Khởi nghiệp làm giàu nhờ hoa lan
Thứ ba - 18/05/2021 09:05
Từ nguồn vốn có được sau khi đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, anh Trần Quốc Việt, ở thôn 9, thị trấn An Lão đã phát triển mô hình trồng và kinh doanh hoa lan. Công việc này đã giúp cuộc sống gia đình anh khá giả hơn và tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.
Có dịp đến Thị trấn An Lão-Bình Định, chắc hẳn ai cũng phải trầm trồ bởi sự đa dạng của các loài lan rừng từ nguyên bản đến nhân giống tại vườn lan của anh Việt. Khi được hỏi về cơ duyên đến với nghề trồng hoa lan, Anh Việt chia sẻ “Tôi có niềm đam mê đặc biệt với hoa lan và bắt đầu sưu tầm loài hoa này cách đây gần chục năm. Thời gian này đã giúp tôi có được vốn kiến thức cơ bản về các loài hoa lan cũng như những kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc. Lúc đầu là sưu tầm các loại hoa lan đẹp ở địa phương như Đại châu, Kiếm Tiên vũ, Quế lan hương, Kiều tím, Giáng hương tam bảo sắc…về sau nhận thấy nhu cầu chơi lan trên thị trường ngày càng phát triển nên tôi bắt đầu chuyển hướng sang kinh doanh, vừa thỏa mãn đam mê vừa mang lại lợi ích kinh tế cho gia đình”.
Nhờ chịu khó vừa làm, vừa học hỏi, nên chỉ sau một thời gian ngắn, anh đã nắm bắt được nghề trồng hoa lan, có thể nhân giống và điều khiển lan ra hoa đáp ứng nhu cầu của người chơi, thiết kế tiểu cảnh với một số loại lan mini. Từ đó, các loài hoa lan rừng do gia đình anh trồng đã được nhiều khách hàng biết đến và ưa chuộng. Ngoài việc thu mua lan rừng từ bà con dân tộc thiểu số tại địa phương để nhân giống và kinh doanh, anh còn tìm tòi nhập thêm một số loại lan công nghiệp như hồ diệp, denro, mokara, vũ nữ…từ Thái Lan, Hồng Kông, Trung Quốc. So với lan rừng, giống lan công nghiệp này khó chăm sóc hơn nhưng lại có ưu thế là đa dạng về chủng loại, màu sắc, bông hoa lan to hơn, lâu tàn hơn. Bên cạnh việc bán cây giống tại vườn, anh Việt còn áp dụng hình thức kinh doanh online, mỗi ngày có thể bán từ 150-200 đơn hàng, lợi nhuận từ việc bán lan dao động từ 50-70 triệu đồng mỗi tháng. Để thuận tiện cho việc chăm sóc lan và bán lan, anh Việt thuê gần 10 nhân công với mức lương từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Hiện vườn lan của anh Việt có hơn 2000 giò với 150 chủng loại khác nhau, giá bán từ vài trăm đến vài triệu đồng một giò, bên cạnh đó anh còn sưu tầm nhiều loại lan quý hiếm trên khắp các vùng miền như Giả hạc, Hoàng thảo kèn, Trầm tím, lan Trần Tuấn, Đơn cam, Kiều dẹt…Đến nay, anh Việt đã đầu tư gần 3 tỷ đồng để mua giống, làm nhà lưới, lắp giàn, hệ thống phun tưới nước tự động và các vật dụng để trồng lan.
Tuy vậy, anh Việt cho biết trồng lan tuy có lợi nhuận cao nhưng rủi ro cũng lớn nếu chưa có kinh nghiệm. Kỹ thuật chăm sóc và nhân giống cây rất quan trọng, người trồng phải có tính kiên nhẫn, tỉ mỉ. Hoa lan là giống cây rất nhạy cảm với thời tiết nên cần chú ý thường xuyên đến độ ẩm, nhiệt độ và ánh sáng. Người trồng lan phải nắm hết đặc tính sinh trưởng, phát triển và hấp thụ dinh dưỡng của từng loại lan để chăm sóc, bón phân, trị bệnh trên lan đúng cách. Cho đến bây giờ, dù đã có gần 10 năm kinh nghiệm trong nghề nhưng anh Việt không dám hời hợt trong việc lựa chọn các loại phân bón, thuốc trừ bệnh cho hoa lan. Và mỗi ngày, thời gian làm việc ở vườn lan của anh có khi kéo dài đến tận 10-11 giờ đêm. Vậy mới biết “nghề chơi cũng lắm công phu”.
Là một loại hoa “quý tộc”, đa dạng về chủng loại và có sức sống mạnh mẽ, hoa lan hiện là lựa chọn của rất nhiều người thưởng hoa từ thành thị đến nông thôn. Vì thế, theo anh Việt, thị trường hoa lan vẫn còn đang phát triển, đây là cơ hội kinh doanh cho những ai muốn làm giàu từ hoa lan, quan trọng là chủ vườn kinh doanh phải thường xuyên sưu tầm giống mới, lạ, giá cả hợp lí và tận tình hướng dẫn khách hàng cách chăm sóc hoa thật tốt. Thời gian tới, anh Việt dự định tiếp tục đầu tư và mở rộng vườn lan, đồng thời, nhân một số giống lan quý hiếm, đặc biệt là lan Đại Châu An Lão nhằm bảo vệ loài lan quý này trước nguy cơ tuyệt chủng.
Với mức thu nhập hơn nhiều lần so với trồng các loại cây khác, nghề trồng hoa lan hiện đã và đang trở thành xu hướng mới trong phát triển nông nghiệp đô thị, mang lại thu nhập cao cho gia đình, đồng thời góp phần tạo mỹ quan, giảm ô nhiễm môi trường.
Tác giả bài viết: Thúy Nhi