Nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ hội viên nông dân phát triển kinh tế
Thứ hai - 20/07/2020 15:01
Cùng với việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, Hội Nông dân (HND )huyện An Lão thực hiện nhiều giải pháp giúp hội viên phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.
HND An Lão có hơn 4.000 hội viên, sinh hoạt tại 10 cơ sở hội xã, thị trấn. Những năm qua, HND các cấp trong huyện tập trung tuyên truyền các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn và chủ trương về xây dựng Nông thôn mới thông qua các buổi sinh hoạt định kỳ hàng tháng; lồng ghép trong các lớp tập huấn, tọa đàm, hội thảo đầu bờ, phát huy vai trò của đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên xung kích ở cơ sở... Quan tâm sâu sát, kịp thời nắm bắt nhu cầu, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của hội viên, nông dân… Qua đó, tạo dựng được niềm tin, ngày càng nhiều nông dân tham gia sinh hoạt và tích cực xây dựng tổ chức Hội vững mạnh. Xác định phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm, nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế và từng bước nâng cao đời sống, HND huyện đặc biệt chú trọng đến các hoạt động tư vấn, hỗ trợ hội viên về vốn, tiếp cận khoa học kỹ thuật (KHKT), xây dựng các mô hình sản xuất có hiệu quả. Tuyên truyền, vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất… Hội vận động các tổ chức, cá nhân, hội viên nông dân ủng hộ xây dựng và phát triển Quỹ hỗ trợ nông dân với số tiền hơn 2,47 tỷ đồng tạo nguồn vốn cho 19 dự án, mô hình và 80 hội viên vay mở rộng quy mô sản xuất. Nhận ủy thác hơn 66 tỷ đồng vốn Ngân hàng Chính sách xã hội cho 1.440 lượt hội viên vay. Phối hợp với Ngân hàng NN&PTNT huyện cho 12 hộ vay với tổng số tiền 2,2 tỷ đồng, Phối hợp với các Công ty cung ứng gần 50 tấn phân bón các loại cho nông dân theo phương thức trả chậm… Ngoài hỗ trợ vốn sản xuất, HND An Lão còn tạo điều kiện cho hội viên nâng cao kiến thức trong ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, thông qua hoạt động tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nghề phù hợp, sát thực với nhu cầu của hội viên. Tổ chức cho nông dân đi thăm quan các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả để học tập kinh nghiệm, ứng dụng vào sản xuất và nhân rộng mô hình. Thường xuyên cung cấp thông tin về giá cả thị trường và giới thiệu tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện cho hội viên tham gia các chương trình hội trợ quảng bá các sản phẩm nông nghiệp. Vận động hội viên đăng ký sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn theo chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Từ năm 2019 đến nay, các cấp HND trong huyện tổ chức 41 buổi tập huấn, chuyển giao KHKT cho hơn 7.280 lượt hội viên. Tổ chức 15 cuộc hội thảo đầu bờ về cây con giống mới cho gần 1.120 lượt hội viên nông dân tham dự. Phối hợp với phòng Lao động thương binh xã hội, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện… tổ chức 07 lớp đào tạo nghề cho 245 lao động nông thôn, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng và tập huấn nghề cho 1.095 người. Phối hợp với các công ty tổ chức hội thảo, tọa đàm, tư vấn hướng dẫn kỹ thuật cũng như giới thiệu sản phẩm, chế phẩm sinh học phục vụ trồng lúa, trồng màu cho hàng trăm lượt hội viên, nông dân. Phối hợp với các nhà khoa học, các ngành chức năng hướng dẫn nông dân đưa những giống cây trồng, vật nuôi mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, ứng dụng công nghệ sinh học, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Từ những hoạt động thiết thực trên, giúp nhiều hội viên xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần xây dựng nông thôn mới. Tiêu biểu như mô hình trang trại tổng hợp của hộ Trần Văn Trò (Hưng Nhượng, An Hòa); Mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ của Nguyễn Ngọc Anh (Vạn Khánh, An Hòa); mô hình Trồng dừa xiêm của Võ Thị Bích Học (Thanh Sơn, An Tân); nuôi gà thả đồi của Trần Tấn Đức (Tân Lập, An Tân); Mô hình ươm keo giống hộ Nguyễn Thị Vân (Thôn 2, thị trấn An Lão), trồng măng tây của Nguyễn Thái Thuận (Tân Lập, An Tân),.... Nhiều mô hình kinh tế tập thể cũng được hình thành và phát triển như: Tổ hợp tác trổng rau sạch, Trồng bưởi da xanh ở An Tân; Trồng keo lai, Trồng dâu nuôi tằm ở An Hòa… Điều đáng nói ở đây là nhiều hội viên sau khi có điều kiện về kinh tế đã tương trợ giúp đỡ 12 hộ nông dân nghèo, khó khăn về giống, vốn, trị giá hơn 42 triệu đồng và 120 ngày công lao động. HND huyện cũng phát động tới toàn thể cán bộ, hội viên các nhà hảo tâm tặng quà cho hội viên hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ 60 triệu đồng xây dựng nhà đại đoàn kết cho 02 hộ hội viên nông dân nghèo. Ông Đinh Văn Hùng, Phó Chủ tịch HND huyện khẳng định: Trên cơ sở sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các ban, ngành, đoàn thể cùng sự nỗ lực phấn đấu của các cấp Hội và hội viên, nông dân… tạo động lực lớn thúc đẩy công tác hội và phong trào nông dân huyện phát triển, đạt nhiều kết quả quan trọng. Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được đông đảo hội viên nông dân huyện hưởng ứng tích cực. Nhiều hội viên từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo năm 2019 theo tiêu chí đa chiều của An Lão xuống còn 36,34%, giảm 8,85% so với năm 2018....