Sau 20 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” trên địa bàn huyện An Lão đã tạo được sự chuyển biến tích cực, góp phần tăng cường mở rộng dân chủ, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng đời sống văn hoá; giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; giải quyết có hiệu quả các vấn đề nảy sinh ở cơ sở; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Xã An Nghĩa, Huyện An Lão được Tỉnh uỷ Bình Định tặng bằng khen 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW
Trong những năm qua kinh tế của huyện tăng trưởng khá. Tổng giá trị sản xuất tăng bình quân hàng năm 13,06%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giá trị sản xuất nông lâm nghiệp thủy sản, công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ tăng bình quân hàng năm: 10,25%, 27,4% và 11,26%. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 22,3 triệu đồng/người năm 2015 lên 32 triệu đồng/người năm 2020. Năng suất, chất lượng nhiều loại cây trồng tăng khá. Hàng năm sản xuất ổn định 2.170,52 ha lúa nước, năng suất cây lúa tăng từ 57,3 tạ /ha (năm 2015) lên 62,5 tạ/ha (năm 2020). Các loại cây trồng mới theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp bước đầu phát triển khá. Công tác phòng chống, dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm được chú trọng; công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, hàng năm giao khoán, bảo vệ 22.737 ha, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh mây tự nhiên đạt 300 ha. Chỉ đạo quyết liệt các biện pháp ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp. Tỉ lệ che phủ rừng đến cuối năm 2020 đạt 82%; Công nghiệp, xây dựng phát triển khá: Giá trị sản xuất ngành công nghiệp, xây dựng tăng bình quân hằng năm 27,4%. Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư vào 02 cụm công nghiệp. Thu hút nhà đầu tư xây dựng Nhà máy thủy điện Nước Xáng. Các loại hình dịch vụ phát triển phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội; Từ năm 2016 - 2021 đã triển khai đầu tư xây dựng 505 công trình với tổng nguồn vốn 580,944 tỉ đồng. Nhiều công trình dân sinh, giao thông, thủy lợi… được đầu tư xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng, làm thay đổi diện mạo nông thôn, miền núi. Chương trình bê tông hóa nông thôn và kiên cố hóa kênh mương được triển khai thực hiện hiệu quả.
Về phát triển văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, chăm sóc sức khỏe Nhân dân không ngừng phát triển. Kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, đường, trường học, trạm y tế, bưu điện, nhà văn hóa, nước sinh hoạt, sản xuất đã được đầu tư xây dựng ở hầu hết các địa phương. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục được triến khai có hiệu quả; đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ gia đình văn hóa: 92,30%; tỷ lệ khu dân cư văn hóa: 100%; tỷ lệ cơ quan; Chất lượng giáo dục và đào tạo được duy trì và nâng cao; quy mô, mạng lưới trường, lớp tiếp tục được sắp xếp tinh gọn, hợp lý; duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tiếp tục được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa.
Hiện nay, toàn huyện có 57 thôn, khu phố. Hệ thống chính trị cơ sở trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được củng cố, chất lượng tổ chức cơ sở đảng ở thôn, khu dân cư được nâng cao. Đến nay, toàn huyện có 2.568 đảng viên, trong đó có 1.207 đảng viên là đồng bào dân tộc thiểu số. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội quan tâm đến phát triển đoàn viên, hội viên là đồng bào dân tộc thiểu số; toàn huyện có 188 ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp là người dân tộc thiểu số; trong đó, cấp huyện có 12 người, cấp xã có 176 người; đồng thời quan tâm đến việc lựa chọn, bồi dưỡng và phát huy vai trò của già làng, người có uy tín và nhân sĩ, trí thức; đã xây dựng được hơn 41 người có uy tín cốt cán trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Những năm qua cùng với việc quan tâm lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội, Ban Thường vụ Huyện uỷ đã quan tâm lãnh đạo, tổ chức và hoạt động của các hội quần chúng, số hội quần chúng từ 08 hội với 50.075 hội viên năm 2003 hiện nay tăng lên 16 hội với 52.350 hội viên. Hoạt động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng hiệu quả hơn, vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các chính trị - xã hội được nâng lên. Số lượng đoàn viên, hội viên tăng lên, so với năm 2003, Công nhân, viên chức, người lao động trong huyện hơn 1.348 người (tăng 913 người so với năm 2003) Nông dân An Lão hiện có hơn 4.200 hội viên (tăng 1.533 hội viên so với năm 2003), Tuổi trẻ An Lão hiện có hơn 1.706 đoàn viên, thanh niên (tăng 1.149 đoàn viên, thanh niên so với năm 2003), Phụ nữ An Lão hiện có hơn 5.000 hội viên, (tăng 4.282 hội viên so với năm 2003), Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện có hiệu quả công tác an sinh xã hội, vận động, hỗ trợ Nhân dân xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng Trong 20 năm, Quỹ vì người nghèo các cấp trong huyện đã vận động được hơn 3,2 tỷ đồng. Cùng với nguồn Quỹ vì người nghèo của TW, tỉnh, huyện đối ứng hỗ trợ xây dựng và sửa chữa trên 250 ngôi nhà ở cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; thăm hỗ trợ 65 triệu đồng cho các hộ nghèo, cận nghèo ốm đau có hoàn cảnh khó khăn, tiếp nhận của các đoàn tổ chức thăm tặng quà Tết cho hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn: trên 20 tỷ đồng, giúp các đối tượng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, có thêm động lực và điều kiện vươn lên thoát nghèo. Qua đó, đã góp phần tích cực thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững và nâng cao đời sống của cộng đồng Nhân dân ở từng khu dân cư… Riêng từ năm 2020 đến nay, MTTQ huyện đã huy động được hơn 995 triệu đồng Quỹ Ủng hộ phòng chống dịch bệnh Covid-19; vật chất, hàng hóa trên 260 triệu đồng để kịp thời hỗ trợ Nhân dân trong và ngoài tỉnh gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19…
Đẩy mạnh phát huy dân chủ, thực hiện "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng", từ đó Nhân dân thêm tin tưởng, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động xã hội như phong trào thi đua làm kinh tế giỏi, xoá đói giảm nghèo; toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội, các ngành có liên quan, tuyên truyền, vận động Nhân dân phát triển kinh tế chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi, đưa các loại giống có năng suất cao vào sản xuất, giống lúa cấp I, lúa lai, mì cao sản cho bà con trong toàn huyện. Ngoài ra còn hướng dẫn cho bà con cách làm ăn mới như mô hình trang trại, chăn nuôi heo hướng nạc, lai tạo và vỗ béo đàn bò, trồng một số cây công nghiệp, lâm nghiệp như: cây chè, dâu tằm, cây lâm nghiệp trồng keo lai, keo lá tràm cho năng suất cao, tăng thu nhập cho bà con nông dân. Trong sản xuất nông nghiệp cây lúa từ 35 tạ/ha năm 2003, đến đầu năm 2022 đạt 64 tạ/ha, vụ Đông - xuân 2022 năng suất đạt 65,6 tạ/ha. Về chăn nuôi phát triển khá, ổn định, dịch bệnh được kìm chế kịp thời không để lây lan, đến đầu năm 2022 toàn huyện có tổng đàn gia súc 36.520 con tăng gấp 4 lần so với năm 2003.
Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng "Lấy nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt", Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung chỉ đạo củng cố xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh, đảm bảo mỗi tổ chức cơ sở đảng thực sự là hạt nhân lãnh đạo ở cơ sở; thực hiện nghiêm túc công tác kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng Đảng gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Từ năm 2007 đến nay, đã điều động, luân chuyển 151 đ/c cán bộ lãnh đạo, quản lý; sắp xếp, bố trí công việc đối với 8 Đội viên Dự án 600 Phó chủ tịch xã. Từ 2006 đến nay, đã cử 509 đ/c đi đào tạo LLCT-HC; từ năm 2013 đến tháng 9/2022 đã thẩm tra tiêu chuẩn chính trị 271 trường hợp phục vụ công tác phát triển đảng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử và quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý. Từ năm 2003 đến nay đã xét kết nạp 1.877 đảng viên; đến nay, toàn huyện có 52 tổ chức cơ sở Đảng, với 2.568 đảng viên. Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện nghiêm túc. Từ năm 2010 đến nay, Ban Thường vụ Huyện ủy đã kiểm tra, giám sát 171 cuộc theo chương trình, trong đó chấp hành tốt 66 TCCSĐ, chưa tốt 13 TCCSĐ; cấp ủy các cấp và UBKT ra quyết định thi hành kỷ luật 288 đảng viên.
Ngoài những thành tích đã đạt được như trên, công tác triển khai thực hiện NQ 23 ở huyện An Lão còn một số khó khăn, tồn tại như:
Một số cấp ủy đảng triển khai thực hiện nghị quyết, Chương trình hành động của Tỉnh ủy, Huyện ủy chưa sâu rộng; nhận thức của một bộ phận cán bộ đảng viên, cán bộ công chức, cán bộ hội, đoàn viên, hội viên và Nhân dân về công tác dân tộc chưa sâu sắc.
Công tác tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và Nhân dân thực hiện Nghị quyết và tham gia các phong trào hành động cách mạng thực hiện nhiệm vụ chính trị của huyện kết quả còn hạn chế, tỉ lệ hộ nghèo còn cao; đời sống một bộ phận Nhân dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tuy đã được quan tâm nhưng vẫn còn nhiều khó khăn; cơ sở hạ tầng một số địa phương còn chưa đồng bộ.
Qua 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW rút ra bài học, cụ thể như sau:
Một là: Thường xuyên chăm lo xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ, vai trò quản lý của các cấp chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đối với việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm tạo được sự thống nhất trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng.
Hai là: Quan tâm đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, cải thiện và nâng cao đời sống của Nhân dân. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, sơ tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các chương trình kinh tế - xã hội, kết quả thực hiện các chính sách đối với các giai cấp, các tầng lớp Nhân dân.
Ba là: Quan tâm xây dựng khối liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng, làm nền tảng vững chắc cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Kết hợp hài hoà lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể và lợi ích toàn xã hội.
Bốn là: Lãnh đạo, chỉ đạo vấn đề dân tộc, tôn giáo phải đảm bảo theo đúng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước với phương châm kịp thời, thống nhất, giải quyết có lý, có tình.