An Lão- Chung tay cùng phụ nữ miền núi phát triển kinh tế.
Thứ ba - 10/03/2020 15:51
Trong những năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện An Lão đã triển khai thực hiện tốt các phong trào phát triển kinh tế, đồng thời, chung tay giúp đỡ những hội viên có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên thoát nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Chị Nguyễn Thị Yến, Chủ tịch Hội LHPN huyện An Lão, cho biết: Hiện nay, Hội LHPN huyện An Lão có trên 5.170 hội viên, sinh hoạt tại 57 chi hội cơ sở. Để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của Trung ương Hội LHPN Việt Nam và phong trào thi đua yêu nước “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” đạt hiệu quả, những năm qua, Hội LHPN huyện An Lão đã xây dựng nhiều mô hình mới, thu hút ngày càng nhiều hội viên tham gia, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Trao đổi thêm, được biết: Hàng năm, Hội LHPN tiến hành khảo sát, phân loại đối tượng và xác định nguyên nhân đói, nghèo để có cách làm phù hợp giúp chị em. Qua phân tích nhận thấy những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến đói nghèo là do thiếu kiến thức, thiếu đất canh tác, thiếu vốn sản xuất. Từ đó, Hội đã đứng ra ủy thác với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho hội viên vay vốn phát triển kinh tế; đồng thời chỉ đạo cơ sở hội thành lập các tổ tiết kiệm để tạo nguồn quỹ giúp đỡ lẫn nhau. Đến nay, các cấp Hội phụ nữ đang quản lý 9 chương trình cho vay với tổng số tiền trên 112 tỷ đồng cho 2.758 hộ vay vốn phát triển kinh tế. Để đồng vốn phát huy hiệu quả, các cấp hội đã thường xuyên giám sát, kiểm tra, đôn đốc việc sử dụng vốn vay. Qua kiểm tra, các tổ đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả lãi và gốc đúng kỳ hạn.
Ngoài ra, Hội LHPN huyện An Lão còn phối hợp tích cực với các ban, ngành, cơ quan chuyên môn tổ chức 6 lớp tập huấn về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hướng dẫn chị em áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình; mở 14 lớp học nghề may gia công và 2 lớp nấu ăn. Duy trì và phát triển 38 mô hình “Tổ Phụ nữ liên kết phát triển kinh tế” với 1.085 thành viên . Điển hình như mô hình chăn nuôi heo, bò và buôn bán nhỏ chị Nguyễn Thị Nga ở thôn Vạn Khánh; mô hình may gia công của chị Nguyễn Thị Dệt, thôn Xuân Phong Tây xã An Hòa; mô hình trồng dứa, bưởi da xanh của phụ nữ xã An Toàn…Nhờ vậy đã giúp hội viên mạnh dạn đầu tư, áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đồng thời khắc phục việc đi làm xa bằng việc xin may gia công tại cơ sở may địa phương hoặc tại nhà với mức thu nhập ổn định từ 4-5 triệu đồng/tháng, có thời gian chăm sóc gia đình, tích cực tham gia các hoạt động của Hội.
Với sự giúp đỡ tận tình của Hội LHPN huyện và các cơ quan, đoàn thể, ngày càng nhiều hội viên phụ nữ đã vươn lên làm kinh tế có mức thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, như: Gia đình chị Đinh Thị Co ( 1976) , Thôn 1, xã An Hưng với mô hình trồng trọt,chăn nuôi heo lứa và mở cơ sở sản xuất rượu cần truyền thống của người Hre với bình quân mỗi năm 300 ché rượu cần lưu giữ nét hương vị của người đồng bào và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho thu nhập trên 200 triệu đồng/ năm; gia đình chị Nguyễn Thị Nga (1974), ở thôn Vạn Khánh, xã An Hòa, với mô hình chăn nuôi heo, bò và buôn bán nhỏ cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm….
Từ những hoạt động cụ thể, thiết thực trong phong trào phát triển kinh tế của Hội LHPN huyện An Lão đã giúp hội viên thay đổi cách nghĩ, cách làm, đồng thời, phát huy khả năng sáng tạo của mỗi hội viên trong sản xuất, kinh doanh, giúp hội viên thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo và đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Tác giả bài viết: Thy Phương