An Lão: Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong năm 2020 theo hướng bền vững

Thứ ba - 18/02/2020 15:05
Năm 2019, thực hiện chủ trương về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, các ngành chức năng, các địa phương trên địa bàn huyện An Lão đã vào cuộc vận động nông dân tích cực tham gia hưởng ứng chương trình đạt kết quả tích cực, góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho các hộ ở những vùng thường xuyên thiếu nước sản xuất.
Đậu phộng - cây trồng cạn chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân An Lão
Đậu phộng - cây trồng cạn chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân An Lão
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2019, toàn huyện đã chuyển đổi được 51,4 ha cây trồng trên diện tích đất lúa thiếu nước. Trong đó: 18,1 ha chuyển sang trồng ngô, 30,8 ha đậu phộng, 2,5 ha rau màu các loại. So với năm 2018, diện tích chuyển đổi không tăng, nhưng đi vào chiều sâu, có tính bền vững và mang lại giá trị kinh tế cao hơn. Cây ngô cho năng suất bình quân 45,8 tạ/ha, đậu phộng đạt 16,7 tạ/ha và 132 tạ/ha đối với rau màu, lợi nhuận thu được cao gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa. Đây là tín hiệu đáng mừng, chứng tỏ nông dân đã thay đổi nhận thức, thực hiện nghiêm túc chủ trương của huyện về khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển các cây trồng đặc thù để tạo ra sự khác biệt cho mặt hàng nông sản.
Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong năm 2019 đạt được mục tiêu đề ra đó là nhờ huyện kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Đề án Chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2017- 2020, nông dân có điều kiện thực hiện các mô hình tưới tiết kiệm nước, cánh đồng lớn sản xuất theo quy trình VietGAP, chuyển giao giống mới, giảm được nhiều chi phí, năng suất và chất lượng sản phẩm tăng.
Bên cạnh kết quả đạt được, ngành Nông nghiệp huyện nhìn nhận công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn có những hạn chế như diện tích chuyển đổi không đạt kế hoạch, một số nơi chuyển đổi thiếu bền vững, mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp thiếu ổn định, cần sớm khắc phục để chương trình triển khai tốt hơn trong thời gian tới.
Nguyên nhân của hạn chế là do thời tiết diễn biến phức tạp, đầu năm hạn hán, cuối năm lũ lụt, tác động không nhỏ đến sản xuất. Sự chủ động trong điều hành sản xuất ở một số địa phương chưa kịp thời, ảnh hưởng đến kế hoạch chuyển đổi chung và hiệu quả kinh tế của người dân tham gia chuyển đổi. Vùng chuyển đổi cây trồng các địa phương đề xuất đa số là hộ thuộc diện khó khăn, thiếu vốn đầu tư, nên bị tư thương chi phối, gây khó khăn cho doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm. Công tác chỉ đạo thời vụ ở một số địa phương chưa quyết liệt, dẫn đến năng suất, hiệu quả chưa cao.
Theo Quyết định số 317/QĐ-UBND ngày 12.2.2020 của UBND huyện An Lão về phê duyệt phương án phòng, chống hạn, năm 2020, toàn huyện sẽ thực hiện chuyển đổi 126 ha đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng cạn. Để công tác chuyển đổi cây trồng đạt kế hoạch đề ra, huyện chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của nông dân, tạo sự đồng thuận trong hành động. Chủ động kêu gọi doanh nghiệp tham gia hình thành liên kết; tổ chức đánh giá kết quả các mô hình đã thực hiện để minh chứng hiệu quả mang lại từ các loại cây trồng cạn, tạo động lực cho các hộ tự giác chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết. Đối với các mô hình chuyển đổi có hiệu quả, các địa phương vận dụng chính sách phát triển nông nghiệp để hỗ trợ nông dân nhân rộng theo hướng bền vững.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND huyện, sự vào cuộc đồng bộ của ngành chức năng, các địa phương trong việc chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình, kỳ vọng công tác chuyển đổi cây trồng năm 2020 sẽ gặt hái được nhiều thành công.

 

Tác giả bài viết: DD

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây