Trồng Mì cao sản cho thu nhập ổn định

Thứ tư - 06/04/2022 07:22
Những năm gần đây, đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện miền núi An Lão đã biết khai thác tiềm năng đất đai, chuyển đổi những diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang trồng mì cao sản. Qua đó, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo ở địa phương.
Trồng Mì cao sản cho thu nhập ổn định
Được biết, toàn huyện có hơn 200 ha mì cao sản do bà con đồng bào dân tộc thiểu số trồng. Mì cao sản là một trong số ít mặt hàng nông sản vẫn tiêu thụ được với giá ổn định trong tình hình khó khăn chung do dịch bệnh Covid-19 nên bà con rất phấn khởi.
Gia đình anh Đinh Văn Be (thôn 8, xã An Trung), một trong những hộ đi đầu trong chuyển đổi trồng mì cao sản ở địa phương. Với diện tích hơn 3 ha đất trồng mì cao sản, trong những năm qua, gia đình anh đã có thu nhập ổn định, xây dựng được nhà kiên cố, mua sắm được nhiều vật dụng thiết yếu và nuôi các con ăn học. Chỉ tính trong đầu năm 2022, cây mì đã cho năng suất khá cao, đạt 180 tạ/ha. Mỳ thu hoạch đến đâu, thương lái vào mua tới đó. Với mức giá 1.800 – 2.200 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, công thu hoạch, gia đình anh Be thu lãi gần 20 triệu đồng/ha.
Theo anh Be, mì cao sản có sức sống rất mạnh, gần như cả vụ không phải sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu hay bất kỳ loại hóa chất độc hại nào. Việc này góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao sức khỏe cho người dân trong khu vực. Trồng mì trên các sườn đồi dốc cũng giúp giảm thiểu tình trạng xói mòn, sạt lở đất.
Tương tự, gia đình chị Đinh Thị Liêm (thôn 4, xã An Nghĩa) với gần 2 ha mì cao sản, trong năm 2021 chị thu về hơn 40 triệu đồng tiền lời.
Chị Liêm đánh giá mì cao sản là loại cây dễ trồng, tốn ít công chăm sóc, chịu được khô hạn, không kén đất, ít vốn đầu tư, chịu được thời tiết khắc nghiệt, nguồn giống do bà con chủ động được, lại không phải bón phân nhiều, chỉ cần làm cỏ vài lần trong năm.
Được biết, mì cao sản sau thu hoạch của người dân chủ yếu xuất bán cho các thương lái ở địa phương để cung cấp cho nhà máy chế biến tinh bột mì ở khu vực Hoài Nhơn, giá bán dao động 1.800 – 2.200 đồng/kg. Trung bình mỗi gia đình trồng mì thu về 20 - 22 triệu đồng/ha/vụ. Đây là loại cây trồng mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con nông dân.
Để nhân rộng mô hình, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với chính quyền địa phương thành lập 01 Chi hội và 01 Tổ hội trồng mì cao sản tại xã An Trung và An Nghĩa với 32 nông dân tham gia; Tích cực liên kết với các doanh nghiệp để phát triển các vùng trồng mì cao sản lớn, đưa người dân vào chuỗi liên kết để canh tác theo quy hoạch chung của toàn huyện, đảm bảo hiệu quả bền vững.
Ngành nông nghiệp huyện cũng đang tích cực tập huấn nâng cao kỹ thuật, hỗ trợ người dân đầu tư cải tạo đất bằng những loại phân bón hữu cơ, phân chuồng ủ hoai, thân thiện môi trường để ngăn chặn tình trạng thoái hóa đất, đặc biệt trên những diện tích đất đồi có độ dốc cao.
Rõ ràng, cây mì cao sản đang mở ra hướng đi mới đầy tiềm năng cho người dân An Lão. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, thời gian tới, huyện cần có định hướng phát triển rõ ràng, tăng cường tập huấn kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng; Thúc đẩy vai trò của các chi, tổ hội nghề nghiệp, tổ hợp tác để mở rộng liên kết, nâng cao năng lực sản xuất của các hộ nông dân, hình thành các chuỗi giá trị với doanh nghiệp để đảm bảo thị trường tiêu thụ, góp phần trực tiếp trong công tác xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

 

Tác giả bài viết: DD

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây