PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG CỦA QUÊ HƯƠNG AN LÃO, TIẾP TỤC XÂY DỰNG ĐẢNG BỘ HUYỆN NGÀY CÀNG TRONG SẠCH VỮNG MẠNH

Thứ năm - 08/12/2022 08:40
Kỷ niệm 72 năm thành lập Đảng bộ huyện An Lão (03/12/1950 - 03/12/2022) và Kỷ niệm 58 năm Chiến thắng An Lão (07/12/1964 - 07/12/2022) là dịp để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn huyện ôn lại lịch sử cách mạng, tôn vinh và tri ân những cống hiến, hy sinh của quân và dân trong quá trình bảo vệ và xây dựng huyện nhà trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược; tuyên truyền giáo dục truyền thống yêu quê hương, đất nước, khơi dậy tinh thần đại đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, góp phần đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước nói chung và huyện An Lão nói riêng phồn vinh, hạnh phúc trong thời đại mới.
PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG CỦA QUÊ HƯƠNG AN LÃO, TIẾP TỤC  XÂY DỰNG ĐẢNG BỘ HUYỆN NGÀY CÀNG  TRONG SẠCH VỮNG MẠNH
Từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, truyền thống yêu nước và phong trào đấu tranh cách mạng của quân và dân huyện An Lão càng trở nên mạnh mẽ. Cách mạng Tháng Tám thành công, nước nhà độc lập thống nhất. Tháng 9/1946, chi bộ Đảng đầu tiên của An Lão ra đời là chi bộ Chính Nghĩa, với 03 đồng chí, do đồng chí Lê Kham làm Bí thư chi bộ. Tháng 12/1950, Đảng bộ huyện An Lão chính thức được thành lập do đồng chí Văn Công Hựu làm Bí thư Huyện ủy. Từ đây, phong trào đấu tranh của đồng bào các dân tộc huyện An Lão được sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, là yếu tố cơ bản quyết định thắng lợi trong cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Bước vào thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, phát huy tinh thần đoàn kết, trung thành với Đảng và Bác Hồ kính yêu, đồng bào các dân tộc trong Huyện đã kề vai sát cánh cùng với Đảng bộ, chính quyền các cấp, đấu tranh anh dũng, mưu trí “một tấc không đi, một ly không rời” quyết tâm bám trụ, giữ đất, giữ làng, làm thất bại các âm mưu, thủ đoạn thâm độc của kẻ thù. Tiêu biểu nhất là Chiến thắng An Lão vào ngày 07/12/1964, qua 02 ngày chiến đấu kiên cường và anh dũng, Trung đoàn 2, phối hợp với Tiểu đoàn Đặc công QK5, Đại đội Bộ binh 8 tỉnh Bình Định, bộ đội địa phương và dân quân du kích đã tấn công diệt Chi khu An Lão giải phóng Huyện nhà, tạo tiền đề giải phóng quê hương và giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào 30/4/1975.
 Trong hai cuộc kháng chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hàng ngàn thanh niên các dân tộc huyện An Lão đã hăng hái lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, 579 đồng chí đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, 534 người là thương binh, bệnh binh. Với những đóng góp to lớn trong hai cuộc kháng chiến, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc huyện An Lão và 5 xã (An Vinh, An Dũng, An Hưng, An Hòa, An Tân), cùng Ban An ninh Nhân dân huyện vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân”, 21 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng; 01 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân; ngoài ra còn có nhiều tổ chức và hàng nghìn cá nhân trong Huyện được Nhà nước tặng thưởng huân, huy chương các loại.
Đất nước thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội; cùng với cả nước, Nhân dân huyện An Lão bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng bộ Huyện đã đưa ra nhiều chủ trương, giải pháp tích cực để khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định tình hình kinh tế xã hội, tham gia phong trào chung của tỉnh Bình Định. Thực hiện Nghị quyết 245-NQ/TW ngày 29/9/1975 của Bộ Chính trị về bỏ khu, hợp tỉnh và Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 20/10/1975 về điều chỉnh hợp nhất một số tỉnh, huyện; tháng 01/1976 huyện An Lão và huyện Hoài Ân và một số xã của huyện Vĩnh Thạnh hợp nhất thành huyện Hoài Ân, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung khai hoang, phục hóa, đẩy mạnh phát triển sản xuất; tại địa phương thực hiện các chủ trương định canh, định cư cho Nhân dân, đẩy mạnh khai hoang để tăng diện tích canh tác, xây dựng các công trình thuỷ nông như: Hồ Hưng Long, Hồ Thủy lợi, thủy điện Sông Vố khai hoang phục hoá, thâm canh tăng năng suất, đảm bảo nhu cầu lương thực cho Nhân dân. Năm 1981, huyện An Lão tái thành lập theo Quyết định số 41/QĐ-HĐBT ngày 24/8/1981 của Hội Đồng bộ trưởng (nay là Chính phủ); kế thừa những thành quả đạt được, Đảng bộ huyện An Lão tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất, tăng diện tích đất canh tác, mở mang các ngành nghề TTCN - dịch vụ, thương mại… Nhờ vậy, kinh tế Huyện nhà trong 5 năm (1981- 1985) đã dần có sự ổn định. Thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo; Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc huyện An Lão tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ra sức thi đua học tập, lao động sản xuất, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.
 Những năm gần đây, cùng với việc thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025: Xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xóa đói giảm nghèo bền vững. Đảng bộ Huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát huy nội lực, tận dụng tốt các thế mạnh của địa phương, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Theo số liệu 9 tháng đầu năm 2022:
Về kinh tế: Tổng giá trị sản xuất nền kinh tế ước đạt 1.125,31 tỷ đồng (tính theo giá so sánh năm 2010); đạt 71,34% NQ, tăng 8,51% so với cùng kỳ. Trong đó, giá trị sản xuất ngành nông - lâm nghiệp, thủy sản ước đạt 569,32 tỷ đồng, đạt 75,99% NQ, tăng 5,59% so với cùng kỳ; giá trị ngành công nghiệp - xây dựng ước đạt 258,36 tỷ đồng, đạt 65,84% NQ, tăng 13,89% so với cùng kỳ; giá trị ngành dịch vụ ước đạt 297,63 tỷ đồng, đạt 68,28 NQ, tăng 9,90% so với cùng kỳ.
Về văn hóa - xã hội: Đảng bộ Huyện đã rất chú trọng trong công tác tuyên truyền các đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực văn hóa - xã hội; ngành Giáo dục và Đào tạo thực hiện giảng dạy theo kế hoạch thời gian năm học, đảm bảo thích ứng với tình hình dịch Covid-19; công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân và các chính sách an sinh xã hội được thực hiện ngày càng tốt hơn; đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của Nhân dân được nâng lên, bộ mặt nông thôn miền núi có nhiều đổi mới.
Về quốc phòng - an ninh: Tình hình an ninh Quốc gia, an ninh chính trị được giữ vững; an ninh vùng giáp ranh, an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và trật tự được giữ vững ổn định.
Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, Đảng bộ huyện An Lão luôn coi trọng xây dựng hệ thống chính trị, thực hiện tốt mối quan hệ “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” gắn với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đồng thời, nhờ vào việc thực hiện đồng bộ Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI,XII,XIII), công tác xây dựng hệ thống chính trị của huyện đã đi vào chiều sâu và đạt được những kết quả quan trọng, tạo được bước chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trong huyện. Công tác phát triển đảng viên được quan tâm, đã kết nạp 46 quần chúng ưu tú vào Đảng, nâng tổng số đảng viên toàn Đảng bộ là 2.566 đồng chí (tính đến ngày 15/9/2022); xét chuyển chính thức 33 đồng chí; chuyển sinh hoạt đảng 71 lượt; phát thẻ đảng viên cho 24 đồng chí. Đề nghị trao tặng Huy hiệu đảng 03 đợt trong 9 tháng đầu năm (03/02,19/5 và 02/9) cho 38 đồng chí. Với những thành tích đạt được trong 58 năm qua, đặc biệt trong hơn 36 năm đổi mới, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc huyện An Lão đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân”, tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Phát huy những thành tích đạt được, thời gian tới, Đảng bộ huyện An Lão tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ huyện, Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đồng thời thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025: Xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xóa đói giảm nghèo bền vững. Tiếp tục đẩy mạnh kiến thiết phát triển đô thị trên địa bàn huyện, gắn với phát triển công nghiệp - dịch vụ, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động hợp lý theo hướng tăng tỷ trọng lao động công nghiệp, dịch vụ. Tăng cường đầu tư hạ tầng 2 cụm công nghiệp để thu hút đầu tư các nhà máy chế biến nông lâm sản, thủ công mỹ nghệ, nhằm khai thác, tận dụng tốt nguồn nguyên liệu dồi dào của địa phương. Tôn tạo các di tích lịch sử trên địa bàn đã được Tỉnh, Trung ương công nhận, gắn với quy hoạch phát triển du lịch tâm linh và sinh thái theo Đề án phát triển du lịch các huyện phía Bắc tỉnh Bình Định của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, huyện tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đề án nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, mở rộng các ngành nghề đào tạo tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo duc thường xuyên huyện. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới; đẩy mạnh xây dựng đội ngũ doanh nhân, tạo các điều kiện để liên kết, hợp tác phát triển sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI,XII,XIII) và thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; chú trọng thực hiện dân chủ ở cơ sở, tạo sự đồng thuận trong xã hội, tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân xây dựng quê hương An Lão ngày càng giàu mạnh./.
                                       

Tác giả bài viết: Vũ Thành Dương

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây