho sự phát triển của phong trào cách mạng hai huyện Hoài Ân, Hoài Nhơn. Phát huy những thắng lợi đạt được, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc An Lão tiếp tục củng cố khối đoàn kết, phát động tiến công và nổi dậy, giải phóng hoàn toàn An Lão.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, bằng nhiều hình thức đấu tranh khác nhau, đến cuối 1964, quân dân miền Nam đã làm cho chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” từng bước bị phá sản, đẩy Mỹ và chính quyền Sài Gòn rơi vào tình trạng khó khăn. Tại Bình Định, Tỉnh ủy lãnh đạo đẩy mạnh đấu tranh địch trên cả 3 mặt trận: quân sự, chính trị, binh vận và thu được nhiều thắng lợi. Đặc biệt, phong trào phá “ấp chiến lược” phát triển rộng khắp, cuối năm 1963, toàn tỉnh phá 109 ấp, trong đó có 84 ấp bị phá dứt điểm. Phong trào “Đồng khởi khu Đông” (từ tháng 7 đến tháng 10/1964) giành được thắng lợi to lớn, các “ấp chiến lược” tiếp tục bị phá, nhiều xã thôn được giải phóng. Những thắng lợi liên tiếp của quân dân Bình Định đẩy quân địch trên địa bàn tỉnh ngày càng suy yếu. Tuy vậy, muốn giành thắng lợi quyết định, làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ ở Bình Định, đòi hỏi phải tạo ra “cú hích” đủ mạnh, làm “rúng động” cả hệ thống chính quyền tay sai của Mỹ ở địa phương, tạo điều kiện cho quần chúng Nhân dân nổi dậy phá “ấp chiến lược”, giải phóng xã thôn. Trong bối cảnh lịch sử đó, Đảng bộ huyện đã quyết định mở chiến dịch giải phóng huyện An Lão để hoàn thành trọng trách lịch sử này.
Nhằm đập tan hệ thống các cứ điểm trên, đồng thời chống lại đợt càn quét của địch, đầu tháng 12/1964, Bộ Tư lệnh Quân khu V quyết định mở chiến dịch An Lão. Lực lượng huy động tham gia chiến dịch gồm có Trung đoàn 2 làm chủ lực, Tiểu đoàn 409 đặc công Quân khu V, 1 đại đội và 2 trung đội bộ đội địa phương của tỉnh, 6 trung đội bộ đội địa phương các huyện An Lão, Hoài Ân, Hoài Nhơn, gồm 1.769 quân. Ngoài ra còn có hàng trăm du kích An Lão và các huyện lân cận, cùng hàng nghìn quần chúng sẵn sàng nổi dậy.
Chiều ngày 6/12/1964, công tác chuẩn bị cho chiến dịch đã cơ bản hoàn thành, quân ta đã hình thành thế trận bao vây huyện lỵ và áp sát cứ điểm, đợi lệnh tấn công. Khoảng 1 giờ 5 phút ngày 7/12/1964, chiến dịch An Lão bắt đầu, Tiểu đoàn đặc công 409 nổ súng tấn công cứ điểm núi Một mở đầu chiến dịch. Bằng hai mũi giáp công, chỉ sau 15 phút, quân ta đã làm chủ Núi Một, toàn bộ quân địch ở đây bị tiêu diệt và bị bắt. Sau tiếng súng tấn công cứ điểm Núi Một, quân ta đồng loạt tấn công và các cứ điểm khác. Bị đánh bất ngờ quân địch không kịp trở tay, chỉ sau khoảng 1 giờ, lực lượng địch ở ba chốt điểm, 8 “ấp chiến lược” đều bị đánh tan. Quân ta nhanh chóng hình thành thế bao vây quận lỵ An Lão, truy bắt tề điệp, bố trí lực lượng sẵn sàng đánh quân tiếp viện.
Thắng lợi ở An Lão đã giáng cho quân địch những đòn nặng nề, gây cho chúng tổn thất lớn về người và của. Quân dân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 700 địch, làm tan rã 12 trung đội dân vệ, 1 trung đội biệt kích, 1 trung đội pháo cối, truy bắt 125 tề điệp, bắn rơi 1 máy bay, bắn cháy và phá hỏng 5 xe M113, thu 320 súng các loại, 400 thùng đạn và nhiều quân trang, quân dụng… Chiến thắng này làm đứt gãy hệ thống phòng ngự của địch trên các chi khu ở Bình Định, phá vỡ khu vực phòng thủ ở tuyến giáp ranh phía Bắc tỉnh, đẩy chính quyền Sài Gòn rơi vào tình trạng hoang mang, lo lắng. Chiến thắng An Lão là mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh của Đảng bộ và Nhân dân An Lão. Bằng sức mạnh chiến đấu quật cường, quân và dân ta đã đập tan bộ máy thống trị của Mỹ và chính quyền Sài Gòn ở An Lão, phá dứt điểm 8 “ấp chiến lược”, giải phóng hoàn toàn huyện với 11.000 dân. Từ đây, Đảng bộ và Nhân dân An Lão bước sang một giai đoạn lịch sử mới, giai đoạn xây dựng và bảo vệ vùng giải phóng, đập tan các cuộc phản công chiến lược của địch, hỗ trợ mọi mặt đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn. An Lão trở thành hậu cứ quan trọng của cuộc kháng chiến.
Chiến thắng An Lão là thành quả chiến đấu của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích, đồng thời có sự đóng góp của đồng bào các xã trong huyện. Nhân dân và lực lượng du kích các xã trong huyện không những trực tiếp tham gia chiến dịch, mà còn đóng góp sức người, sức của cho chiến dịch; lương thực, thực phẩm, vũ khí, thuốc men, đạn dược được đồng bào tiếp tế, ủng hộ, vận chuyển kịp thời. Nhờ có sự ủng hộ, đùm bọc của đồng bào các dân tộc, lực lượng vũ trang có chỗ đứng chân vững chắc, bí mật thực hiện thành công chiến dịch. Bình luận về sự thất bại của Mỹ và chính quyền Sài Gòn ở An Lão, hãng AFP ngày 9/12/1964 đã viết: Cả một hệ thống phòng ngự Chi khu An Lão bị tiêu diệt nhanh như trở bàn tay, bắt buộc các nhà quân sự Sài Gòn phải xét lại cả hệ thống phòng ngự trên các chi khu khác xem có đủ đứng vững không khi du kích Việt cộng quyết tâm mở cuộc tấn công vào đó...
2. Giai đoạn 1965- 1975
Giai đoạn (1965 - 1975), là khoảng thời gian khó khăn, ác liệt nhất đối với Đảng bộ và nhân dân trong huyện. Sau thất bại thảm hại tại chi khu An Lão, Mỹ và chính quyền Sài Gòn tập trung đánh phá ác liệt bằng các chiến thuật, với đủ các binh chủng thủy lục, không quân với hàng ngàn tấn bom đạn và chất độc hóa học, song cán bộ và Nhân dân An Lão kiên cường bám trụ quyết “một tấc không đi, một ly không rời”, anh dũng chiến đấu hy sinh để bảo vệ và xây dựng vùng giải phóng, xây dựng căn cứ địa cách mạng. Đảng bộ, quân và dân huyện An Lão đã đập tan các cuộc phản kích điên cuồng của Mỹ và chính quyền Sài Gòn trong các cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965 - 1966, 1966 - 1967, góp phần cùng cả nước đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, tiến lên đánh bại hoàn toàn chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trong chặng đường đầy thử thách ác liệt này, huyện An Lão đã trải qua những tháng năm mà lực lượng cách mạng đứng trước tình thế hiểm nghèo. Với sự chỉ đạo của cấp trên, Đảng bộ huyện An Lão đã phát huy truyền thống cách mạng kiên cường và tinh thần chịu đựng hy sinh gian khổ, thực hiện “bốn bám”: Nhân dân bám đất; cán bộ bám dân; lực lượng vũ trang bám sát địa hình; cấp trên bám cấp dưới, bám chủ trương, đường lối nghị quyết của Đảng, lãnh đạo Nhân dân vượt qua thử thách, đưa phong trào tiếp tục phát triển, bảo vệ vững chắc vùng giải phóng.
An Lão đẩy mạnh việc thực hiện 5 phong trào, đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến. Đó là các phong trào sản xuất cải thiện đời sống, phong trào làm ăn tập thể, phong trào văn hóa xã hội, phong trào Nhân dân du kích chiến tranh, phong trào giao thông vận tải. Tất cả các phong trào đều gặt hái được nhiều thành tích to lớn, được cấp trên công nhận và phong tặng nhiều danh hiệu thi đua cao quý.Đảng bộ không ngừng tăng cường sức chiến đấu của Đảng, chú trọng công tác phát triển đảng, giáo dục, nâng cao lập trường tư tưởng chính trị, phẩm chất và năng lực cho cán bộ, đảng viên, không ngừng củng cố tổ chức cơ sở đảng, là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc huyện An Lão đã đoàn kết một lòng, kiên trì bám trụ, khắc phục mọi khó khăn, lập nên nhiều kỳ tích lịch sử, liên tục đẩy lùi và bẻ gãy hàng trăm đợt phản kích, lấn chiếm trên qui mô lớn của địch, góp phần đánh bại các chiến lược “Chiến trạnh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh’’; vừa chiến đấu, vừa xây dựng và bảo vệ vững chắc vùng giải phóng, xây dựng huyện An Lão thành căn cứ địa của cuộc kháng chiến chống Mỹ ở Bình Định của Mỹ, góp phần cùng quân dân cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975).

III. LÃNH ĐẠO KHẮC PHỤC HẬU QUẢ CHIẾN TRANH, CÙNG CẢ NƯỚC TIẾN HÀNH CÔNG CUỘC XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC TỪ NĂM 1975 ĐẾN NAY
     Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã  mở ra thời kỳ mới xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trải qua 45 năm (1975-2020), một chặng đường mang tầm vóc và  ý nghĩa  lịch sử to lớn của Đảng bộ và Nhân dân huyện An Lão, thể hiện ý chí và nghị lực vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, tiếp tục viết nên những trang sử vàng truyền thống của quê hương An Lão anh hùng.
     Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, An Lão gặp không ít khó khăn do hậu quả nặng nề của chiến tranh để lại, do đặc điểm địa hình, địa lý, An Lão thuộc vùng miền núi, giao thông đi lại cách trở, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, đồng bào các dân tộc thiểu số sống du canh, du cư; cơ sở vật chất kỹ thuật lạc hậu; đời sống của Nhân dân rất khó khăn, nhất là đồng bào ở vùng căn cứ kháng chiến, miền núi cao. Nạn đói cơm, lạt muối thường xuyên đe dọa, phương thức canh tác lạc hậu, năng suất lao động thấp, hàng ngàn ha ruộng đất hoang hóa...Nhưng Đảng bộ đã phát huy truyền thống cách mạng, vận động Nhân dân phấn đấu khắc phục mọi khó khăn, sớm ổn định tình hình kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn huyện.
Thực hiện Nghị quyết số 19- NQ/TW, ngày 20/10/1975 của Bộ Chính trị về việc hợp nhất một số tỉnh. Tỉnh Bình Định hợp nhất với tỉnh Quảng Ngãi thành tỉnh Nghĩa Bình, Huyện An Lão và Huyện Hoài Ân cùng với 2 xã Đắk Mang và Bok Tới của huyện Vĩnh Thạnh được hợp nhất thành huyện Hoài An trong đó huyện An Lão có 6 xã và Đảng bộ huyện An Lão được hợp nhất thành Đảng bộ huyện Hoài An. Năm 1981, thực hiện Quyết định số 41/QĐ- HĐBT, ngày 24/8/1981 của Hội Đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã tái thành lập huyện An Lão gồm có 7 xã, năm 1986 xã An Hòa được chia tách thành 2 xã An Hòa và An Tân và đến tháng 4/2007 xã An Trung và một số thôn của xã An Hưng và An Tân được tách ra thành lập Thị trấn An Lão; đến nay toàn huyện có 10 đơn vị xã, thị trấn.
Là một huyện vùng cao, điều kiện còn nhiều khó khăn, kinh tế chủ yếu dựa vào nông- lâm nghiệp, nhưng trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực phát huy nội lực, Đảng bộ và Nhân dân huyện An Lão đã đạt được nhiều thành tựu to lớn đáng tự hào trên mọi mặt: kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị.
Sản xuất nông, lâm nghiệp phát triển tương đối toàn diện, Tổng giá trị sản xuất năm 2020 ước đạt 1.450,3 tỷ đồng, tăng bình quân hàng năm 13,06% . Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản và tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ tiếp tục phát triển khá, giá trị công nghiệp tăng bình quân hàng năm 27,4%; thương mại dịch vụ tăng bình quân hàng năm 11,26%; năng suất cây lúa đạt 62,5 tạ/ha, tổng sản lượng lương thực quy thóc năm 2020 đạt gần 15.000 tấn; kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội được đầu tư có trọng điểm và phát huy hiệu quả; Chương trình xây dựng nông thôn mới được quan tâm thực hiện và bước đầu đạt được những kết quả tích cực, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, miền núi.
Các hoạt động văn hóa- thông tin, thể thao, truyền thanh- truyền hình có nhiều tiến bộ; công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và các di tích văn hóa lịch sử được chú trọng, hiện nay trên địa bàn huyện có 01 di tích lịch sử cấp quốc gia, 07 di tích lịch sử cấp tỉnh; quy mô, chất lượng giáo dục- đào tạo có bước phát triển khá, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ngày càng được nâng cao về số lượng và chất lượng, cơ sở vật chất trường học được đầu tư theo hướng chuẩn hóa; công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân được quan tâm, hoạt động y tế dự phòng được tăng cường, đến nay đã có 10/10 xã, thị trấn đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã; Việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, công tác giảm nghèo đạt kết quả tích cực; các chính sách đền ơn đáp nghĩa, hoạt động nhân đạo, từ thiện ngày càng tốt hơn. Đời sống vật chất, tinh thần của đại bộ phận Nhân dân ngày càng được được cải thiện.
Việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quán triệt và tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh được chú trọng; thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh Nhân dân được củng cố, tăng cường; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; các loại tội phạm giảm, không để xảy ra điểm nóng trên địa bàn.
Công tác giáo dục chính trị tư tưởng được chú trọng; tổ chức quán triệt nghiêm túc các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quyết định của Đảng gắn với xây dựng các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện của cấp ủy. Các tổ chức Đảng đã tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05- CT/TW của Bộ Chính trị về “tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) được thực hiện nghiêm túc, góp phần tạo nên sự chuyển biến rõ nét về tư tưởng, ý thức tu dưỡng rèn luyện đạo đức cách mạng, trách nhiệm đối với công việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Công tác dân vận và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các hội, đoàn thể trong huyện đã chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng sinh hoạt bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động, sát cơ sở, nhờ vậy đã thu hút tập hợp đông đảo quần chúng vào tổ chức hội; góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh của địa phương, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh.
Với những thành tích xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, năm 1988 Đảng bộ, quân và dân An Lão vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu: Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân. Có 6 xã và 01 cá nhân được công nhận danh hiệu anh hùng vũ trang Nhân dân, 81 mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Ngoài ra trong 02 cuộc kháng chiến Nhà nước công nhận 635 liệt sĩ, 958 thương binh, bệnh binh. Ghi nhận những thành tích trong của Đảng bộ, quân và dân huyện nhà trong thời kỳ đổi mới, ngày 11/6/2014 Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba cho Đảng bộ và Nhân dân huyện An Lão. Đây là phần thưởng hết sức cao quý, là niềm tự hào, và là nguồn động viên cổ vũ to lớn để cán bộ, Nhân dân trong huyện tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và có những đóng góp nhiều hơn nữa trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
Nhìn lại chặng đường 70 năm thành lập, chiến đấu và trưởng thành, từ chỗ chỉ có 03 đảng viên, sau ngày giải phóng 1975, Đảng bộ huyện có 289 đảng viên; trải qua 19 kỳ đại hội, đến nay Đảng bộ huyện đã có 2.460 đảng viên, sinh hoạt ở 53 tổ chức cơ sở đảng và 127 chi bộ nhỏ trực thuộc. Trong 70 năm qua, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng bộ huyện vẫn thể hiện được phẩm chất tiên phong cách mạng, kiên định với chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, kiên cường trước mọi khó khăn, thử thách, dũng cảm trong chiến đấu, sáng tạo trong lao động, mẫu mực trong đạo đức, lối sống, được Nhân dân tin yêu, quý trọng.
Thực tiễn chặng đường 70 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển của Đảng bộ huyện An Lão, đã rút ra 03 bài học kinh nghiệm như sau: 
1. Đó là có nhờ có đường lối cách mạng đúng đắn và sáng tạo, độc lập, tự chủ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng bộ huyện An Lão luôn nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, Khu ủy khu V. Đảng bộ huyện đã nắm vững đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng và vận dụng sáng tạo phù hợp với điều kiện của địa phương; nhạy bén, năng động trước những diễn biến không thuận lợi để chủ động và có biện pháp khắc phục kịp thời; cần phải xây dựng kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế cụ thể, phù hợp với từng địa phương; trên cơ sở đó khai thác tiềm năng, thế mạnh của huyện và tranh thủ tối đa các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội.
2. Bài học về phát huy truyền thống đoàn kết,sự gắn bó keo sơn giữa các dân tộc Kinh, H’re, Bana là nguồn sức mạnh to lớn đưa phong trào cách mạng An Lão vượt qua muôn vàn khó khăn, giành thắng lợi hoàn toàn. Đó cũng chính là sức mạnh của chính sách Đại đoàn kết dân tộc của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đoàn kết trong Đảng, trong lao động sản xuất, xây dựng hậu phương, đoàn kết trong việc bảo vệ và nuôi dưỡng cán bộ, giữ gìn và phát triển lực lượng cách mạng, đoàn kết trong chiến đấu và chiến thắng quân xâm lược; đoàn kết trong thời kỳ đổi mới và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
3. Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng bộ là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của các phong trào cách mạng ở địa phương. Qua 70 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ huyện đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành về mọi mặt, đặc biệt là vận dụng đúng đắn, linh hoạt và sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng vào tình hình cụ thể của địa phương, đề ra những nhiệm vụ, biện pháp và cách làm thích hợp, sát đúng… nhờ đó, đã lãnh đạo các phong trào cách mạng huyện nhà đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Đó là những bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ huyện trong 70 năm qua. Việc nghiên cứu, vận dụng linh hoạt, sáng tạo của những bài học kinh nghiệm đó trong trong giai đoạn hiện nay- thời kỳ đổi mới và đẩy mạnh sự ngiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vừa có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc.
Năm tháng qua đi, nhưng truyền thống cách mạng, những chiến công của Đảng bộ, quân và dân huyện nhà đã lập nên trong 2 cuộc kháng chiến và trong thời kỳ đổi mới, mãi mãi là niềm tự hào trong mỗi chúng ta. Trọng trách lịch sử đang đặt lên vai các thế hệ hôm nay và mai sau. Phía trước đang có nhiều thời cơ và vận hội mới, nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức. Để xứng đáng với niềm tin yêu của Nhân dân Đảng bộ huyện An Lão sẽ không ngừng phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, đoàn kết một lòng, vượt qua khó khăn, thách thức, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực; xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy truyền thống đoàn kết các dân tộc, huy động sức mạnh tổng hợp, đưa An Lão phát triển toàn diện./.


 

Tác giả bài viết: BBT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây