Không cần tái đầu tư hạt giống, ít sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lại không cần nhiều công chăm sóc, chỉ với 2 sào đất đầu tư trồng rau diếp cá đã giúp ông Nguyễn Văn Khoa, thôn Thanh Sơn, xã An Tân có nguồn thu nhập khấm khá. Ông Nguyễn Văn Khoa chia sẻ: Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ rau diếp cá cao, cũng như nắm bắt được đặc tính rau diếp cá thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng ở những vùng trũng thấp, chân ruộng sình lầy. Đầu năm 2023, tôi đã không ngần ngại cải tạo 02 sào đất trũng để trồng diếp cá, mang lại nguồn thu nhập thường xuyên cho gia đình. Sau 2 tháng trồng và chăm sóc, diếp cá phát triển xanh tốt, cho sản lượng cao với tần suất thu hoạch liên tục theo kiểu giáp vòng. Mỗi ngày trung bình thương lái đến thu mua 100 bó rau diếp cá, với giá bán 2.000 đồng/bó, thu về 200.000 đồng. Cũng theo ông Khoa, rau diếp cá dễ trồng, không tốn nhiều chi phí cũng như công chăm sóc, vào mùa nắng chỉ tưới nước 2 lần/ngày, vào mùa mưa thì không cần phải tưới nước mà rau lại lớn nhanh, cho thu hoạch sớm. Để rau diếp cá phát triển tốt, chống lại các loài sâu bệnh hại, ông tự làm giàn che thủ công bằng cộc tre và lá dừa. Tuổi đời của diếp cá có thể kéo dài tới 10 năm (sau khoảng thời gian này mới trồng lại) nên xét về hiệu quả kinh tế, rau diếp cá “ăn đứt” cây bắp, cây lúa. Trước hiệu quả kinh tế từ rau diếp cá, ông Khoa dự tính sắp tới sẽ tiếp tục cải tạo thêm đất ruộng để đầu tư độc canh loại rau này. Hy vọng từ mô hình sẽ giúp ông Khoa có nguồn thu khấm khá hơn nữa. Anh Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Tân cho biết: Mô hình trồng rau diếp cá của hộ ông Nguyễn Văn Khoa cho thu nhập khá cao và ổn định. Trong thời gian tới, Hội Nông dân xã khuyến khích bà con nhân rộng mô hình này nhằm tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời, phối hợp với các ngành chuyên môn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và hỗ trợ về khoa học, kỹ thuật để giúp nông dân thực hiện hiệu quả mô hình, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.